Gặp người bị “ma xúi” theo nghiệp khâm liệm không công

Người khâm liệm xác không công ở tỉnh Quảng Nam
Người khâm liệm xác không công ở tỉnh Quảng Nam
(PLO) - Cả đời ông Nguyễn Văn Thu, (thường gọi cả Thu, hay Thu “liệm xác”, SN 1942, ngụ làng Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) gắn với công việc liệm xác không công.
1. Giới thiệu về ông Thu, ông Bạch Văn Lý, đội trưởng đội âm công làng Đại An nói: “Trong làng, ngoài tỉnh ai cũng nhờ, bởi ông Thu hiền từ, nhiệt tình. Vả lại, thời chừ mấy ai chịu đi làm cái nghề ni, rứa mà ổng vẫn làm không công”. 
Trong căn nhà nhỏ, ông Thu khảng khái: “Niềm vui lớn nhất của tui là làm để giúp người, tạo phước cho con, không lấy tiền công”. Ông kể, cơ duyên đến với nghề rất tình cờ. Từ nhỏ, ở làng Đại An cũng có một cụ ông làm nghề khâm liệm, thấy cậu bé Thu loắt choắt chạy việc tốt nên nhờ phụ giúp. Oái ăm, hơn 10 năm sau cụ qua đời nhưng lại không có ai khâm liệm cho mình nên ông Thu thay thế, rồi thành “thợ chính”. Khi đó ông mới 17 tuổi. Rồi hễ có người chết, làng, xã lại gọi. Làm mãi cho đến nay. 
Có những người chết vì nhiều lý do mà người thân của họ không dám lại gần. Hay gặp phải những xác chết bị tai nạn giao thông, bị thiêu cháy đen, ông phải góp nhặt từng phần cơ thể, lượm lặt những thứ vương vãi, cắt đắp làm sao cho khuôn mặt được đầy đủ, lo tắm rửa, sửa sang, mặc áo quần cho người đã khuất. 
Thời gian đầu, gia đình trách vì cuộc sống vốn đã quá khó khăn, ông lại cứ đi làm không công, tiếp xúc với thi thể sợ mang tật bệnh về nhà. Ông vẫn một mực tâm niệm: “Mình không giúp được người ta cái chi, chút công khâm liệm cũng là tình người với nhau. Tui làm để phước cho con cái hưởng”
Ông Thu kể sợ nhất những người chết nước và chết bệnh ung thư. Chết nước ít nhất 3 ngày xác mới nổi lên, thân thể đã trương phình, da dẻ bong tróc. Còn mắc bệnh ung thư nhiều người bị chướng bụng hay lở loét, bốc mùi khủng khiếp, đến nỗi người nhà cũng phải sợ. 
Kỷ niệm người chết nước như thanh niên 29 tuổi ở hồ Phú Ninh, 10 ngày xác mới nổi, người nhà không dám đến gần, chỉ mình ông rửa thi thể, thay áo quần tinh tươm. Kỷ niệm người ung thư như cụ ông 70 tuổi ở Núi Thành, bụng vỡ ra, nước chảy lênh láng khắp nhà, người nhà bỏ chạy hết. Biết tin, ông Thu tự động tìm tới, mang theo vôi bột rắc để thấm dịch rồi vào thay áo tắm rửa cho cụ. Ông còn phát hiện trong túi áo người chết có 5 triệu đồng, gọi gia đình tới, họ chỉ cầm tiền rồi… chạy biến luôn. 
2. Vậy mà có ngày ông Thu làm đến 5 ca. Có những trường hợp, ông đến trước khi người bệnh mất mấy ngày để giúp đỡ gia đình, chăm sóc người sắp qua đời và ra về khi đã mở cửa mả (3 ngày sau). Chung quy cũng do ông thấy gia cảnh họ quá thương tâm chứ chẳng phải được đền công xứng đáng chi cho cam, thế nên nhà ông Thu nghèo xơ xác. 
Nhà ông có thể nói thuộc diện “cùng đinh” của làng, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Đến căn nhà ở, mấy chục năm vợ chồng ông vẫn không xây nổi. May mắn 2 năm trước, nhờ nguồn vốn đại đoàn kết chính quyền cho vay, cả 4 con người trong gia đình mới có được chỗ chui ra chui vào đúng nghĩa. Gia đình có 4 nhân khẩu, bản thân ông vốn trụ cột nhưng lại gầy còm, sức khỏe không đảm bảo để làm đồng áng. 
Vợ ông bệnh tê thấp khớp, quanh năm uống thuốc. Cũng vì nghèo nên đứa con trai mới học đến lớp 9, phải nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Do công việc quá nặng nhọc, làm phu cho những chủ bãi vàng mà người này bị một trận ốm “thập tử nhất sinh” rồi mắc bệnh tâm thần. 
Hiện chỉ còn người con gái đang học ở Trường năng khiếu thể dục, thể thao thuộc tỉnh, tuy nhiên cũng đang đứng trước nguy cơ bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ cha. Thấy cả nhà sống chỉ dựa vào 2 sào ruộng, từ mấy năm này, vợ ông gắng gượng vượt lên bệnh tật để đi buôn bán ve chai “bữa đực, bữa cái”. 
Đáng buồn là khi con trai ông bị đau nặng dẫn đến tâm thần, người độc miệng đồn thổi vì ông đi khâm liệm cho xác chết nên con mới bị “bắt”, hay “đời cha làm, đời con gánh”. Ông buồn bã, nhưng vẫn không thôi bỏ “nghề”: “Mọi người thấy rồi, nghèo hàng chục năm ni mà tui có bỏ nghề mô. Còn đi được thì tui còn làm. Tui chỉ lo, khi sức yếu hay nằm xuống, không biết lấy ai thay thế. Còn nói ở góc độ tâm linh, nghề này một khi đã chọn người nào thì người đó bỏ không được mô”. 
Để mọi người hiểu rõ hơn cái nghề “bạc” nhưng không được bỏ này, ông nhắc lại một câu chuyện đã trải qua. Số là trước đây, từng có lần thấy vợ con cằn nhằn mãi nên ông “xuôi xuôi” ở nhà, quyết không quan tâm đến bất cứ đám ma, xác chết nào. 
Một đêm, trong giấc mơ, ông thấy một thanh niên mặc áo trắng, cứ đứng một chỗ nhìn về phía mình khóc thảm thiết. Được hỏi, người này đáp, vì chết nước mà người thân không biết, cơ thể đã bắt đầu phân hủy, mong ông tìm đến “trang điểm” lại giúp. 
Người này nói rõ với ông địa điểm đang ở khu vực hồ Phú Ninh (Quảng Nam). Bất chợt lúc đó, ông cảm thấy như có ai đó cầm tay mình lôi ra ngoài đường, cơ thể dù muốn kháng cự nhưng chân vẫn bước theo. Vừa lúc mở cửa, vợ và con gái tỉnh giấc, phát hiện hỏi đi đâu, nhưng ông cũng không trả lời. Thấy vậy, vợ ông giật mạnh kéo trở vào mới khiến ông tỉnh táo. Kể lại câu chuyện mộng du xong, gia đình ai cũng toát mồ hôi. 
Qua hôm sau, ông tìm đến khu vực đã được chỉ dẫn, mới biết quả đúng như giấc mơ. Chẳng nói chẳng rằng, ông cùng người nhà nạn nhân đi vớt xác, mang về lau rửa, khâm liệm chu toàn. Từ đó trở đi, ông thôi ý định bỏ nghề, vợ con cũng hết “xúi dại”, chỉ với một tâm niệm “làm để lấy phúc cho đời, dành phước cho con”./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.