Cấp bách chống gian lận xuất xứ
Trong bối cảnh xảy ra chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách nhằm hưởng ưu đãi thuế quan của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Hành vi gian lận này đã khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Kết quả hoạt động chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp chính là một trong những kết quả đáng chú ý của ngành Hải quan năm 2020.
Theo báo cáo kết quả công tác của ngành năm 2020, ngành Hải quan đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Đồng thời, qua quá trình đánh giá về công tác quản lý, giám sát, kiểm soát, kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa có yêu cầu bảo vệ trí tuệ, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch về việc kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; giao cho các đơn vị nghiệp vụ (chủ lực là Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý về hải quan) phối hợp chặt chẽ với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm đấu tranh và phòng chống gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu và chống chuyển tải bất hợp pháp...
Phát hiện 43 vụ việc vi phạm
Trong năm qua, toàn ngành Hải quan đã tiến hành kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn. Qua kiểm tra, phát hiện 43 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.
Đã thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Đã thu hơn 77 tỷ đồng, bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu.
Điển hình là vụ việc mà Tổng cục Hải quan phát hiện một doanh nghiệp có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu (chứng nhận xuất xứ) của cơ quan, tổ chức để các doanh nghiệp sử dụng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Doanh nghiệp này đã làm giả 392 C/O (chứng từ chứng nhận xuất xứ) cho 33 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước để các doanh nghiệp này xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài (với xuất xứ hàng hóa là Việt Nam), tổng trị giá hàng xuất khẩu của 33 doanh nghiệp này ước tính khoảng hơn 600 tỷ đồng. Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị Cơ quan điều tra của Bộ Công an phối hợp, tiếp nhận hồ sơ vụ việc để tiến hành khởi tố điều tra làm rõ vụ việc theo quy định.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tham mưu Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất xứ, ghi nhãn. Cụ thể là kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm sửa Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa; Bộ Công Thương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm về xuất xứ hàng hóa (Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP…) và sớm ban hành Thông tư quy định cụ thể về tiêu chí xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông nội địa.
Kết quả đấu tranh nêu trên đã góp phần răn đe, ngăn chặn đối với hành vi gian lận xuất xứ và thể hiện sự nghiêm túc, quyết tâm của Chính phủ, của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trong công tác chống gian lận xuất xứ từ các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa lợi dụng ưu đãi về thuế giữa Việt Nam và các quốc gia như Hoa Kỳ, EU. Đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần phải đầu tư thực sự, bài bản, để đảm bảo hàng hóa sản xuất ra đủ hàm lượng xuất xứ Việt Nam, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.