Chùa Đống Phúc ra đời gắn liền với sự hình thành, phát triển của phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Trải qua thăng trầm thời gian, chùa nhiều lần được tu sửa nhưng vẻ yên bình, trang nghiêm và những giá trị của nền cốt chùa cũ, kiến trúc và nhiều tượng Phật, bia đá cổ vẫn được lưu giữ, và chùa còn lưu giữ được nhiều cây cổ thụ, trong đó có Cây thị và Cây gạo trong khuôn viên, gắn liền với lịch sử phát triển của chùa.
Cây thị có hơn 900 năm tuổi, cao gần 20m, chu vi thân trên 5m. Cây gạo cũng đạt trên 400 năm tuổi, cao trên 18m, chu vi thân gần 6m. Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, 2 cây cổ thụ trong khuôn viên nhà chùa vẫn trường tồn xanh tốt.
Sau quá trình khảo sát, năm 2019, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã xét duyệt và kết luận Cây thị, Cây gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc đạt đầy đủ các tiêu chí và được công nhận là cây di sản. Việc công nhận 2 cây cổ thụ này là Cây Di sản Việt Nam để chăm sóc và bảo vệ tốt hơn, không chỉ là hoạt động bảo vệ cảnh quan môi trường, mà còn là bảo vệ những “nhân chứng” lịch sử gắn liền với những câu chuyện về truyền thống đánh giặc cứu nước hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào về truyền thống quê hương cho các thế hệ sau này.
Cây gạo trên 400 năm tại chùa Đống Phúc. |
Thượng tọa Thích Thanh Lịch - Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Đống Phúc cho biết: “Việc công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây thị và cây gạo trong khuôn viên chùa là niềm tự hào chung của tất cả nhân dân trong vùng, cũng là sự động viên lớn đối với tăng ni Phật tử của chùa. Sự công nhận này sẽ góp phần bảo vệ cây quý, khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ các di sản của cha ông”.
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh: “Cây thị rất có ý nghĩa, là cây quý theo quan điểm Phật giáo, gỗ thị là loại gỗ duy nhất để khắc ván in kinh của các vị Tổ Phật giáo xưa kia. Gỗ thị rất đẹp, bền, không bị mối mọt, nứt, co giãn... nên được các vị tổ sư in dập các bản kinh điển đạo Phật”.
Ngôi chùa Đống Phúc có ngàn năm lịch sử, gắn liền trận chiến lừng lẫy trên sông Bạch Đằng. |
Thượng toạ Thích Đạo Hiển cho biết thêm: "ngoài cây thị ra thì cây gạo của chùa Đống Phúc có lịch sử hơn 400 năm, là cây hồn quê của dân tộc mình. Tâm hồn người Việt gắn với cây gạo, biểu tượng cho sự phồn thịnh, sung túc, mong cầu cuộc sống có sự no đủ về thực phẩm lúa gạo, biểu tượng no ấm, bền vững của người dân Việt Nam. Hoa gạo gắn với tình cảm, tinh thần của người Việt.
Có câu dân ca: Mười hai bến nước con ơi/ Bến nào hoa gạo chẳng rơi cháy lòng. Hoa gạo đi vào tâm thức, tình cảm, văn thơ của người Việt, gắn bó với ký ức của người Việt. Hiện nay Quảng Yên đang đô thị hoá nhưng vẫn giữ được những di tích, di sản như thế này là điều quý báu. Đó là di sản sống, là minh chứng cho lịch sử hùng hồn và lâu đời của vùng đất Quảng Yên lịch sử, càng có ý nghĩa hơn khi giữ được lịch sử, giữ được nét hồn quê".
Ngoài 2 cây thị, cây gạo, trong khuôn viên chùa Đống Phúc; thị xã Quảng Yên còn lưu giữ 2 cây lim Giếng Rừng trên 700 năm tuổi, đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1998 và thuộc cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.