Có những bài viết đã “thấu” đến lương tâm của những người “cầm cân nảy mực”, nhưng có những bài viết cũng chỉ giúp làm an lòng kiếp người có số phận hẩm hiu. Song, những bài viết nói lên tiếng nói của lương tâm và công lý luôn tồn tại mãi trong lòng người đọc và nói lên khát vọng vì một Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới.
Có lẽ bài báo đầu tiên đáng nhớ nhất của 15 năm làm báo chính là bài phản ánh vụ án oan sai ở Tuyên Quang. Ông Nguyễn Duy Huân, một người thợ xây cầu bị truy tố về nhiều tội danh, từ “Tham ô tài sản” đến “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và cuối cùng là cái kết “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với bản án 17 tháng 11 ngày tù (bằng thời hạn bị tạm giam).
Những bài báo “Bới đá hộc tìm tội” hay “Cây cầu xây bằng bùn và nỗi oan của người xây cầu lương thiện” đã chỉ rõ những bất công, vô lý và thiếu căn cứ của việc buộc tội đã khiến các cơ quan tiến hành tố tụng phải nhận sai lầm và sau nhiều lần sửa sai, một bản án tù bằng thời hạn tạm giam cho ông Huân để “cứu thua” cho các cơ quan tố tụng đã được tuyên.
Mặc dù vụ việc không kết thúc viên mãn nhưng sự đấu tranh cho công lý và sự thật cũng đã gặt hái được những kết quả đủ để khích lệ người cầm bút trong sự nghiệp bảo vệ lẽ phải, lẽ sống.
Vụ án “trộm cước viễn thông” tại Hà Nội cũng là một vụ án oan giữ nhiều kỷ lục ở Việt Nam. Kỷ lục vụ án kéo dài nhất được xác lập khi phán quyết cuối cùng được đưa ra vào tháng 8/2014, tuyên bố nữ doanh nhân Mai Thị Khánh không phạm tội “trộm cước viễn thông” và cũng không phạm tội “không tố giác tội phạm” - tội danh được thay thế cũng nhằm “cứu thua” cho các cơ quan tố tụng, đã chính thức khép lại vụ án kéo dài từ năm 2000.
Trong suốt 14 năm, kể từ khi có kết luận điều tra và những lần xét xử, Báo Pháp luật Việt Nam đã “đồng hành” cùng vụ án. Những bài báo dù ngắn hay dài cũng đều nói một tiếng “oan” để các cơ quan có trách nhiệm phải lắng nghe. Cuối cùng thì công lý, lẽ phải vẫn chiến thắng.
Có những vụ án mà những đồng nghiệp khác không thể đồng hành, nhưng với quyết tâm tìm ra sự thật và công lý, Pháp luật Việt Nam đã ghi lại dấu ấn đậm nét của mình khi quyết tâm bảo vệ người vô tội. Những bài báo trong loạt 14 bài viết về vụ án “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt cho thấy lập trường của người cầm bút Báo Pháp luật Việt Nam. Bản án tuyên ông Trần Minh Anh không phạm tội như một cái kết tốt đẹp cho niềm tin, hy vọng và quyết tâm của những người cầm bút vì một xã hội công bằng, vì công lý và lẽ phải.
Lật lại những trang báo cũ, những vụ án oan, sai vẫn còn đó, tôi không thể không quặn lòng. Những án tồn cũ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm vẫn còn thách thức người cầm bút. Ông Nguyễn Duy Huân vẫn đều đặn gửi những lá đơn kêu oan suốt 15 năm qua và gần như dành trọn 15 năm sống với vỉa hè Hà Nội để kêu oan.
Bà Đỗ Thị Hà, người bị oan trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” ở Lạng Sơn đã ra đi khi chưa kịp đòi lại công bằng sau khi được “miễn trách nhiệm hình sự” (một cách đình chỉ vụ án mà không phải bồi thường do làm oan đối với người dân) hay ông Vũ Đắc Lý (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Lượng (Nam Định) cũng được “miễn tội” vì bị oan luôn nhắc nhở người cầm bút rằng, ngay trong thời đại cải cách Tư pháp, ở giữa Thủ đô, án oan, sai vẫn còn rất nhiều và ngòi bút vì lẽ phải, công lý không bao giờ được quên sứ mệnh của mình./.