Chống lãng phí đồ ăn thời công nghệ số

Mua thức ăn cuối ngày giá rẻ thông qua ứng dụng “2good2go”
Mua thức ăn cuối ngày giá rẻ thông qua ứng dụng “2good2go”
(PLO) - Nếu nạn lãng phí thực phẩm ở Paris vẫn cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của cả nước Pháp, thì có một điều không thể phủ nhận là người Paris ngày càng có ý thức chống lãng phí thức ăn, nhất là trong vòng hơn hai năm qua, kể từ khi Quốc hội Pháp thông qua luật chống lãng phí thực phẩm hồi tháng 2/2016.

Từ việc nhiều siêu thị chấp nhận bán các loại rau củ “xấu mã”, cho tới hàng loạt ứng dụng cho phép người dùng điện thoại smartphone mua được các suất ăn giá rẻ vào cuối ngày khi các nhà hàng, cửa hiệu đóng cửa… Nhiều sáng kiến đã giúp lượng thực phẩm bị vứt vào thùng rác ở Paris giảm nhiều.

Bà Antoinette Guhl, trợ lý của thị trưởng Paris Anne Hidalgo, chuyên trách mảng kinh tế xã hội và đoàn kết, sáng kiến xã hội và kinh tế tuần hoàn, cho biết: “Tại Paris, mỗi năm, 59 ngàn tấn thực phẩm nguyên hộp và vẫn còn dùng được bị ném vào thùng rác. Với tỉ lệ lãng phí 26kg thực phẩm/người, lượng thức ăn mà người dân Paris vứt đi nhiều gấp 3 lần so với người dân sống tại các vùng khác tại Pháp”.

“Tủ lạnh đoàn kết” 

Zero Waste – “Không lãng phí” là một tổ chức chống lãng phí thực phẩm ra đời từ những năm 1980 tại California, Hoa Kỳ. Để người dân Paris chú ý hơn trong tiêu dùng thực phẩm, trong ba ngày 28 - 30/6/2018, tổ chức “Không lãng phí” chi nhánh Pháp đã tổ chức lễ hội “Không lãng phí” lần thứ hai tại Paris. 

Theo bà Flore Berlingen, giám đốc tổ chức “Không lãng phí” chi nhánh Pháp, lễ hội cho phép cả các nhà kinh doanh ăn uống và người dân khám phá phương pháp “không rác thải, không lãng phí”, tự tay thực hành, đưa ra các sáng kiến hay cung cấp phương tiện để biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Bà Berlingen cũng cho biết thêm ngày càng có nhiều người quan tâm đến cuộc chiến chống lãng phí thức ăn: “Cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm thu hút mọi người vì tất cả chúng ta đều có thể hành động, tất cả mọi người đều có thể làm một điều gì đó tùy theo khả năng của mình và điều này có tác dụng khuyến khích nhiều người”.

Lễ hội “Không lãng phí” chỉ là một trong không ít sáng kiến được triển khai tại Paris trong hai năm qua góp phần đưa Paris từ một thành phố lãng phí thức ăn ở mức “vô địch” tại Pháp trở thành “nữ hoàng chống lãng phí thức ăn”. 

Mỗi năm tại Pháp có đến 10 triệu tấn thực phẩm, trị giá tổng cộng 16 tỷ euro, bị thất thoát hoặc lãng phí
Mỗi năm tại Pháp có đến 10 triệu tấn thực phẩm, trị giá tổng cộng 16 tỷ euro, bị thất thoát hoặc lãng phí

Hồi tháng 6/2017, một chiếc “tủ lạnh đoàn kết” được đặt trên vỉa hè gần ở số nhà 46, phố Ramey, quận 18, Paris. Chiếc tủ lạnh tự phục vụ này là nơi các chủ nhà hàng, cửa hiệu cho các món ăn còn dư, những loại thực phẩm (sữa, các loại nước uống, trái cây, rau, đồ hộp …) họ không bán hết vào, để bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Ý tưởng lắp “tủ lạnh đoàn kết” là của cô Dounia Metboul, chủ nhà hàng La Cantine, quận 18. Cô chia sẻ: “Tôi đã có dịp nhìn thấy chiếc “tủ lạnh đoàn kết” đầu tiên tại Brixton, Luân Đôn. Và khi tìm hiểu thông tin thì tôi thấy rằng ở Pháp chưa hề có chiếc tủ lạnh nào như vậy. Tôi đã nói chuyện với mẹ tôi, người cùng tôi quản lý nhà hàng. Và chúng tôi quyết định lắp chiếc tủ lạnh đoàn kết đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái”.

Ý tưởng của Dounia Metboul được hai diễn viên Baptiste Lorber và Natoo ủng hộ. Họ đã tung lên Youtube một đoạn clip ca ngợi “Tủ lạnh đoàn kết”. Clip đã được hơn 2 triệu lượt người xem và được chia sẻ rất nhiều trên các mạng xã hội. 

Cho đến nay, Paris và nước Pháp đã có thêm nhiều “Tủ lạnh đoàn kết” và người ta vẫn đang tiếp tục quyên góp để lắp những chiếc tủ lạnh mới. Hiệp hội “Tủ lạnh đoàn kết” cũng được thành lập. Cô Camille Laurent thuộc hiệp hội cho biết: “Rất nhiều người có hoàn cảnh khác nhau được hưởng lợi: Những người vô gia cư không có tiền để mua thức ăn, những gia đình đông con không còn đủ tiền chi tiêu những ngày cuối tháng, và cả người đã về hưu”.  

Hai năm, tận dụng 1 triệu suất ăn

Trong thời công nghệ số, với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, nhiều ứng dụng đã ra đời giúp người tiêu dùng và các siêu thị, cửa hàng ăn uống kết nối với nhau dễ dàng, vừa giúp cho người kinh doanh không phải vứt bỏ đồ ăn thừa, vừa giúp người có thu nhập hạn chế mua được thực phẩm với giá rẻ. 

Một nguồn gây lãng phí lớn ở Paris là các siêu thị, nhà hàng. Và đây cũng là đối tượng được nhiều ứng dụng nhắm tới. Được nhắc tới nhiều trong thời gian qua là ứng dụng “2good2go” - tạm dịch là “Rất ngon nên đừng vứt bỏ”.

Cô Lucie Bath, một phụ nữ Paris 25 tuổi, người đã sáng lập ra trang “2good2go” cách nay 2 năm chia sẻ: “Chỉ trong hai năm qua, chúng tôi đã giúp hơn 1 triệu suất ăn khỏi bị quẳng vào thùng rác, chỉ với những người chịu khó đi lại một chút vào buổi tối. Cứ nghĩ đến những chiếc xe rác chất đầy, thì chúng tôi thấy sẽ thật là tuyệt vời nếu tất cả mọi người chung sức để có thể tác động mạnh mẽ đến những vấn đề như lãng phí thực phẩm”.

Thông qua ứng dụng “2good2go”, trung bình mỗi ngày, 9.000 suất ăn được các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, thậm chí là các chuỗi khách sạn Ibis, Mercure, Novotel bán rẻ vào cuối ngày thay vì vứt đi. Giá các suất ăn này thông thường chỉ rẻ bằng 1/3-1/4 giá một suất ăn mua trong ngày. Một suất ăn thường chỉ có giá 2-5 euro thay vì 10-20 euro. Nhà hàng Comtesse du Barry - Vaugirad quận 15, Paris, chuyên về món gan béo, cá hồi xông khói và trứng cá muối đề nghị bán cho khách suất ăn 15 euro thay vì 60 euro. 

Chỉ cần tải ứng dụng miễn phí về điện thoại, người dùng sẽ nhận được thông tin về các cửa hàng gần nơi họ có mặt, số suất ăn mà cửa hàng còn vào giờ đóng cửa, giờ khách có thể đến lấy thức ăn mang về, giá của suất ăn, địa chỉ cửa hàng. Với vài thao tác giản đơn, khách hàng có thể đặt món với nhà hàng, thanh toán qua mạng và chỉ đợi đến giờ là tới mang suất ăn về.

Để bảo vệ môi trường, khách hàng thường được yêu cầu tự cầm theo hộp và túi để đựng thức ăn mang về. “2good2go” gọi đó là các “suất ăn bất ngờ” vì gồm những món nhà hàng làm nhiều nhưng không bán hết, khách hàng không biết trước sẽ mua được món gì, và không phải ngày nào cũng có cùng một món. 

Anh Arnaud Galibot là chủ một nhà hàng có tham gia ứng dụng “2good2go”, nói bên một suất ăn tối mà anh vừa chuẩn bị cho khách dùng ứng dụng này: “Trông nó có thể không thật đẹp mắt nhưng ăn thì rất, rất ngon. Tôi nghĩ rằng đối với một chủ nhà hàng, về mặt đạo đức, điều tồi tệ nhất là phải vứt bỏ các món ăn mà chúng tôi đã chế biến. Hơn nữa, tôi lại có một trang trại, chúng tôi tự trồng rau. Vì thế bằng mọi giá chúng tôi tránh việc phải vứt bỏ thức ăn. Và giải pháp tốt nhất là bán với giá chỉ bằng giá chúng tôi mua đầu vào thôi”. 

Thức ăn cuối ngày tại các nhà hàng sẽ được bán với giá gốc thông qua các ứng dụng trên mạng
Thức ăn cuối ngày tại các nhà hàng sẽ được bán với giá gốc thông qua các ứng dụng trên mạng

Thành công của của “2good2go” ở Paris đã nhanh chóng mở đường cho công ty start-up của Lucie Bath, với 9 nhân viên, triển khai ứng dụng ở khoảng 40 thành phố trên toàn nước Pháp, từ Rennes, Lyon, Nantes, cho tới Bordeaux, Toulouse … Ứng dụng cũng được sử dụng cả ở Đức, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Đan Mạch và Na Uy, những quốc gia mà người dân có thói quen thanh toán trên mạng. 

Với mỗi suất ăn bán được, công ty quản lý “2good2go” hưởng 1 euro. Doanh thu năm 2017 của doanh nghiệp start-up này đạt khoảng 300 ngàn euro. Chỉ tính riêng tháng 11/2017, đã có thêm 15 ngàn người ở Paris sử dụng ứng dụng này. Khách hàng của “2good2go” rất đa dạng, từ sinh viên, người làm công ăn lương cho tới các hộ gia đình, người đã nghỉ hưu… Người này truyền tai người kia và thông qua báo giới, trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 50 nhà kinh doanh trở thành đối tác của “2good2go”.

Nở rộ các ứng dụng “chia sẻ” thức ăn

Ngoài “2good2go”, có thể nhắc tới ứng dụng “Optimiam”, ra đời từ năm 2014. “OptiMiam” có 900 đối tác là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và các chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh như Subway, Franprix, Carrefour City và đã cho phép tiết kiệm 100 tấn thức ăn. Không hướng tới các “suất ăn bất ngờ” như “2good2go”, các siêu thị, cửa hàng đối tác trên ứng dụng “OptiMiam” ghi rõ loại thực phẩm còn dư mà họ bán rẻ. Trong khi đó, ứng dụng “Zero-gachis” lại liệt kê các mặt hàng sắp tới ngày hết hạn sử dụng và được bán rẻ tại hơn 100 siêu thị. 

Cuối năm 2017, ông Arash Derambarsh, cố vấn hội đồng thành phố Colombes ở ngoại ô Paris và ông Marc Simoncini, người sáng lập trang web hẹn hò Meetic nổi tiếng cho ra mắt ứng dụng “The Food Life” – “Cuộc sống của thực phẩm”. Ứng dụng này hướng tới phục vụ các hiệp hội từ thiện. Trên ứng dụng, có tên, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của các siêu thị đối tác. Hàng ngày, các siêu thị thông báo lượng thực phẩm tươi sống không bán hết mà họ muốn phân phát cho các hiệp hội từ thiện, cũng như giờ giấc phân phát. 

Mới đây nhất, vào ngày 12/07/2018, hiệp hội HopHopFood tung ra ứng dụng cùng tên. Nhưng khác với các ứng dụng khác làm nhịp cầu kết nối nhà kinh doanh ăn uống và người tiêu dùng hay các hiệp hội từ thiện, ứng dụng “HopHopFood” lại là nhịp cầu để các cá nhân, thường là những người sống trong cùng khu phố, trao đổi với nhau các món ăn hoặc thực phẩm mà họ không dùng hết: sữa chua, rau quả, nhưng các loại thực phẩm dễ hỏng như thịt, cá … không được phép trao đổi. Người dùng ứng dụng có thể đăng ký là người cho hoặc nhận thức ăn, hoặc cả hai. 

Mục tiêu chính của “HopHopFood” là chống lãng phí, nhưng quan trọng hơn cả là giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn có thêm thức ăn. Được triển khai trên toàn nước Pháp, nhưng trước đó ứng dụng “HopHopFood” đã được thử nghiệm trong nhiều tháng ở thành phố Sceaux, ngoại ô Paris, nơi tập trung tới trên 10 ngàn sinh viên và cả ở Palais de la Femme ở quận 11, Paris - một trung tâm lưu trú tạm thời của 600 phụ nữ trong hoàn cảnh bấp bênh. 

Chưa dừng ở đó, các nhà sáng lập “HopHopFood” cũng đang có kế hoạch lắp đặt những chiếc tủ mà họ gọi là “tủ đoàn kết”. Những người có thực phẩm còn hạn sử dụng mà họ không dùng đến có thể mang tới cho vào tủ để những ai có nhu cầu thì đến đó lấy. Những chiếc tủ đầu tiên sẽ được lắp đặt ở quận 11 Paris - trong các cửa hàng thực phẩm sạch Bio c’Bon và cả ở thành phố ngoại ô Sceaux. 

Đối với người dân Paris, chống lãng phí thực phẩm không đơn giản chỉ là giảm lượng thức ăn thừa, mà còn đồng nghĩa với việc giúp đỡ những người khó khăn có thêm một chút thức ăn, thức uống.

Mỗi năm tại Pháp có đến 10 triệu tấn thực phẩm, trị giá tổng cộng 16 tỷ euro, bị thất thoát hoặc lãng phí. Đó là báo động của Cơ quan Môi trường và Tiết kiệm năng lượng (Ademe) của Pháp trong một báo cáo vừa được công bố hồi giữa năm 2016.

Báo cáo này được đưa ra sau khi Quốc Hội Pháp hồi tháng 2/2016 đã thông qua các biện pháp chống lãng phí thực phẩm. Cơ quan Ademe cũng đã tung ta một chiến dịch toàn quốc vận động dân Pháp đừng lãng phí thức ăn.

Cơ quan này cho biết, mỗi năm, mỗi người tiêu dùng ở Pháp lãng phí 26 kg thực phẩm, tức là khoảng 30g mỗi thực khách cho mỗi bữa ăn. Còn trong các nhà hàng và các nhà ăn tập thể, mức lãng phí lên tới 130g mỗi thực khách cho mỗi phần ăn.

Thật ra thì theo cơ quan Ademe, thực phẩm bị lãng phí không phải chủ yếu là do người tiêu dùng, mà là ở toàn bộ các công đoạn từ sản xuất (30%), chế biến (21%), cho đến phân phối (14%) và tiêu dùng (33%).

Chống lãng phí thực phẩm cũng góp phần chống biến đổi khí hậu, vì 10 triệu tấn thực phẩm lãng phí là tương đương với 15,3 triệu tấn khí CO2, tức là 3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Pháp. 

Đọc thêm

MobiFone Smart Travel - Chạm là đi, đi là đến

“Túi khôn du lịch” MobiFone Smart Travel.
(PLVN) - Thời đại 4.0, chuyến đi của người trẻ không giới hạn chỉ ở điểm đến. Đó còn là cuộc hành trình của những cuộc vui cùng công nghệ. Hè này, bạn trẻ đừng bỏ qua ứng dụng khám phá du lịch cực chất, cực chill MobiFone Smart Travel.

Dalatmilk - 'Di sản từ cao nguyên' chinh phục những khách hàng kỹ tính nhất

Dalatmilk - 'Di sản từ cao nguyên' chinh phục những khách hàng kỹ tính nhất
(PLVN) -  Dalatmilk - thương hiệu sữa tươi sạch ghi dấu ấn một “Di sản từ cao nguyên” đã và đang chinh phục ngày càng nhiều khách hàng khó tính, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn tinh tế ở cấu trúc, hương vị, độ béo, và các yếu tố vi lượng chuẩn mực của sữa cho pha chế và thưởng thức. Hiện Dalatmilk được nhiều hệ thống khách sạn 5 sao cùng các chuỗi nhà hàng đẳng cấp quốc tế, các “ông lớn” trong ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam và thế giới lựa chọn, tin dùng.

‘Mách nhẹ’ anh em món quà khiến phái đẹp rung rinh

‘Mách nhẹ’ anh em món quà khiến phái đẹp rung rinh
(PLVN) - 8/3 là dịp để nam giới bày tỏ yêu thương và trân trọng tới những người phụ nữ đặc biệt. Việc chọn quà để vừa không dễ bị “bắt bài”, vừa khiến các chị em rung rinh là một vấn đề vô cùng “nan giải”. Hãy cùng DOJI khám phá những món quà để một nửa xinh đẹp của thế giới thêm phần trọn vẹn hạnh phúc trong ngày 8/3.

Điểm mới trong triển lãm Propak Vietnam 2024

Điểm mới trong triển lãm Propak Vietnam 2024
(PLVN) - Ngoài việc đem đến cơ hội giao thương tiềm năng cho ngành xử lý, chế biến và đóng gói bao bì Việt Nam, Propak Vietnam 2024 sẽ giới thiệu khu trưng bày công nghệ đồ uống - DrinkTech.

Giải mã xu hướng 'All in one' giúp cân bằng cuộc sống

Giải mã xu hướng 'All in one' giúp cân bằng cuộc sống
(PLVN) - Thông tin trọn gói, tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí - đó là lợi ích từ các dịch vụ "All in one" đang rất được ưa chuộng trong thời gian gần đây để mang lại cuộc sống tiện lợi và cân bằng cho các gia đình Việt.

Tưng bừng không khí Tết tại hệ thống siêu thị WinMart

Không khí Tết đã rộn ràng tại hệ thống siêu thị Winmart.
(PLVN) - Dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng tại hệ thống siêu thị WinMart trên cả nước, không khí Tết đã rất tưng bừng, náo nhiệt bởi hàng loạt sản phẩm Tết cùng các chương trình ưu đãi, khuyến mại đang được áp dụng.

Pháo hoa Bộ Quốc phòng sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên Đán

Pháo hoa Bộ Quốc phòng sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên Đán
(PLVN) -  Pháo hoa luôn là mặt hàng được nhiều người chờ đợi và săn đón mỗi dịp Tết đến Xuân về; là món ăn tinh thần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt. Tại Việt Nam hiện nay, nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) là đơn vị duy nhất được phép sản xuất, cung ứng sản phẩm pháo hoa. Trong những năm qua, Nhà máy không ngừng nghiên cứu, cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Thịt mát MEATDeli ngày càng được yêu thích, dịp Tết sẽ cung ứng tăng 23%

Người tiêu dùng ngày càng yêu thích thịt mát MEATDeli.
(PLVN) - Người tiêu dùng đang ngày càng yêu thích sản phẩm thịt mát MEATDeli của Tập đoàn Masan. Bằng chứng là 9 tháng đầu năm nay, sản lượng bán ra loại thịt này tăng trưởng ấn tượng. Dự định dịp Tết năm nay, loại thịt này sẽ được Tập đoàn Masan sẽ cung ứng tăng 23% so với dịp Tết năm ngoái.

Vietjet mở thêm 5 đường bay quốc tế mới, giá chỉ từ 0 đồng

Vietjet mở thêm 5 đường bay quốc tế mới, khởi hành từ ngày 21/11. (Ảnh: Vietjet)
(PLVN) - Đáp ứng nhu cầu của khách hàng với các điểm đến quốc tế được yêu thích, Vietjet vừa mở 5 đường bay quốc tế mới, kết nối Hà Nội với Hong Kong (Trung Quốc), Phú Quốc với Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Busan (Hàn Quốc), TP Hồ Chí Minh với Adelaide và Perth (Australia).