Tan cửa nát nhà vì cha mẹ ham mê bài bạc
Cuộc đời chàng trai Nguyễn Tấn Phong (SN 1988, thường trú thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) buồn từ thuở thơ ấu. Ngày xưa, cha mẹ Phong yêu nhau nhưng bị gia đình bên ngoại ngăn cấm. Họ vẫn bất chấp tất cả, về chung sống với nhau dù không làm lễ cưới, không làm thủ tục kết hôn. Phong được sinh ra tại thị trấn Cái Dầu (Châu Phú, An Giang).
Ban đầu, cuộc sống gia đình anh khá ổn định. Thế nhưng khi bắt đầu dư giả, cha mẹ Phong không lo làm việc mà lại tập tành ăn chơi, lao vào cờ bạc, bỏ bê con cái. Chỉ một thời gian ngắn, gia đình phá sản, phải bán ruộng đất rồi dắt nhau sang thị trấn Ba Hòn (Kiên Giang) làm thuê làm mướn. Khi có được ít vốn, cha Phong đi bán trái cây, nước mắm, mẹ Phong mở tiệm làm móng tay, móng chân.
Tưởng rằng hai người biết tu chí làm ăn, quyết tâm lập nghiệp nơi xứ lạ để chuộc lại lỗi lầm. Không ngờ, chỉ được một thời gian, họ lại “chứng nào tật ấy”, sa chân vào con đường cũ. Mê bài bạc, khiến kinh tế kiệt quệ, còn kéo theo cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, con cái nheo nhóc. Năm lên 9 tuổi, mẹ quen với người khác rồi dắt theo Phong tìm về nhà tình nhân mới ở An Phú (An Giang). Mẹ Phong vẫn quen thói ăn chơi sa đọa, suốt ngày tụ tập với những con bạc đang say máu đỏ đen để sát phạt, bỏ mặc con trai đói khát ở nhà.
Chưa đầy một năm, bà nợ “ngập đầu”, không có khả năng chi trả, bỏ tình nhân, dẫn con trai ngược về bên chồng cũ. Phần vì thương con, phần vì còn tình cảm với vợ nên cha Phong tha thứ. Lúc này cha Phong còn giữ 240 triệu tiền bán ngôi nhà cũ ở An Giang. Hai người lại bài bạc, rồi chốc lát, số tiền trên “không cánh mà bay”. Cả nhà dắt nhau “chuyển nghề” bán vé số, bán bánh mì dạo.
Phong tâm sự về tuổi thơ cơ cực. |
Trong những tháng ngày cơ cực ấy, cha Phong không may bị bệnh tai biến, liệt nửa người, không còn khả năng lao động. Đáng buồn hơn, khi thấy chồng hoạn nạn, mẹ Phong đã không chăm lo cho hạnh phúc gia đình, lại tiếp tục bỏ đi theo cuộc tình mới. Phong cùng anh trai mới tí tuổi đầu đã phải chăm sóc cho cha. Năm 2012, sau sáu năm bệnh tật, cha Phong đã qua đời. Ngày cha mất, mẹ Phong không về chịu tang.
Nhớ lại những tháng ngày sống chung với cha mẹ, Phong ngậm ngùi: “Ban đầu, kinh tế nhà em ổn định lắm. Chỉ vì ham mê bài bạc mà cha mẹ suốt ngày chửi bới nhau. Một năm, hai người chia tay không biết mấy lần. Sau này cha bệnh rồi mất, mẹ cũng không trở về. Nếu cha mẹ biết tính toán làm ăn, không lao vào thói đỏ đen đó, gia đình em bây giờ đâu đến nỗi như thế này”.
Bi kịch mẹ bán con
Phong là con thứ 3, phía sau còn một em gái út sinh năm 2004. Khi chán nản với cảnh gia đình, chị gái đầu đã lấy chồng sớm, từ đó không quay về nhà. Người anh trai thì suốt ngày lênh đênh trên biển đánh bắt cá, chẳng mấy khi liên lạc được. Đau đớn hơn, khi thấy cha Phong ngã bệnh, mẹ Phong đã nhẫn tâm đem cô con gái út đi “cho” người khác để lấy 8 triệu đồng. Xong xuôi, bà ôm tiền bỏ theo tình nhân.
Trong lúc đi phụ hồ, Phong nghe bạn bè nói lại chuyện gia đình, tức tốc bắt xe về nhà. Sau nhiều ngày dò tìm tin tức, anh gặp được mẹ để hỏi địa chỉ của em gái. Tuy nhiên người mẹ đã không trả lời, còn lớn tiếng sỉ nhục con trai.
Giọng Phong nghẹn lại: “Tên người em gái là Nguyễn Thị Minh Châu. Lúc nó lên 4 tuổi, mẹ em đã đem cho người khác. Khi biết tin, em tìm hỏi mẹ đã đem em gái cho ai, ở đâu, mẹ liền la lớn: “Mày hỏi làm gì? Mày có tiền chuộc em không? Nếu có đưa tao 8 triệu đi”. Lúc em nói không có tiền, mẹ lại nói: “Cái thân mày lo chưa xong, mày đòi lo cho ai?”.
Thật sự lúc đó em rất bức xúc, em chỉ muốn hỏi tin tức về em gái. Nếu sau này em đi làm có tiền, em sẽ tìm và chuộc nó về thôi”. Không chịu nổi cách đối xử của mẹ, Phong đã lớn tiếng cãi lại. Người mẹ đã quyết định từ mặt con trai: “Từ nay tao với mày không còn mẹ con gì nữa, đừng bao giờ tìm tới đây. Mẹ nói với em vậy, em chỉ biết khóc rồi bỏ đi”, Phong ngậm ngùi.
Quyết tâm tìm lại em gái, Phong lăn lộn làm việc kiếm tiền. Một thời gian sau chàng trai này lại tìm đến chỗ mẹ để hỏi tin tức. Dù Phong năn nỉ, khóc lóc nhưng người mẹ cũng chỉ nói chung chung rằng em gái đã cho người ở Phú Quốc. Không một tấm hình, không một địa chỉ cụ thể, Phong đành ngậm ngùi quay về: “Lần thứ 2 đến tìm mẹ để hỏi tin em gái, trong túi em có tiền. Nếu biết địa chỉ cụ thể, may ra em còn chuộc được, chứ đi lang thang biết đâu mà kiếm”.
Con đường lầy lội vào nơi Phong ở. |
Chán nản, thất vọng, Phong quay về thị trấn Kiên Lương, xin theo làm phụ hồ cho một người thợ xây trong địa phương. Thấy chàng thanh niên siêng năng, thật thà, người chủ thầu tỏ ra quý mến. Trong một lần được mời về nhà người chủ thầu chơi, Phong gặp bà Nguyễn Thị Thắm (53 tuổi, ngụ khu phố Ngã Ba, thị trấn Kiên Lương). Thương chàng trai côi cút, bà Thắm nhận Phong làm con nuôi, cưu mang suốt 8 năm qua.
“Năm 18 tuổi, em tình cờ gặp mẹ Thắm. Mẹ mến em rồi nhận làm con nuôi. Những người con ruột sợ mẹ khổ nên không đồng ý. Tuy nhiên mẹ vẫn khăng khăng kêu em về ở chung nhà. Sống cảnh đơn độc bấy lâu, nay nghe có người thương, nhận mình làm con, thật sự em rất hạnh phúc. Mẹ nghèo nhưng vẫn lo cho em từ cái áo cái quần tới ăn uống. Mỗi lần em bệnh là mẹ lại thức trắng để chăm sóc. Thật sự mẹ là mẹ nuôi nhưng tốt hơn mẹ đẻ của em rất nhiều. Sau này thấy em cũng được nên mấy anh chị khác không nói gì mẹ nữa”, Phong cho biết.
Lặng đưa ánh mắt buồn xa xăm, Phong tâm sự: “Mỗi lần nhớ đến tuổi thơ, nhớ về quá khứ là em lại khóc. Bây giờ em may mắn gặp mẹ nuôi, coi như em đã yên thân. Chỉ lo cho đứa em gái. Không biết bây giờ nó sống ra sao, có được yêu thương nơi đất khách quê người hay không. Năm nay nó đã lên 11 tuổi, chắc lớn lắm rồi. Không biết sau này anh em có dịp gặp nhau hay không nữa. Dù sao em cũng sẽ cố gắng kiếm tiền, cố gắng tiết kiệm để đi tìm lại em gái. Nếu không gặp được nó, em có sống thế nào cũng không yên lòng được”./.