Chiến dịch 'săn cáo' truy lùng quan tham đào tẩu

Một nghi phạm Trung Quốc bị đưa về nước
Một nghi phạm Trung Quốc bị đưa về nước
(PLO) -Giới chức Trung Quốc đang thúc đẩy việc đàm phán hòng đi đến ký kết các hiệp định dẫn độ tội phạm với các nước trên thế giới làm cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ các quan tham ở này khi họ bỏ trốn ra nước ngoài.

“Săn cáo” khắp thế giới

Tháng 7/2014, giới chức Trung Quốc thông báo phát động chiến dịch “săn cáo” quốc tế nhằm truy bắt các quan chức tham nhũng đã trốn ra nước ngoài. “Chúng tôi sẽ truy bắt họ và buộc họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật dù họ có cố trốn và ẩn náu ở đâu” – ông Lưu Đông, người khi đó là Phó Giám đốc Cơ quan điều tra tội phạm về kinh tế của Bắc Kinh, tuyên bố.

Chiến dịch săn cáo là một mặt trận trong cuộc chiến chống tham nhũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động nhằm loại bỏ các quan chức tham nhũng mà ông cho là đe dọa đến sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Theo hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc, chiến dịch săn cáo sẽ chặn đường rút lui cuối cùng của các quan chức tham nhũng ở thời điểm cuộc trấn áp tham nhũng quy mô lớn của Trung Quốc đã thu hẹp không gian của hành vi lạm quyền ở nước này.

Chiến dịch trên được giới chức Trung Quốc phát động trong bối cảnh Trung Quốc trong nhiều năm qua đã có nhiều quan chức tham nhũng biển thủ hàng triệu nhân dân tệ rồi bỏ trốn khỏi đất nước. Song, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong những năm gần đây.

Trong đó, chỉ trong năm 2013, nước này đã hồi hương 762 công chức bị cáo buộc “lạm dụng chức vụ để phạm tội” đã bỏ trốn khỏi đất nước. Hàng 1 tỉ USD tiền thu được bất chính đã được thu hồi cùng với những người này.

Hàng trăm đối tượng bị đưa về nước  

Chiến dịch “săn cáo” của Trung Quốc ngay sau khi được phát động đã được đẩy mạnh thực hiện và thu được nhiều kết quả khả quan. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc hồi đầu tháng, nhằm đưa tham nhũng trở thành một chủ đề lớn tại hội nghị, giới chức Trung Quốc đã công bố một số số liệu về tình hình truy bắt những quan tham của nước này đã bỏ trốn ra nước ngoài. 

Theo báo cáo của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, kể từ năm 2014 cho đến nay đã có 2.020 tội phạm kinh tế bỏ trốn của nước này, trong đó có 342 cựu quan chức, đã bị đưa từ hơn 70 nước và khu vực trên thế giới về nước. Bên cạnh đó, 7,62 tỉ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1,14 tỉ USD) tài sản bất chính cũng đã bị thu giữ. 

Trước đó, Bộ Công an Trung Quốc hồi giữa tháng 8 cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm, cảnh sát Trung Quốc trong chiến dịch “Săn cáo 2016” đã bắt giữ 409 đối tượng bỏ trốn đang ẩn náu ở 61 quốc gia và khu vực về nước.

Trong số này, theo Bộ Công an Trung Quốc, có 38 người bị cáo buộc phạm tội liên quan đến trách nhiệm. 33 người đã bỏ trốn hơn 5 năm. Còn theo thống kê vào cuối năm 2015, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12, Trung Quốc đã bắt được 857 tội phạm trốn ở 66 nước và khu vực về nước. 

Ông Huang Feng – một giáo sư về luật quốc tế tại trường Đại học Bắc Kinh – nói rằng tội phạm kinh tế người Trung Quốc nói riêng và tội phạm kinh tế nói chung, trong đó có nhiều cựu quan chức, khi bỏ trốn ra nước ngoài thường có những khoản quỹ nhất định được chuẩn bị từ trước để họ khi tới các nước khác có thể mua nhà cửa, tài sản và sống bằng tên giả.

Những đối tượng này cũng có thể di chuyển giữa các nước khác nhau để tránh bị bắt hay thuê các luật sư có kinh nghiệm để khai thác những lỗ hổng pháp lý nhằm tránh bị hồi hương.

Bên cạnh đó, ông Huang cũng cho hay, việc hồi hương những nghi phạm đã trở thành công dân của các nước khác là rất khó vì quyền được sống ở các nước này của họ sẽ được bảo vệ và những thủ tục liên quan để hồi hương trở nên phức tạp hơn.

Thúc đẩy các hiệp ước dẫn độ

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đưa những nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. Nước này hiện không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, Australia, Canada hay Singapore – những nước được cho là điểm đến hấp dẫn tội phạm kinh tế người Trung Quốc khi bỏ trốn ra nước ngoài hòng tránh vòng vây của luật pháp. Chính vì vậy nên trong một số trường hợp, Bắc Kinh đã phải dùng nhiều biện pháp để thuyết phục các nghi phạm tự về nước. 

Hồi tháng 6 vừa qua, giới chức Trung Quốc cho biết một người đàn ông trong danh sách 100 đối tượng bị truy nã gắt gao nhất của nước này và bị tình nghi đang ở nước ngoài đã tự nguyện từ Canada về nước. Song, giới chức Trung Quốc từ chối cho biết điều kiện được đưa ra để thỏa thuận là gì. 

Để tạo cơ sở pháp lý cũng như những điều kiện thuận lợi hơn cho việc bắt giữ và đưa hồi hương những quan chức tham nhũng đã bỏ trốn ra nước ngoài, trong thời gian qua, Trung Quốc đã tích cực đàm phán với các nước trên thế giới để thúc đẩy hợp tác quốc tế, mà cụ thể là hướng tới việc ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm với các nước. 

“Nắm vững các yếu tố quan trọng của con người, tiền và bằng chứng. Đẩy nhanh việc ký kết các hiệp ước dẫn độ và thiết lập hợp tác thực thi pháp luật với các nước là nơi những nghi phạm bỏ trốn ra nước ngoài tìm đến” - phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Huang Shuxian hồi tháng 6 vừa qua đưa ra các định hướng lớn để thúc đẩy việc bắt giữ và đưa hồi hương những quan tham của nước này bỏ trốn. Bên cạnh đó, ông Huang cũng đề nghị giới chức Trung Quốc thắt chặt kiểm soát trong vấn đề cho phép quan chức ra nước ngoài.

Tuy nhiên, một số nước phương Tây vẫn lưỡng lự trong việc phê chuẩn các hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc vì lo ngại những người bị dẫn độ về nước có thể bị đối xử tệ khi một số nhóm nhân quyền cho rằng tại Trung Quốc vẫn còn tình trạng ngược đãi đối với nghi phạm hình sự cũng như tính nghiêm minh của hệ thống tư pháp nước này.

Giới chức Australia đã vấp phải sự phản đối từ cả báo chí và giới chính trị gia nước này khi thông báo sẽ thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.

Còn Canada, hôm 20/9 vừa qua, Thủ tướng nước này Justin Trudeau cho biết cố vấn an ninh quốc gia của ông đã tới Trung Quốc trong tuần trước đó và đã đồng ý khởi động các cuộc thảo luận về hiệp định dẫn độ tội phạm với Trung Quốc như một phần trong cuộc đối thoại về an ninh giữa 2 nước. 

Song, ông Trudeau ngày 20/9 khẳng định Canada sẽ giữ các tiêu chuẩn cao khi quyết định có cho dẫn độ công dân Trung Quốc về nước hay không.

Bên cạnh đó, một số nước cũng phàn nàn về việc Trung Quốc không sẵn sàng cung cấp bằng chứng về hành vi phạm tội của những nghi phạm bỏ trốn nên không muốn đưa những nghi phạm người Trung Quốc đang trốn ở các nước này về nước.

Chú trọng thu hồi tiền bất chính từ nước ngoài

Bên cạnh đó, một quan chức công an cấp cao giấu tên của Trung Quốc ngày 21/9 cho biết, trong vài tháng tới đây giới chức Trung Quốc sẽ tập trung vào việc thu hồi tài sản bất chính của tham quan Trung Quốc đã bị tuồn ra nước ngoài. 

Theo vị quan chức này, để thực hiện sáng kiến chống tham nhũng mới nêu trên, cảnh sát Trung Quốc tới đây sẽ làm việc với ngân hàng trung ương của nước này để phát hiện những vụ chuyển bất hợp pháp hàng tỉ nhân dân tệ tiền bất chính từ tài khoản trong nước tới các tài khoản ở nước ngoài thông qua hoạt động rửa tiền hay các ngân hàng ngầm.

Việc kiểm tra này cũng sẽ phát giác được những hành vi bất thường hay những sai phạm của các quan chức khi ra nước ngoài.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã phát hiện vụ ngân hàng ngầm lớn nhất của nước này, với tổng giá trị các giao dịch được thực hiện qua đây lên đến hơn 410 tỉ nhân dân tệ (64 tỉ USD). Bộ Công an Trung Quốc tại thời điểm đó cho biết các ngân hàng ngầm thường được sử dụng để rửa tiền thu được từ hoạt động tham nhũng, cờ bạc, lừa đảo viễn thông, ma túy hay khủng bố.

Tuy nhiên, phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Huang Shuxian tại một cuộc họp diễn ra hồi tháng 4 vừa qua thừa nhận việc thu hồi tài sản bất chính đã được tuồn ra nước ngoài là một nhiệm vụ rất khó thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM. (Ảnh: Việt Dũng)
(PLVN) - Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu
(PLVN) - Trong quá trình trông giữ, quản lý các cháu, bà T.T.B đã có những hành vi như dùng tay đánh đập vào miệng, vào mặt, giật tóc; dùng thìa inox, chiếc điều khiển của tivi đập vào miệng các cháu bé nhằm mục đích ép các cháu ăn, uống.