Ký ức thời thơ ấu
Năm lên bảy tuổi, Hoàng được cha mẹ dắt đi vãn cảnh chùa Hoằng Pháp (thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM). “Khi cha mẹ đang dâng hương ở trước cổng chùa, em thấy một nhóm bạn chơi đùa rất vui vẻ náo nhiệt ở gần đó nên thích thú chạy đến cùng nhập hội.
Mải miết với những trò chơi đuổi bắt trốn tìm trong khuôn viên chùa, đến khi mặt trời tắt nắng em mới sực nhớ ra cha mẹ. Chạy đến chỗ cha mẹ thắp hương lúc ban sáng nhưng không thấy bất kỳ ai, em sợ hãi òa khóc.
Các bạn liền dắt em đi khắp khuôn viên chùa để tìm người thân. Đến mỗi nơi em đều dáo dác tìm kiếm rồi khóc òa kêu lên “cha mẹ ơi, cha mẹ đâu rồi?” nhưng không ai nghe tiếng em gọi...”, Hoàng hồi ức.
Cha mẹ bỗng nhiên “biến mất”, một mình cậu bé bảy tuổi chới với không biết bấu víu vào đâu. Dòng người đi chùa ngày càng vãn, những đứa trẻ đen đúa, gầy nhom cũng lê bước ra về. Bóng tối đang chìm xuống, Hoàng chỉ kịp ba chân bốn cẳng chạy theo các bạn. Cậu bé mếu máo trong dòng nước mắt “các bạn cho tớ về với, giờ tớ chẳng biết về đâu”.
Những người bạn mới quen của Hoàng ngày đó đều là những trẻ “bụi đời”, không cha, không mẹ, không một mái ấm gia đình. Đồng cảnh ngộ, các bạn trong nhóm mặt mũi cũng mếu xệch ứa nước mắt, nắm lấy tay người bạn mới cùng dẫn nhau về “ngôi nhà chung”.
Nói là nhà nhưng đó là một căn lều rách nát được dựng bằng những cọc tre xiêu vẹo, bên trên che bằng bao bố, bạt rách, những tấm nilon thủng lỗ chỗ... ngay cạnh bãi rác Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, nay đã được di dời).
Trong hơn một năm trời, đêm nào cậu bé cũng không có được một giấc ngủ trọn vẹn. “Nằm xuống em lại thấy hình bóng cha mẹ hiện về trong ký ức. Em thấy mẹ dang rộng vòng tay ôm em vào lòng nhưng em vừa ngã vào lòng mẹ, mẹ lại đột ngột “biến” đi. Vừa tỉnh dậy, mùi rác xộc vào mũi nồng nặc, em mới biết hóa ra mình nằm mơ rồi òa lên khóc”.
Phải rất khó khăn Hoàng mới dần hòa nhập được cuộc sống màn trời chiếu đất. Những lần đói, rét và không ít lần lên cơn sốt, may mắn xung quanh Hoàng luôn có các bạn ở bên săn sóc, yêu thương che chở nhau như những người anh em.
Trong một thời gian dài khoảng gần 8 năm liền, Hoàng và các bạn sống lầm lũi ở bãi rác. Hằng ngày lùng sục đào bới lượm nhặt ve chai, tối đến cả nhóm lại chen chúc nhau dưới mái lều nhìn thấu cả bầu trời, hễ chỉ một cơn mưa nhỏ trút xuống mái lều lại xiêu vẹo, nghiêng ngả đổ sập xuống.
Những gì nhặt nhạnh được, Hoàng cùng các bạn gom lại thành đống rồi bán cho người thu mua đồng nát, được mấy đồng cả nhóm mua xôi và bánh mì chia nhau ăn. Áo quần chỉ độc nhất một bộ mặc trên người chắp vá đủ đường, đến khi bộ đồ mục nát Hoàng và các bạn phải đi lượm vải rách về đắp thay chăn.
Cuộc sống trôi nổi
Những năm đó, ở gần khu vực bãi rác của chợ Tân Hiệp có một lớp học tình thương. Thích thú được học chữ nên hàng tối Hoàng và các bạn tìm đến ê a tập đánh vần, tập viết. Những lúc đi móc rác, nhặt được cuốn sách nào Hoàng đều giữ lại tập đọc thêm.
Khi bãi rác bị giải tỏa, Hoàng và nhóm bạn sống lay lắt ở các khu chợ gần đó, công việc chủ yếu vẫn là nhặt rác, đánh giầy hoặc bốc vác thuê cho người ta. Tối đến cả nhóm ngủ ở gầm cầu, vỉa hè, ghế đá hay bất cứ đâu có thể ngả lưng.
“Đến địa bàn mới, tụi em rất khó sống. Rất nhiều lần tụi em bị những “đàn anh” đuổi đánh phải chạy trốn tán loạn, có hôm em chạy không kịp bị “hành” đến thâm tím mặt mày. Không kiếm được tiền bằng sức lao động, tụi bạn dẫn em đi móc bọc. Được một thời gian ngắn cả nhóm trôi dạt về tận Cà Mau kiếm việc làm”, Hoàng nhớ lại.
Về Cà Mau, Hoàng lại khắc khoải nỗi nhớ cha mẹ, nhớ Sài Gòn : “Em nghĩ mình bị lạc cha mẹ ở Sài Gòn. Bao năm qua em vẫn đi tìm người thân. Giờ đến Cà Mau xa xôi như vậy làm sao có cơ hội đoàn tụ với gia đình”.
Trước suy nghĩ và trăn trở về lại chốn cũ mong tìm lại cha mẹ, một mình Hoàng bắt xe đò ngược dòng từ Cà Mau trở lại Sài Gòn. Phải sống sót mới có thể tiếp tục hành trình tìm ra nguồn gốc, Hoàng tìm đến những khu chợ xin làm bốc vác thuê, công việc của em chủ yếu làm vào buổi sáng sớm đến trưa đứng bóng. Thời gian đầu cũng không ít gian nan nhưng may mắn thay bên cạnh Hoàng luôn có những người chú, người anh bảo ban che chở.
Sau mỗi buổi làm bốc vác, Hoàng chỉ ăn bánh mì cầm hơi, còn bao nhiêu tiền em để dành mua sách về đọc thêm. Mỗi dịp cuối tuần, Hoàng đi bộ hoặc mua vé xe buýt đi đến tất cả những quận huyện thuộc TP.HCM để mong bắt gặp được những hình ảnh quen thuộc đã in sâu vào trí nhớ.
“Em nhớ mang máng ngày xưa ba thường chở em đi chơi, con ngõ ở gần nhà em đều là nhà cửa cao tầng san sát. Em chắc chắn gia đình em hồi xưa sống ở thành phố. Có lần ba mẹ chở em về nhà ngoại, nhà ngoại cũng khang trang, kiên cố... Em nhớ rất rõ trước khi em bị lạc ngày nào ba mẹ cũng dặn em “mai mốt ai có hỏi con tên gì thì nhớ con tên Nguyễn Thế Hoàng (7 tuổi), mẹ tên Trang, cha tên là Tài”. Em còn nhớ cha người cao cao, da ngăm đen còn mẹ da trắng, sống mũi cao cao”, Hoàng luôn khắc khoải ước mong được tìm lại người thân.
Mơ ước chảy bỏng
Biết bao năm Hoàng trôi nổi từ khu chợ này sang khu chợ khác, không có giấy tờ tùy thân, cũng không đếm được số lần cậu bé bị “đàn anh” đánh đến bầm dập vì xâm phạm địa bàn nhưng Hoàng vẫn quyết tâm bám trụ ở chốn Sài thành chỉ vì nỗi mong ước tìm mẹ cha.
Đôi chân của Hoàng đã lùng sục khắp các con phố ngõ ngách. Cũng bấy nhiêu lần Hoàng thất thểu trở về, chỉ thui thủi nằm ở góc chợ, ghế đá, nước mắt lại lặng lẽ rơi.
Hoàng tâm sự, những năm tháng sống ở đầu đường xó chợ, không ít lần em bị những người xấu rủ rê lôi kéo chơi “hàng trắng” nhưng may mắn Hoàng được những người tốt khuyên ngăn. Những lúc bi quan, Hoàng thường thích đọc sách hoặc ca hát để xua tan những nỗi buồn trong cuộc đời bất hạnh tréo ngoe của mình.
Vài tháng trước, có một người thương hoàn cảnh của Hoàng nên mách nước, khuyên em sang nhà Văn hóa Thanh niên (TP.HCM) xin làm tình nguyện viên, để được cấp giấy chứng nhận, sẽ có cơ hội làm được công việc đường hoàng.
Hôm sau, Hoàng đến nhà văn hóa “đầu quân” làm thanh niên tình nguyện thì bị dân phòng kiểm tra. Vì không có giấy tờ tùy thân nên Hoàng được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.HCM. Sau đó Hoàng được chuyển đến Trung tâm bảo trợ Người tàn tật Hiệp Bình Chánh.
Ông Nguyễn Thanh Long – Trưởng phòng Quản lý đối tượng Trung tâm Bảo trợ Người tàn tật Hiệp Bình Chánh cho hay: Từ ngày Hoàng được đưa về trung tâm, ai cũng ngạc nhiên trước chàng trai có gương mặt sáng như thư sinh, tính tình hòa đồng, lễ phép, nhiệt tình giúp đỡ mọi người.
Những thời gian rảnh Hoàng đọc sách báo cho mọi người nghe, buổi sáng dạy mọi người tập khí công, tối đến Hoàng ôm chiếc đàn guita say mê ca những bài hát yêu thích, mọi người ở trung tâm ai cũng yêu mến Hoàng.
“Biết về hoàn cảnh và hành trình đi tìm cha mẹ của Hoàng nên Trung tâm đã xin ý kiến của ban giám đốc đăng một số thông tin mà Hoàng còn nhớ lên mạng xã hội Facebook thông qua tài khoản Chidoan Hiệp Bình Chánh, với mong muốn giúp những người thân của Hoàng sẽ nhận ra con em của mình. Tạo điều kiện cho Hoàng sớm tìm được cha mẹ”, ông Long cho hay.
Đã quá trưa, trong khuôn viên của trung tâm nơi Hoàng đang làm việc, đôi tay Hoàng thoăn thoắt cầm chiếc cọ quét hồ dán rồi gấp gấp, xếp xếp, thoắt cái những chiếc bì hồ sơ được hoàn thành dưới bàn tay khéo léo của chàng trai trẻ.
Hỏi về ước mong của Hoàng giờ này, chàng trai khắc khoải: “Em chỉ ước được gặp lại cha mẹ. Suốt từ khi thất lạc đến giờ em luôn cố gắng lao động, giữ mình cũng chỉ để một ngày tự hào sà vào lòng của mẹ, rằng em không phải là đứa con hư”.