Dư nợ cả một tỉnh không bằng một chi nhánh ngân hàng thương mại
Tại Hội thảo phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Hà Giang tổ chức cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình rất ái ngại khi đưa ra con số: Tổng dư nợ của toàn ngành Ngân hàng tại Hà Giang tới cuối năm 2014 là khoảng 10.300 tỷ đồng, con số này thậm chí còn ít hơn một chi nhánh của một ngân hàng thương mại.
Thống đốc phân tích: “Tổng vốn huy động ở Hà Giang chỉ đáp ứng được một nửa số đó, có nghĩa là dư nợ 10.300 tỷ đồng thì huy động được chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng, còn một nửa phải điều phối từ các tỉnh, thành khác qua hệ thống ngân hàng về. Điều đó có nghĩa quy mô nền kinh tế còn rất nhỏ bé…”.
Thống đốc cho rằng, để Hà Giang đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững cần phải có cách làm mới, cách nhìn mới, chiến lược mới trong việc phát triển KT-XH và phải có một quy hoạch tổng thể, chiến lược để làm sao không chỉ cho Hà Giang mà còn đặt Hà Giang trong sự kết nối với khu vực Tây Bắc.
“Đã đến lúc đất nước chúng ta phải làm ăn bài bản, có bước đi ngắn hạn, trung và dài hạn trong một chiến lược thống nhất. Vì thế, chúng tôi đồng ý phải có quy hoạch tổng thể và quy hoạch từng lĩnh vực khác nhau, trong mỗi quy hoạch đó phải có bước đi, cái gì cần làm trước, cái gì cần làm sau…”- Thống đốc nhấn mạnh.
Gỡ khó tín dụng
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thương mại Hùng Cường (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) - một trong những doanh nghiệp (DN) chè có quy mô lớn nhất Hà Giang cho biết, nhờ vay từ hệ thống ngân hàng trên 114 tỷ đồng để thu gom sản phẩm, đầu tư nhà xưởng, công nghệ, trang thiết bị, xuất khẩu… đến nay công ty đã có 5 nhà máy, xuất khẩu đi 21 quốc gia, doanh thu đạt khoảng 150 tỷ đồng/ năm.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của DN hiện nay là khi chuyển sang liên kết với người nông dân, từ đầu tư, chăm sóc, thu mua, trang thiết bị… đòi hỏi vốn đầu tư tương đối lớn. Thực tế DN này mới được vay ngắn hạn, trong khi vốn cần để trồng chè đến khi thu hồi cần 5-7 năm. Vốn lưu động vay được hiện chỉ để thu mua 3-4 vòng quay, vốn trung và dài hạn DN chưa vay được để đầu tư công nghệ.
Ông Hùng mong muốn được vay vốn trung và dài hạn với hạn mức lớn, lãi suất thấp và được vay tín chấp để làm cánh đồng mẫu lớn đưa chè San Tuyết cổ thụ thành thương hiệu được thế giới biết đến, chè lá vàng xanh của người dân Hà Giang để góp phần xóa đói giảm nghèo…
Trước khó khăn của DN chè Hùng Cường, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng đây không chỉ là vấn đề của nội bộ DN mà còn là khó khăn chung trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Chính vì vậy, NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã lựa chọn 30 dự án trên toàn quốc tham gia chương trình cho vay thí điểm liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Thống đốc khẳng định: “Mặc dù chương trình đã đóng lại nhưng vì tình cảm yêu thương, quý mến với Hà Giang, NHNN vẫn sẵn sàng mở ra để các DN như Hùng Cường tham gia…”.
Thống đốc giao ngay cho Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Hà Giang làm đầu mối hỗ trợ DN lập đề án, xin thẩm định từ Sở NN&PTNT, Sở KH&CN Hà Giang, nếu được sẽ rót vốn cho vay ưu đãi theo cơ chế đặc thù.
“Chúng tôi sẽ chỉ định ngân hàng thương mại cho vay, bởi vì cho vay ở đây sẽ phải có cơ chế đặc thù vì với quy định cho vay hiện nay thì các dự án này không thể nào vay được: tài sản thế chấp không có gì, lại phải cho vay trung và dài hạn, lãi suất cũng phải “mềm” một chút thì anh em mới có thể làm được… Chúng tôi sẽ tiến hành sơ kết vào tháng 4 này theo chiều hướng đó, rất mong các đồng chí tạo điều kiện để các DN có một vài dự án làm mẫu, từ đó nhân rộng ra để các thế mạnh của tỉnh ta được phát huy...”- Thống đốc đề nghị.