Đó là câu chuyện về chị Vương Thị Kim Tuyến (sinh năm 1976) tại phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng.
Không muốn thành gánh nặng bởi đôi chân tật nguyền
Trong cửa hàng trưng bày tranh thêu là một phụ nữ vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt điềm đạm và ánh mắt thăm thẳm buồn. Thi thoảng, bánh chiếc xe lăn cũ chị ngồi xoay qua, xoay lại như thể hiện trái với thân hình nửa người phải bất động ấy là một tâm hồn không chịu lặng yên...
Tuyến chịu thiệt thòi từ tấm bé. Khi mang thai Tuyến được 8 tháng, trong lúc phơi quần áo, mẹ chị không may bị trượt ngã xuống taluy bên hiên nhà. Các bác sĩ quyết định mổ thai để cứu sống người mẹ. May mắn, cả hai mẹ con đều tai qua nạn khỏi nhưng cũng vì thế, thân hình cô bé Tuyến nhỏ thó, yếu ớt.
Lên 3, Tuyến bị một cơn sốt kéo dài làm nửa người bên phải bại liệt, đôi chân cũng vì thế mà ngày càng teo lại. Bố mẹ đưa Tuyến đi hết bệnh viện lớn đến bệnh viện nhỏ, kết hợp với những bài thuốc dân gian mà mọi người mách nhưng đôi chân của chị vẫn không thể nào cử động.
Thời gian trôi, rồi Tuyến cũng đến tuổi đi học. Ban đầu, cô bé ngây ngô chỉ biết nằm bệt một góc giường, chong mắt ra cửa sổ nhìn chúng bạn cùng trang lứa cắp cặp, nhảy nhót, nô đùa trên đường đến trường mà thèm, mà khát. Rồi Tuyến nằng nặc đòi theo chúng bạn đi học. Thương con, bố mẹ để các anh chị thay nhau cõng Tuyến đến lớp. Cho đến năm lên 10 tuổi, đôi chân Tuyến ngày càng teo lại, nửa người bên phải cũng dần yếu đi, cuộc đời Tuyến gắn hẳn với chiếc xe lăn, chuyện học hành cũng vì thế mà đành bỏ dở.
Hàng ngày, chứng kiến cuộc sống gia đình vất vả, trong Tuyến thôi thúc ý nghĩ phải làm một việc gì đó để bố mẹ… nhẹ gánh. Nghe Tuyến tỏ bày mong muốn của mình, bố mẹ chị rơm rớm nước mắt. Cuối cùng, Tuyến được học đan len với mẹ. Thấy việc đan len khó duy trì lâu dài, năm 1994 Tuyến chủ động học nghề may tại Trường Trung cấp Nghề Cao Bằng. Sau hai năm, chị bắt đầu làm nghề thêu tranh và may tại nhà, tiền công kiếm được không nhiều nhưng cũng đủ nuôi sống bản thân.
Gửi lòng vào tranh thêu, hoa cảnh
Đầu năm 2009, chị Tuyến cùng người bạn thân góp vốn mở cửa hàng tranh thêu tại tổ 11, đường Xuân Trường, phường Hợp Giang. Thời gian đầu, hai người gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, sản phẩm làm ra chậm, mặt hàng chưa đa dạng..., nên kinh doanh thua lỗ nặng nề.
Chứng kiến nghị lực vượt khó của người phụ nữ khuyết tật, chính quyền thành phố Cao Bằng đã hỗ trợ vốn và định hướng chị làm các mặt hàng có sức tiêu thụ cao như: rèm, mành, hoa cảnh, quần áo… Từ đó, nguồn thu từ cơ sở sản xuất của chị Tuyến dần đi vào ổn định.
Khi bước vào cửa hàng “Tranh thêu Kim Tuyến - Ngô Thùy”, có thể thấy những bức tranh thêu lộng lẫy được treo kín hai bức tường, dưới nền nhà là những cây hoa cảnh rực rỡ… Chị Tuyến cho biết, toàn bộ số tranh của cửa hàng đều do chị tự vẽ mẫu và đan thêu, 80% trong số đó là những khung cảnh trữ tình của miền núi như: cây cỏ, đồi núi, những ngôi nhà sàn, những bông hoa rừng đẹp và lạ…
Chỉ bức tranh vừa hoàn thiện, chị Tuyến kể, đó là kết quả của chuyến đi thực tế cùng Hội Người khuyết tật ở tỉnh tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. Bức tranh có tựa đề là “Nét đẹp nhà sàn”, khắc họa một ngôi nhà sàn nhỏ xinh xắn có vài người đang làm những công việc thường ngày. Bao phủ ngôi nhà là cánh rừng già và những ngọn núi cao vút, thơ mộng…
Chị Ngô Thị Thùy, bạn thân chị Tuyến, cũng là người chung tay mở cửa hàng chia sẻ: “Tuyến khiến tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Từ nghị lực đến tài năng, Tuyến không hề kém chút nào so với người lành lặn. Tuyến đam mê thêu tranh, làm hoa cảnh nên ngày nào cũng làm không biết mệt mỏi. Có những bức đã thêu được 2-3 tháng nhưng thấy màu chỉ chưa chuẩn, đường kim chưa vừa ý, Tuyến tháo ra thêu lại. Vì thế mà bức tranh nào của Tuyến cũng sinh động và sâu sắc”.
Mơ ước giúp đỡ nhiều trẻ khuyết tật
Sinh ra đã thiệt thòi, thâm tâm Tuyến rất đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Khi gây dựng được cơ nghiệp khá vững vàng, chị lại đau đáu ước nguyện giúp trẻ em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Cửa hàng chị Tuyến mới tiếp nhận 2 em khuyết tật vào làm. Trong đó, một em là nạn nhân chất độc da cam và một em bị teo chân bẩm sinh (ở phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng). Tuyến dành hầu hết thời gian ở cửa hàng, vừa làm vừa dạy nghề cho hai em. Dù đang trong giai đoạn học việc, mỗi em vẫn được chị trả 700 nghìn đồng/tháng. Tuyến hy vọng giúp các em học được nghề nuôi sống mình, những đồng tiền có được sẽ giúp các em tự tin hơn vào khả năng bản thân.
Cửa hàng của bà chủ ngồi xe lăn ấy tuy nhỏ nhưng luôn ấm áp, tràn ngập tiếng cười. Họ không được tạo hóa ưu ái song vẫn sống lạc quan, yêu cuộc sống và luôn ý thức vượt lên số phận…