Cái chết được chuẩn bị trước
Khoảng 15h ngày 29/3, ông Thái Trĩ (57 tuổi, ngụ xóm 5, thôn Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; chủ tịch UBND xã Phú Mỹ) uống thuốc trừ sâu tự tử tại nhà.
Anh Phan Minh (37 tuổi), người đầu tiên phát hiện sự việc, cho biết: “Khoảng 17h, tôi gọi rất nhiều cuộc cho ông Trĩ để bàn chuyện làm ăn. Máy đổ chuông nhưng không có người nghe. Nghĩ có chuyện chẳng lành nên tôi vội chạy xe tới xem tình hình như nào.
Đến nơi thấy cửa chính khép lại, xe thì vẫn ở ngoài. Gọi nhiều lần không ai trả lời, tôi mở cửa đi vào thấy ông Trĩ đã nằm lịm trên giường, người tím ngắt. Trên bàn có một chai thuốc trừ sâu 100ml đã cạn, ví tiền hơn 2 triệu đồng, một bức thư tự viết tay hết một trang giấy. Tôi hoảng hốt la to cho xóm làng cùng tới, gọi xe chở đi bệnh viện và báo tin cho các con của ông.”.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền (28 tuổi), hàng xóm, thuật lại: “Chắc ông ấy xác định chết nên mới chọn ngày thứ bảy, con gái bận làm tăng ca không về thăm được. Còn để lại tâm thư, khi người nhà đọc lên, tôi cũng được nghe. Trong thư ông Trĩ tâm sự không muốn tham quyền cố vị, không muốn làm phiền gia đình, làm phiền xã hội: "Ba tin tưởng ở tương lai của các con và mong rằng các con sẽ sống tốt, thương yêu nhau hơn".
Đồng thời ghi lại một số khoản nợ cho người thân, bạn bè mượn chưa trả, trong đó có một số cán bộ của ủy ban xã, và phân chia tài sản cho 3 đứa con. Trong thư cũng giải thích cái chết của ông không liên quan đến các cán bộ ủy ban khác và mong muốn gia đình đừng yêu cầu cơ quan chức năng mổ xẻ, khám nghiệm tử thi khi ông qua đời”.
Sau hai ngày nằm ở bệnh viện Trung ương Huế, vào lúc 1h10 ngày 1/4, ông Thái Trĩ qua đời do nhiễm độc quá nặng từ thuốc trừ sâu. Công an huyện Phú Vang kết luận nguyên nhân cái chết do ông này uống thuốc trừ sâu tại nhà riêng.
Ông chủ tịch trưa ăn cơm bụi, tối ăn cơm nhờ
Cụ Thái Mốc (85 tuổi, cha của người chết) tâm sự: “Gia đình tôi có bề dày cách mạng, thằng Trĩ là con thứ ba trong số chín anh chị em. Tuy đông con nhưng tôi vẫn chịu khó cho các con học hành tử tế. Các con đều có công việc ổn định, đứa làm ở sở nội vụ, đứa thì giáo viên, đứa làm cán bộ khách sạn...
Thằng con xấu số của tôi (ông Trĩ – PV) học kế toán ở trường Trung cấp Kỹ Nghệ trước đây, sau này là trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Nó về quê làm từ kế toán, lên phó chủ nhiệm, rồi lên chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Sau đó vào ủy ban xã làm phó chủ tịch rồi giữ chức chủ tịch UBND từ năm 2006. Nó mất đi tôi như đứt từng khúc ruột. Đúng là “lá xanh rụng xuống, lá vàng còn trên cây””.
Ông Trĩ có ba người con là Thái Thị Mỹ Trinh (33 tuổi) làm nghề thợ may ở Phú Bài, đã có chồng con tại TP.Huế. Người con trai thứ hai là anh Thái Minh Triết (30 tuổi) bán cơm văn phòng đang cùng vợ con sống tại TP.HCM. Con trai út là Thái Thao (24 tuổi) đang học liên thông tại ĐH Sư phạm tại TP.Huế.
Do các con đều ở xa nên buổi trưa ông ở lại mua cơm bụi và nghỉ ngơi tại trụ sở ủy ban, buổi tối và ngày nghỉ thì ăn cơm do vợ chồng người em trai ở gần nhà nấu. Hàng ngày ông chỉ thui thủi một mình trong căn nhà mới được sửa chữa lại khang trang cách đây hai năm.
Ông Thái Tao (60 tuổi, anh ruột ông Trĩ) nghẹn ngào cho biết: “Nó là người tính tình thật thà nhất nhà. Từ tháng 3/2013, em tôi bị chứng mất ngủ, đã đi bệnh viện tâm thần uống thuốc được năm đợt an thần nhưng chưa khỏi, đến tháng 8/2013 thì ngừng thuốc. Sau đó cứ nghe đâu có thầy giỏi, thuốc tốt là tìm đến, nhưng căn bệnh không hề thuyên giảm.
Anh em trong nhà nhiều lần khuyên nghỉ việc vài tháng để đi chữa trị. Nó cũng đã viết đơn xin nghỉ việc gần được hai tháng, nghe đâu cấp trên đang chuẩn bị phê duyệt thì việc đáng tiếc này xảy ra. Cách đây 10 ngày, nó vào thăm nhà tôi, cũng than phiền về sự bi quan, buồn chán trước cuộc sống do căn bệnh quái ác trên”.
Cả xã khóc thương
Trời Huế mấy ngày trước nắng như thiêu như đốt, nhưng hôm đưa xác ông Thái Trĩ lại âm u, gió nổi, lá rụng đầy đường. Mấy trăm người dân tập trung tới chia buồn cùng gia đình.
Bà Hoàng Lan (58 tuổi, chị dâu ông Trĩ) kể lại: “Những ngày em tôi nằm viện, nhiều người tới thăm lắm, có lúc tới 50 người. Ai cũng cầu nguyện cho nó qua khỏi. Có ông Bổn làm Trưởng trạm y tế xã Phú Mỹ hầu như không về nhà, khóc lóc và ở cạnh em tôi đến khi nó qua đời. Nó sống được lòng dân lắm mới nhiều người thương như vậy”.
Đơn thuốc của ông Trĩ tại Bệnh viện tâm thần Huế |
Theo ông Đào Hữu Truyền, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Mỹ: “Anh Trĩ là cán bộ mẫn cán, tính tình thật thà, năng nổ. Dù có bệnh nhưng mọi công việc ở UBND xã ông đều hoàn thành nhiệm vụ. Nội bộ không xảy ra mâu thuẫn gì.
Những lần lụt bão anh ấy thường đích thân đi cứu trợ và hỏi thăm nhân dân nên được mọi người hết mực tin yêu. Là người làm cùng cơ quan, tôi cũng biết chứng mất ngủ của anh ấy, cũng khuyên nghỉ việc vài hôm ở nhà chữa bệnh. Nhưng anh đều từ chối vì trách nhiệm công việc. Anh ấy mất đi là nỗi buồn rất lớn với cơ quan và toàn dân xã này”.
Đất ủy ban có... ma?
Việc ông Trĩ tự tử khiến người dân địa phương nhớ đến những cái chết bất thường của một số cán bộ ủy ban trước đây.
Như trường hợp anh xã đội trưởng Bổn, dùng dây giày thắt cổ tự tử bốn năm trước, anh phó công an xã Minh bị tai nạn tử vong cách đây năm năm, ông trưởng công an xã Tích bị đột tử trong ủy ban 10 năm trước…
Và nhiều trường hợp không chết nhưng gặp tai họa các kiểu như bị kiện cáo mất chức, bị tâm thần, bị bệnh hiểm nghèo… Một số người mê tín đồn thổi đất ủy ban có phong thủy xấu, đất “có ma” nên mới xảy ra như vậy. /.