Người làm công hóa tỉ phú
Bà Hồ Thị Trang (SN 1952, ngụ ấp Suối Tre, xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) có đơn tố cáo việc bà Hồ Thị Đô (SN 1960, ngụ ấp Bầu Cối, xã Bảo Quang), một người làm công lâu năm cho gia đình về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bà Đô bị tố cáo đã lợi dụng sự tin tưởng của gia đình, đưa chồng bà Trang là ông Đỗ Hữu, một người mất năng lực hành vi dân sự đi công chứng hàng loạt giấy tờ chuyển nhượng 39,5 ha cao su ở huyện Vĩnh Cửu và “hợp đồng liên kết” đầu tư 50 ha cao su ở tỉnh Bình Thuận.
Ông Hữu vốn là một cựu tù chính trị tại Phú Quốc từ năm 1969 đến 1973. Năm 1996, ông Hữu đại diện cho gia đình ký hợp đồng nhận khoán đất để trồng cao su với lâm trường Hiếu Liêm (nay là Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai) ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu có diện tích 27, 5 ha với thời gian 50 năm (1996 – 2046).
Sau đó ông Hữu trực tiếp đứng ra quản lý, khai thác và điều hành hoạt động. Toàn bộ tài sản và tiền vay mượn từ nhiều nguồn, ông Hữu đều dùng đầu tư vào việc trồng cao su.
Diện tích đất ở lâm trường Hiếu Liêm được cơ quan chức năng giao cho hộ gia đình. Vì vậy, ngoài ông Hữu ra, những thành viên khác trong gia đình đều có quyền hưởng lợi thu hoạch từ diện tích đất được giao khoán.
Năm 2000, khi cao su chuẩn bị thu hoạch, nhân công khan hiếm, gia đình quyết định thuê bà Đô vào làm công thường trực. Bà Đô được gia đình thuê bằng thỏa thuận miệng, trả công hàng tháng. Công việc chăm sóc, khai thác khi ấy đang rất thuận lợi.
Năm 2007, ông Hữu bị tai biến mạch máu não, trí nhớ bị mất dần. Gia đình giao cho bà Đô trông coi, quản lý khai thác mủ cao su. Lợi dụng tình hình sức khỏe yếu của ông chủ, sự lỏng lẻo quản lý của bà chủ, bà Đô từng bước thực hiện hành vi chiếm đoạt toàn bộ diện tích cao su.
Năm 2009, ông Hữu tiếp tục bị tai biến và bị mất trí nhớ hoàn toàn. Tuy nhiên, vào ngày 27/10/2010, bà Đô vẫn đưa ông chủ đến văn phòng công chứng Hố Nai lập hợp đồng chuyển nhượng 27,5 ha cao su với giá 12 tỉ đồng.
Ba năm sau, vào năm 2012, bà Đô tiếp tục đưa ông chủ đến phòng công chứng ký kết hợp đồng liên kết trồng cao su số đất 50 ha ở Bình Thuận. Theo đó, mỗi người sẽ quản lý 50% số đất trên.
Vậy là từ một người làm công, bà Đô bỗng dưng trở thành tỉ phú quản lý hàng chục ha cao su. Từ khi có những giấy tờ trên, bà Đô công khai thu lợi nhuận từ việc thu hoạch mủ cao su.
Hình sự hay dân sự?
Năm 2013, gia đình bà Trang đưa đơn đến công an Đồng Nai và Bình Thuận tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Đô. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Đô trưng ra hợp đồng chuyển nhượng và kết quả giám định tâm thần của bệnh viện Long Khánh về tình trạng sức khỏe của ông Hữu là ổn định, đủ năng lực hành vi dân sự.
Tòa án Long Khánh khẳng định “ông Hữu mất năng lực hành vi dân sự từ năm 2007 đến nay” |
Để xác minh lại, Công an Đồng Nai đã đưa ông Hữu đến Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (Biên Hòa) để giám định. Bản giám định tâm thần vào ngày 25/3/2014 kết luận: “Trước, trong và sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào ngày 27/10/2010, ông Võ Hữu đã bị mất trí nhớ. Về mặt pháp lý, ông Võ Hữu không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. ”.
Tiếp đó, tòa án nhân dân thị xã Long Khánh ra quyết định tuyên bố ông Hữu mất năng lực hành vi dân sự, không thể phục hồi từ ngày 19/12/2007 trở về sau.
Ngày 28/5/2014, ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai gửi thông báo trả lời đơn khiếu nại của bà Đô về việc cho rằng đã mua lại đất của ông Hữu nhưng không được chính thức đứng tên trong hợp đồng giao khoán.
Thông báo nêu rõ: “Khu đất trên thuộc quyền sở hữu của khu bảo tồn và được giao cho hộ gia đình ông Hữu quản lý, khai thác. Hộ ông Hữu không được tự ý chuyển nhượng hợp đồng giao nhận khoán với bất cứ hình thức nào nếu không có được sự chấp nhận bằng văn bản của bên giao khoán (khu bảo tồn).
Việc hộ nhận khoán tự ý sang nhượng hợp đồng cho người khác là vi phạm pháp luật. Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng của bà Đô và ông Hữu không có giá trị pháp lý. Hộ ông Hữu vẫn tiếp tục sử dụng, khai thác phần đất trên cho đến khi hết hợp đồng nhận khoán”.
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã không khởi tố hình sự vụ án, yêu cầu bà Trang chuyển hồ sơ tòa án để giải quyết tranh chấp dân sự. Việc không khởi tố này khiến bà Trang bức xúc.
Bà Trang còn khẳng định bút tích và chữ ký trên bản hợp đồng với bà Đô không giống với chữ ký của chồng mình. “ Vào năm 2000, trước khi làm công cho gia đình tôi, bà Đô còn nợ số tiền hơn 10 triệu đồng và không có khả năng chi trả. Vậy mà sau 10 năm làm thuê bà Đô lại có 12 tỉ để mua đất. Tôi khẳng định gia đình tôi đã bị lừa và không nhận một xu nào từ bà Đô”, bà Trang nói.
Bà Trang còn yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ hành vi của công chứng viên Trần Thị Thu Thủy là người công chứng (nay là Trưởng văn phòng thừa phát lại Biên Hòa) đã cùng bà Đô hợp thức hóa hợp đồng mua bán.
Từ khi bị cho là chiếm đoạt được những vườn cao su của gia đình ông Hữu, người làm công năm xưa thu lợi, lấy tiền xây biệt thự, tiêu xài sung sướng. Còn gia đình bà Trang có nguy cơ mất trắng khối tài sản do chính tay tạo dựng nên./.