Đứng tên chồng vẫn là tài sản chung
Chị Nguyễn Thị Lan (huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) thắc mắc: “Sau khi cưới chồng, vợ chồng tôi được bố mẹ tôi cho một căn hộ tập thể cũ. Sau đó khu tập thể bị thu hồi để xây dựng chung cư, chúng tôi được bố trí tái định cư tại chỗ một căn hộ. Sau đó, chúng tôi bán căn hộ này mua đất ở. Trong thời gian làm thủ tục sổ đỏ, tôi bận đi làm ăn xa nên để chồng đứng tên mảnh đất này. Vậy mảnh đất này có được xem là tài sản chung không? Việc định đoạt mảnh đất này có phải được sự đồng ý của tôi không?”.
Trong thực tế thường nhật đa dạng, sôi động của cuộc sống không hiếm các trường hợp người vợ hoặc chồng tự ý một mình thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Đó có thể là trong trường hợp vì nhu cầu thiết yếu, cấp bách của cuộc sống, có thể là những lúc người vợ, chồng đi công tác xa, hoặc có thể do mâu thuẫn phát sinh nên người chồng, vợ đã tự mình đưa ra quyết định riêng. Khi đó, có thể họ hiểu được hoặc chưa hiểu hết được hậu quả pháp lý như thế nào, giao dịch đó có được pháp luật công nhận hay không, quy định pháp luật như thế nào.
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng, tài sản được vợ hoặc chồng tạo dựng, hoặc được tặng cho chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Nếu vợ chồng chị được bố mẹ đẻ của chị tặng cho căn hộ tập thể cũ thì đây là tài sản chung của vợ chồng chị.
Đất, nhà: phải đăng ký quyền sử dụng, sở hữu
Theo chị trình bày trong thư, do khu tập thể bị thu hồi, phá bỏ để xây dựng chung cư, vợ chồng chị được tái định cư tại chỗ bằng một căn hộ. Sau đó, vợ chồng chị bán căn hộ mới này thì số tiền thu được từ việc bán căn hộ cũng được coi là tài sản chung. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật đất đai là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung như sau:
“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 của Luật này”.
Việc chị không đứng tên trong sổ đỏ không mất đi quyền lợi của chị. Tuy nhiên, do chị chưa đứng tên trong sổ đỏ nên chúng tôi khuyên chị nên làm thủ tục để đứng tên cùng chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với mảnh đất ở mà gia đình chị mới mua. Chị có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy để ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể như sau:
“Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng”.
Việc một người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không đồng nghĩa với việc tài sản này là tài sản riêng của người đó. Hơn nữa, mảnh đất mới mua này được nhận chuyển nhượng từ số tiền chung của vợ chồng chị nên cho dù có đứng tên chồng chị thì vẫn được xem là tài sản chung của vợ chồng.
“Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.” - Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com