* Quán phở Trường Sa tưởng nhớ đồng đội của cựu binh Gạc Ma
Nhớ con mẹ nhìn di ảnh
Tỉnh Phú Yên có hai chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Đó là liệt sĩ Phan Tấn Dư và liệt sĩ Trương Văn Thịnh. Những ngày này, ngôi nhà của gia đình các liệt sĩ dường như ấm áp hơn bởi tiếng bước chân của đồng đội về thăm. Ở đó, có người mẹ ở tuổi gần đất xa trời rưng rưng dòng nước mắt mỗi khi nhắc về con.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến đường Mậu Thân (phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) lân la hỏi đường đến nhà cụ Nguyễn Thị Đảo (SN 1929, mẹ liệt sĩ Trương Văn Thịnh). Ngôi nhà nằm ở một con hẻm nhỏ, vừa đủ chiếc xe máy chạy. Xe vừa dừng, chúng tôi nghe tiếng một cụ bà từ trong nhà phát ra: “Thằng Cảnh hay mấy đứa Gạc Ma đó”. Biết đó là cụ Đảo, chúng tôi liền đến hỏi thăm, trò chuyện.
Cụ Đảo bảo, mấy bữa nay trở trời nên người cụ hơi mệt, phải uống thuốc đều đều. Lúc nãy cụ tưởng người con trai của cụ là Trương Văn Cảnh (anh trai liệt sĩ Thịnh) đem thuốc đến, không thì những người đồng chí đồng đội của liệt sĩ Thịnh đến thăm. Chúng tôi hỏi: “Sao cụ gọi là mấy đứa Gạc Ma?”.
Cụ Đảo liền bảo: “Từ ngày thằng Thịnh mất, những đồng chí đồng đội cùng chiến đấu với nó ở đảo Gạc Ma đều gọi cụ bằng mẹ. Cụ cũng xem tụi nó như con mình nên thường gọi chung là mấy đứa con Gạc Ma. Tụi nó đứa nào cũng quan tâm đến sức khỏe của cụ, gọi điện hỏi thăm liên tục. Nghe cụ bệnh, đứa gần thì đến chăm sóc, lo thuốc men, đứa xa thì gọi điện hỏi thăm”. Nói rồi, cụ Đảo kể, ngày 25 tháng Giêng vừa qua, cụ cúng giỗ cho liệt sĩ Thịnh.
Cụ Nguyễn Thị Đảo năm nay đã 92 tuổi. |
Hôm ấy, có rất đông đồng chí đồng đội của liệt sĩ Thịnh đến dự. Có người ở tận tỉnh Khánh Hòa ra ngày hôm trước rồi ở lại chơi với cụ mấy ngày liền. “Nhìn tụi thằng Thi, thằng Thoại hay thằng Dũng ở tận Khánh Hòa thương yêu cụ như mẹ, cụ càng nhớ đến thằng Thịnh. Hồi ấy, nó đi mới hai mấy tuổi đầu, nếu bây giờ nó sống cũng gần 60 tuổi rồi. Nó đi bữa 25 tháng Giêng thì 27 nó hy sinh. Bây giờ, cụ cúng giỗ nó ngày 25 chứ không cúng ngày 27”, cụ Đảo bộc bạch.
Vịn tay bước lên cầu thang, cụ Đảo nghẹn ngào: “Hồi nhỏ nó tội lắm, nó thương cụ lắm! Lớn lên, đến tuổi trưởng thành, vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc mà nó chiến đấu, rồi hy sinh nơi biển đảo. Nó mất rồi, cụ nhớ nó lắm! Ngày nào cụ cũng thắp nhang, rồi nhìn di ảnh nó cho đỡ nhớ”.
Thắp nén nhang lên bàn thờ con trai cùng với người chồng của mình, cụ Đảo rưng rưng nước mắt. Nhìn mẹ, anh Cảnh cũng nghẹn ngào: “Mỗi lần nhắc đến Thịnh là nước mắt mẹ lại chảy. 33 năm nay, mẹ luôn như vậy. Có lần, đồng đội của Thịnh đến nhà, nhắc lại kỷ niệm với Thịnh, rồi cả nhà ôm nhau khóc như những đứa trẻ”, anh Cảnh tâm sự.
Nghe con nói vậy, cụ Đảo càng thêm nghẹn ngào, đôi tay già yếu, đầy những nếp nhăn của cụ cố với chạm vào tấm hình của con. Nhìn ảnh, đưa tay gạt dòng nước mắt, rồi khẽ rưng rưng: “Vì Tổ quốc, nó hy sinh. Nhưng với anh em đồng chí đồng đội thì nó còn sống mãi. Với cụ, dù đã ở lại nơi biển cả nhưng hình ảnh của nó thì không bao giờ quên. Nó sẽ theo cụ đến khi cụ nhắm mắt xuôi tay”.
Mất một nhưng mẹ có cả trăm đứa con
Vợ chồng cụ Đảo có tất cả 7 người con, 6 trai, 1 gái. Liệt sĩ Thịnh là người con duy nhất mất khi còn trẻ. Hiện cụ Đảo đang ở với vợ chồng người con trai út là anh Trương Văn Chánh. Chị Huỳnh Thị Dung (vợ anh Chánh) cho biết: “Mẹ buồn vì mất con nhưng mẹ luôn tự hào về anh Thịnh. Mỗi lần gặp con cháu, mẹ đều nói về sự hy sinh cao cả của anh ấy cho con cháu nghe.
Vì ở trong nhà nên mẹ thường tâm sự với vợ chồng tôi về anh Thịnh. Có lần, nửa đêm nhưng vì nhớ anh Thịnh, mẹ lại rưng rưng nước mắt. Tôi cũng chỉ biết động viên mẹ chứ chẳng làm được gì nhiều”. Theo lời chị Dung, con cháu cũng ở gần nên sớm hôm tới lui trò chuyện, thăm hỏi cụ Đảo để phần nào làm nguôi dần nỗi đau trong cụ.
Những lần như thế, cụ Đảo thường bảo, cụ mất một người con nhưng bù lại ông Trời thương cụ, thương gia đình nên cho cụ cả trăm người con hiếu thuận. Đó là những người con ruột của cụ và những đồng chí đồng đội cùng sát cánh ở hải chiến Gạc Ma với liệt sĩ Thịnh. Từ tình đồng chí đồng đội với liệt sĩ Thịnh, hàng năm nhiều cựu binh Gạc Ma đã chung sức góp một phần nhỏ vật chất của mình để cụ Đảo an dưỡng tuổi già.
Không những thế, ngày 27/7/2015, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động trao cuốn sổ tiết kiệm trị giá 40 triệu động gửi đến cụ để cụ an dưỡng tuổi già. Dù không nhiều nhưng gửi gắm biết bao tấm lòng của những người công nhân lao động san sẻ phần nào nỗi đau của cụ.
Tuổi cao sức yếu, giờ đây cụ Đảo phải có người dìu đỡ, chăm sóc. |
Chúng tôi chia tay cụ Đảo và gia đình khi trời vừa đứng bóng. Hình ảnh về cụ Đảo, về người mẹ liệt sĩ hàng ngày bước từng bậc thang thắp nén nhang để được nhìn thấy di ảnh con sẽ in mãi trong lòng chúng tôi. Và sẽ nhớ mãi những lời cụ sẻ chia về tình đồng chí đồng đội của những cựu binh Gạc Ma. Đau đáu về hài cốt đồng đội
Nhắc về trận hải chiến Gạc Ma, cựu binh Đào Thái Thi (SN 1968, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban liên lạc Hội cựu binh Trường Sa tại Phú Yên), xúc động: “Chúng tôi không bao giờ quên những đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma hôm ấy. Thân xác đồng chí đồng đội còn ngoài biển khơi nhưng tinh thần, ngọn lửa Gạc Ma đã và đang cháy mãi trong tim những người lính Trường Sa”. Nói rồi, ông Thi lấy sắp giấy tờ, hình ảnh cho chúng tôi xem. Ông bảo đây là hình ảnh những năm trước, anh em cựu binh Gạc Ma gặp mặt nhau vào ngày 14/3.
“Mỗi lần gặp mặt, tôi đều nói với các đồng chí đồng đội của mình đừng bao giờ quên những đồng đội đã anh dũng hy sinh, bỏ mình ngoài đảo xa mãi mãi không về. Tôi luôn nói với tất cả những cựu chiến binh Trường Sa rằng hãy luôn sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội mình, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân”, ông Thi chia sẻ.
Trong sắp giấy tờ, hình ảnh ông Thi đang để trên bàn có tên hai liệt sĩ Trương Văn Thịnh và Phan Tấn Dư. Nhắc đến hai người đồng chí đồng đội này, ông bảo mình còn sống và có được như hôm nay là quá đủ rồi. Đồng đội ông đã hy sinh, ngay cả hài cốt cũng không tìm thấy nên lúc nào ông cũng đau đáu. “Tôi muốn đóng góp, làm chút gì đó cho mẹ của những đồng đội tôi. Hàng năm, ngoài tổ chức họp mặt, tưởng niệm những đồng chí đã hy sinh, tôi còn vận động anh em đồng đội góp những phần quà để phụng dưỡng các mẹ. Nhưng năm nay, tuổi già sức yếu đã khiến mẹ Lê Thị Niệm (mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư) vĩnh viễn đi xa gần 2 tháng trước ở tuổi 93”, ông Thi buồn rầu kể.