Dịch SXH năm nay đến sớm hơn so với mọi năm và đang có những diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2017 đến nay, tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã điều trị nội trú 944 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó riêng người bị sốt xuất huyết tại Hà Nội là 798 ca (chiếm 85% số người bệnh). Trong số người bị sốt xuất huyết thì tại quận Đống Đa có 218 ca mắc sốt xuất huyết cao nhất, tại quận Hoàng Mai 207 ca, quận Thanh Xuân 63 ca, quận Hai Bà Trưng 54 ca. Số ca mắc SXH chủng D1 chiếm số lượng lớn (toàn miền Bắc chiếm 77%).
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Tăng cường tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép bệnh nhân. Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SXH, sẵn sàng hỗ trợ cho các tuyến dưới khi có yêu cầu.
Bệnh SXH lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh SXH.
Qua điều tra cho thấy, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh SXH thời gian qua là do mùa hè đến sớm, ổ muỗi, bọ gậy/loăng quăng truyền bệnh SXH tập trung chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước như: lốp xe, lọ hoa, chum vại đựng nước nhưng không có nắp đậy, những bãi đất trống, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý,... Do đó, mỗi người dân cần chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch, không có bọ gậy, loăng quăng không có SXH.