Việc này làm phát sinh nhiều hậu quả pháp lý về con cái, nhân thân cũng như tài sản… giữa các bên trong quá trình sống chung. Vấn đề đặt ra là làm sao để mọi người nhận thức được những rắc rối, hậu quả từ mối quan hệ này để tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn.
Dễ hợp, dễ… tan
Trong xã hội hiện đại, tình trạng chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vẫn khá phổ biến, nhất là đối với giới trẻ sống ở các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp.
Là sinh viên cùng trường, học trên dưới nhau hai khóa, Ngọc Hân (quê Hải Phòng) và Tuấn Hưng (quê Đà Nẵng) đều ủng hộ việc sống chung và không thích ràng buộc bởi tờ giấy đăng ký kết hôn. Sau một thời gian làm quen và bén duyên, Ngọc Hân và Tuấn Hưng đã lựa chọn hình thức “sống thử’’ với quan niệm nếu cần thì sẵn sàng tổ chức đám cưới để hợp thức hóa quan hệ vợ chồng. Cũng như Ngọc Hân và Tuấn Hưng, nhiều bạn bè của hai người đều có chung “quan điểm” tương tự. Họ cho rằng, cưới không đăng ký kết hôn sẽ thuận tiện và nhẹ nhàng “buông” khi một trong hai bên không còn muốn tiếp tục chung đường, dù bất kỳ lý do nào mà không sợ bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý. Còn đăng ký kết hôn, nếu có mâu thuẫn không thể chung sống thì sẽ phải đưa nhau ra tòa, vừa mang tiếng, lại rắc rối…
Luật gia Hồng Hạnh (Tòa án nhân dân Tối cao) khuyên và chia sẻ với những ai đang có ý định “sống thử” cuộc sống vợ chồng như Ngọc Hân và Tuấn Hưng: “Hãy chung sống bằng trách nhiệm và cả tấm lòng”.
Với quan niệm sống đơn giản, đã có không ít trường hợp dở khóc, dở cười khi phải giải quyết hậu quả của việc sống chung không đăng ký kết hôn. Đó là các vấn đề liên quan đến con cái, tài sản và quan hệ nhân thân giữa các bên. Có những bạn trẻ đã phải ngậm ngùi giải quyết “hậu quả’’ sau thời gian chung sống. Đơn giản bởi lẽ, về mặt pháp lý thì người bạn trai chung sống không buộc phải thừa nhận cái thai đó là của mình, không tìm được bố cho đứa trẻ được sinh ra và giấy khai sinh cũng không ghi cụ thể họ tên người bố vì hai người không có đăng ký kết hôn; hoặc cũng có thể là một bên phải gồng mình trả những khoản nợ mà hai người đã tiêu xài trong thời gian chung sống khi “đối tác” không có thiện chí, không thừa nhận đó là khoản chi tiêu chung của hai người…
Có thể thấy rằng, việc chung sống không có đăng ký kết hôn hoặc “sống thử” là những hành vi không được xã hội đồng tình bởi những hệ lụy phát sinh và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của người Việt. Nó có thể đem lại vô vàn những rắc rối mà người ta không thể ngờ tới được. Do đó, để tránh những hậu quả rắc rối do việc chung sống không có đăng ký kết hôn đem lại, mọi người hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm, đừng vì chủ nghĩa cá nhân và cái tôi của mình, hãy thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn. Có như vậy mới gắn kết trách nhiệm và nghĩa vụ để họ biết sống yêu thương và trân trọng nhau hơn.
Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý. Như vậy, đăng ký kết hôn là sự “kiểm soát” quan hệ hôn nhân nhằm ổn định trật tự xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên.
Tại Khoản 1 Điều 14 của Luật này cũng quy định: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này. Với quy định trên thì đăng ký kết hôn là một thủ tục bắt buộc trong quan hệ hôn nhân. Việc đăng ký kết hôn sẽ làm phát sinh quyền, trách nhiệm giữa vợ, chồng và là sự ràng buộc giữa hai con người về mặt pháp lý, là sợi dây gắn kết tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ của hai người với nhau, tạo thành những tổ ấm gia đình, trong đó có những thành viên biết yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau. Với một ý nghĩa tốt đẹp như vậy, các cặp đôi sống bằng chính tình yêu và trách nhiệm của mình sẽ sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ người bạn đời trong cuộc sống hàng ngày để vun đắp hạnh phúc, xây dựng tổ ấm của mình một cách tự nguyện chứ không phải sống trong sự tính toán, lo sợ bị ràng buộc của hôn nhân. Có như vậy, các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn mới thực sự đi vào cuộc sống.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com