Thông tin được Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu chia sẻ tại hội thảo“Xã hội hóa quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam” do Cục Hàng không Việt Nam và Báo Lao Động tổ chức ngày 8/4.
Tại hội thảo, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, giai đoạn 2015-2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không cần hơn 230.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách rất khó khăn, việc khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội là cấp thiết.
Hiện, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 100% vốn nhà nước được Nhà nước giao quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống 22 CHKSB (trong đó có 21 CHKSB đang có hoạt động khai thác) với tổng công suất thiết kế tính đến hết năm 2014 là 56 triệu lượt hành khách và tính đến hết tháng 3/2015 là 58 triệu lượt hành khách.
Cục Hàng không xác định: Xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không sẽ phải đảm bảo tiêu chí không được ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, chống lạm dụng vị thế độc quyền; nhà khai thác không được làm thay đổi chức năng của công trình; thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, sân bay của Bộ Giao thông vận tải....
Các diễn giả giải đáp những băn khoăn khi chuyển nhượng quyền khai thác sân bay |
Có ba phương thức nhượng quyền khai thác: Một là theo hình thức Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý. Bằng hợp đồng này, Nhà nước và nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng để quản lý, kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định, trước mắt không quá 50 năm.
Hai là thông qua chuyển đổi doanh nghiệp. Theo Cục trưởng, hiện 21 cảng hàng không đang hoạt động đều là các đơn vị hoạch toán phụ thuộc của ACV - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Phương án này sẽ thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu các chi nhánh cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.
Ba là thông qua việc cổ phần hóa ACV. Đại diện Cục Hàng không cho hay, hiện bộ đang chỉ đạo ACV tập trung hoàn thành phương án cổ phần hóa để trình Thủ tướng trong tháng 4 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.
“Tùy theo tỷ lệ phần vốn nhà nước Chính phủ quyết định giữ lại, phần còn lại sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư và các cá nhân. Đây là một hình thức thông dụng để tư nhân tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng không và đã được triển khai rộng rãi tại Việt Nam đối với lĩnh vực giao thông khác”, ông Lại Xuân Thanh khẳng định.
Về lo ngại độc quyền sau khi chuyển nhượng, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho rằng bản chất ngành hàng không vẫn có tính chất độc quyền bởi không phải ai cũng được mang dịch vụ tới cung cấp vì liên quan tới vấn đề an ninh, an toàn và "đây là ngành kinh doanh có điều kiện, dù chỉ là bát phở".
Do đó, nguy cơ có độc quyền là hiện hữu vì bản thân đã có độc quyền nên việc chuyển sự quản lý từ chủ thể này sang chủ thể khác sẽ không thể tránh được nguy cơ độc quyền.
Cũng vì đặc thù này, Thứ trưởng Tiêu cho biết Bộ GTVT rất chú trọng bàn thảo cụ thể để xây dựng cơ sở pháp lý và các vấn đề liên quan tới điều này.
Ông Lê Mạnh Hùng - TGĐ Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết, đơn vị này đang làm việc với Bộ GTVT để xây dựng hình thức quy trình nhượng quyền sân bay trong đó có việc xây dựng đề án chống độc quyền khi đi vào khai thác. Theo đó, sẽ có những thiết chế quy định để nhà nước, hay tư nhân quản lý đều hạn chế độc quyền, đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia, đảm bảo không có độc quyền, có lợi cho người tiêu dùng là mục tiêu của xã hội hoá hoạt động quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay. |
Tại hội thảo, các chuyên gia độc lập cũng khuyến nghị việc nhượng quyền khai thác sân bay cảng biển phải công khai minh bạch. TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: vấn đề chuyển nhượng cảng hàng không sân bay phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, nguyên tắc giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam kiến nghị: “Xây dựng nghị định, trình tự, thủ tục mở đóng sân bay trên tinh thần cởi mở thông thoáng, khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống sân bay quốc gia bằng vốn xã hội hóa. Quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thuê quản lý, cho thuê, nhượng quyền, bán sân bay địa phương và một số hạng mục công trình phục vụ của sân bay TƯ. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách, kiểm soát hữu hiệu giá, phí độc quyền khi xã hội hóa cảng hàng không, sân bay.”
Hiện nay, hành lang pháp lý cho việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng CHKSB cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo thu hút được Nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhà đầu tư và Người sử dụng.
“Hiện tại, đã có đầy đủ cơ sở pháp lý cơ bản nhưng vẫn cần hoàn thiện thêm, trong đó có sự tham gia đóng góp của nhân dân, báo chí. Bộ GTVT đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để tiến hành nhượng quyền các cảng hàng không như Nhà ga T1, sảnh E, sân bay Phú Quốc. Sau khi hoàn thiện cơ sở pháp lý, Bộ sẽ có phương án cụ thể cho từng dự án nhượng quyền”, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chia sẻ.