Ngoài ra, với chính sách giá rẻ, ép giá chủ gian hàng của các sàn, dễ dẫn đến trường hợp, trên các sàn TMĐT, sản phẩm được nâng giá lên cao so với giá gốc, rồi lấy chiêu bài “giảm giá” (thực chất vẫn cao hơn giá gốc) để chiêu dụ khách hàng.
Mới đây, một khách hàng tên H.H.S, làm việc trong ngành truyền thông cũng lên tiếng “tố” một chủ gian hàng kinh doanh nội thất trên Tiki “treo đầu dê, bán thịt chó”, đưa sản phẩm đẹp với giá thấp, khiến khách hàng đặt mua, nhưng đến khi đơn hàng thành công, lại tự ý hủy đơn hàng, nâng giá cao hơn. Tiki dù là trang TMĐT được tin cậy về nguồn gốc hàng hóa, nhưng lại không ít lần dính “phốt” nâng giá bán cao hơn rồi hạ giá xuống.
Về phần mình, Lazada có nhiều chính sách giá rẻ, nhưng không ít khách hàng khiếu nại vì nhiều chủ gian hàng bán sản phẩm lỗi, chất lượng kém, khác xa hình ảnh quảng cáo. Còn Shopee tuy là trang đem lại mức giá thấp hơn thị trường cho khách hàng, nhưng với chính sách chọn lọc chủ gian hàng quá dễ dãi, không ít lần, những chủ kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, lừa đảo khách hàng trà trộn vào mở gian hàng trên trang này. Thậm chí, có trường hợp một thanh niên mở gian hàng bán bánh cần sa trên Shopee nửa năm trời mới bị phát hiện và xử lý.
Tuy rằng, thời gian qua các sàn TMĐT đã có rất nhiều cải tiến về chất lượng dịch vụ cũng như kiểm soát đầu vào, nhưng sự cố, rủi ro vẫn là điều có thật. Thậm chí, có những người mua sau một thời gian nhận rủi ro khi mua hàng online đã tuyên bố “cạch mặt với mua hàng qua mạng”.
Có lẽ, đó là lý do khiến tiến trình “phổ biến hóa” TMĐT ở Việt Nam chưa đạt tốc độ như ý. Tuy rằng tỉ lệ khách hàng của các sàn TMĐT cao hơn qua mỗi năm, nhưng thực chất, vẫn là tỉ lệ nhỏ so với dân số, cũng như trong tương quan so sánh với các nước khác.
Thị trường TMĐT trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng bỏ ngỏ, cần được khai phá. Nếu các “ông lớn” TMĐT, trong cuộc đua tranh của mình, bên cạnh những hoạt động “đốt tiền” cho quảng bá thương hiệu, cho các chính sách khuyến mãi rầm rộ, chú ý nhiều hơn, siết chặt hơn về chất lượng, quản lý rủi ro tốt hơn cho khách hàng, có lẽ khi ấy mới có thể “trám” những lỗ hổng đang có của hoạt động kinh doanh TMĐT, đem niềm tin cho người tiêu dùng.