Chẳng còn là gì trong mắt vợ
Sau khoảng gần 5 năm cuộc sống hôn nhân êm ấm, gần đây vợ chồng chị Nguyễn Thu Thủy và anh Lê Văn Hải, trú tại nhà tại khu tập thể của một phường ven đô, thường xảy ra cãi vã. Anh Hải vốn làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu của tư nhân, có lương khá cao. Gần đây tình hình kinh doanh khó khăn, công ty cắt giảm biên chế, trong đó có anh phải nghỉ việc.
Anh Hải buồn nên suốt ngày tụ tập cùng bạn bè la cà ngoài quán nhậu. Bỗng dưng mất đi khoản thu nhập chính, mọi chi tiêu trong gia đình đều bị xáo trộn, trong khi chồng thì bê tha khiến chị Thủy càng thêm chán chường. Chị bắt đầu so sánh chồng mình với những người đàn ông khác và luôn thất vọng về chồng.
Anh Hải cũng không khá hơn khi luôn có tâm lý buồn bã, xấu hổ và dễ tự ái khi vợ nhắc nhở, nói bóng gió này nọ... Chính vì thế nên anh thấy chán nản, không muốn về nhà. Bất cứ chuyện gì, kể cả việc nhỏ nhặt cũng có thể trở thành ngòi nổ, khiến vợ chồng anh giận dỗi nhau.
Cùng cảnh ngộ bị thất nghiệp và bị vợ coi khinh, không tôn trọng và hay nói điều “này nọ” như anh Hải, đó là anh Trần Tuấn Hưng, nhà ở một huyện ngoại thành. Anh Hưng xây dựng gia đình với chị Lê Thủy Tiên được 7 năm và đã có với nhau 2 mặt con. Cuộc sống vợ chồng vẫn ấm êm hạnh phúc cho tới cách đây hơn nửa năm, khi công ty kinh doanh thiết bị điện tử giảm biên chế và cho anh Hưng nghỉ việc.
Từ chỗ mỗi tháng đưa vợ hơn chục triệu đồng, nay không có gì, đi đâu cũng ngửa tay xin vợ khi thì dăm, bảy chục, lúc lại vài trăm ngàn..., vì vậy thái độ của Tiên, vợ anh luôn không hài lòng. Cô ta cũng luôn so sánh chồng cô này, cô kia kiếm tiền giỏi, lại chăm chỉ... rồi than thân trách phận là hẩm hiu, khiến anh Hưng động lòng buồn bã.
Nhiều lúc vợ anh còn mắng chó, chửi con theo kiểu “giận cá chém thớt” khiến anh càng đau lòng. Chán nản vì chưa xin được công việc làm mới lại luôn bị vợ “tra tấn” tinh thần như vậy nên anh Hưng cũng đã sa đà vào cờ bạc cùng đám bạn lúc nào không hay. Cuộc sống vợ chồng anh ngày càng nặng nề theo kiểu “chiến tranh lạnh”, có khi cả tuần vợ chồng chẳng nói với nhau câu nào, hoặc có nói với nhau thì cũng kiểu bóng gió chứ không còn trực diện với nhau. Sự lung loay nền móng hạnh phúc gia đình là điều có thể dẫn đến sụp đổ lúc nào mà cả hai vợ chồng không tiên lượng trước được...
“Cứa dao” vào nỗi đau của chồng
Chuyện của vợ chồng chị Thủy, của vợ chồng anh Hưng không phải là hiếm trong xã hội hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, người chồng thất nghiệp không chỉ đơn thuần là chuyện tiền bạc, giảm thu nhập của gia đình mà đây cũng chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của hôn nhân.
Người thất nghiệp luôn có cảm giác hụt hẫng và dễ rơi vào trạng thái cô đơn. Ở người đàn ông, cảm giác này lớn hơn rất nhiều so với phụ nữ, bởi đàn ông vốn được coi là trụ cột của gia đình. Bất kỳ một thái độ nào của người vợ cũng có thể làm người chồng bị tổn thương. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thất nghiệp chỉ là tạm thời, là điều khó tránh.
Mất việc không có nghĩa là dấu chấm hết cho sự nghiệp của người chồng. Hiểu được điều này, người vợ sẽ thông cảm với chồng hơn để động viên và cùng chồng vượt qua, còn bản thân người chồng cũng sẽ bớt bi quan và không buông xuôi trước khó khăn nhất thời.
Trong gia đình có chồng thất nghiệp, người vợ cũng cần điều chỉnh lời ăn tiếng nói. Ở hoàn cảnh này, người vợ hay than thân trách phận, phàn nàn... Thái độ đó chẳng khác nào “cứa dao” một cách từ từ vào nỗi đau của người chồng. Vì vậy, các chị hãy bình tĩnh, nên nhìn mọi thứ với quan điểm lạc quan một chút như chồng ở nhà thì có thời gian quan tâm đến gia đình, con cái nhiều hơn, kèm cặp dạy dỗ con tốt hơn và vì thế mà cũng có trách nhiệm với gia đình hơn, hiểu gánh nặng những công việc không tên bấy lâu của vợ...
Người vợ không nên tỏ thái độ khinh thường chồng, gọi chồng là “ăn bám” hoặc so sánh chồng với những người đàn ông khác. Hơn nữa, khi chồng thất nghiệp, người vợ cũng không nên giao hết việc nhà cho anh ấy. Nếu trước kia mọi thứ “anh làm giúp”, bây giờ chồng thất nghiệp ở nhà cũng phải “nhờ anh”. Đó là lời nói khéo, nhắc nhở người chồng rằng, anh chỉ tạm thời giúp đỡ vợ thôi, còn việc của anh là ở ngoài xã hội.
Trao cho chồng sự tự tin
Để xóa tan cảm giác vô dụng ở trong suy nghĩ của chồng, người vợ hãy tìm cách khen ngợi anh ấy bất kỳ khi nào có thể, ở những lĩnh vực mà anh ấy giỏi, đồng thời hãy nhờ chồng làm giúp những việc mà anh ấy có thể làm tốt như sửa chữa đồ đạc trong nhà…
Những sự động viên, khen ngợi và “nhờ vả” như thế sẽ giúp người chồng tự tin hơn và cảm thấy mình vẫn giữ được vai trò trụ cột trong gia đình. Ngoài ra, điều quan trọng nhất vẫn là người vợ phải hỗ trợ chồng tìm kiếm việc làm mới, giúp chồng làm hồ sơ xin việc… đó là cách giải quyết vấn đề tích cực nhất và cũng để khẳng định rằng, anh ấy không đơn độc khi gặp khó khăn.