Bệnh nhân là nam, 42 tuổi, có thói quen ăn nem chua, thịt lợn tái thường xuyên. Người bị đau đầu âm ỉ kèm sốt khoảng 1 tuần trước khi vào viện.
Tại bệnh viện, bác sĩ đã tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy xét nghiệm và xác định người bệnh bị viêm màng não do liên cầu lợn.
Trong quá trình điều trị, người bệnh xuất hiện giảm thính lực tai trái. Sau 14 ngày điều trị, người bệnh hết đau đầu, hết sốt, thính lực cải thiện ít.
Theo bác sĩ, viêm màng não là một dạng nhiễm trùng ở các lớp mô quanh não bộ và tủy sống. Bệnh viêm màng não nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn di chứng nặng nề: điếc 1 bên hay 2 bên vĩnh viễn, không hồi phục. Một số người bệnh phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt.
"Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Trường hợp người bệnh đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60- 80%", bác sĩ thông tin thêm.
Để phòng ngừa viêm màng não nói riêng và các bệnh liên quan đến liên cầu lợn nói chung, bác sĩ khuyến cáo người dân cần: Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, tiết canh…, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Đồng thời cần giữ các dụng cụ chế biến thực phẩm ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn...
Trước đó, trong tháng 1 và tháng 3/2024 đã có 2 người đàn ông tử vong do mắc liên cầu lợn, xuất phát từ thói quen ăn tiết canh.
Trường hợp thứ nhất tại Điện Biên, người đàn ông 43 tuổi có tham gia mổ lợn và ăn tiết canh cùng 24 người khác. Vài ngày sau, người đàn ông này có biểu hiện đau vùng thượng vị, sốt cao, nôn, hạ huyết áp... Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán Sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng/theo dõi liên cầu lợn. 2 ngày sau, bệnh nhân tử vong.
Trường hợp thứ 2 là người đàn ông 50 tuổi, quê Nam Định, cũng tham gia mổ lợn và ăn tiết canh. Sau ăn 1 ngày, người này thấy đau mỏi người, đi ngoài kèm sốt cao, chân tay tím tái. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn. Dù được điều trị hồi sức tích cực nhưng tình trạng người bệnh không cải thiện và tử vong không lâu sau đó.