Cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ: “Xếp xó” hệ thống camera 7,5 tỉ giám sát việc thu phí

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
(PLO) - Sau những nghi vấn về thất thoát phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, mới đây Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đã vào cuộc, có báo cáo 10 ngày kiểm tra thu phí tại công trình này, kết quả mức chênh lệch lên tới nửa tỷ đồng mỗi ngày. Trong khi đó, một trong ba cổ đông sáng lập Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng con số trên có thể cao hơn.  

Những con số “ma thuật”?

Kết quả cho thấy mức thu trong 10 ngày (ngày 10-20/7) Tổng cục Đường bộ (TCĐB) kiểm tra, kết quả thu phí bình quân đạt 1,97 tỷ đồng/ngày. Nếu so với mức thu trung bình hàng ngày theo báo cáo của doanh nghiệp, con số này lớn hơn 582 triệu đồng/ngày.

Lý giải con số chênh lệch này, lãnh đạo Công ty CP BOT cho rằng những ngày bị giám sát, lưu lượng phương tiện tăng cao trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Trì và cầu vượt Ngọc Hồi đang sửa chữa.  

Phản bác lý giải trên, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1- đơn vị thành viên dự án nâng cấp, mở rộng đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT) cho biết, kết quả doanh thu dự án trong 10 ngày TCĐB kiểm tra là đúng thực tế. Đơn vị này nhận xét biện pháp giám sát của TCĐB đưa ra là chặt chẽ và cùng thời gian này, Cienco 1 cũng kiểm tra độc lập và so sánh từng ngày.

Trao đổi với PLVN, ông Đinh Ngọc Đàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cienco 1 phân tích: Theo kết quả kiểm tra, mức thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bình quân mỗi ngày 1,97 tỷ đồng. Trong 10 ngày TCĐB kiểm tra chỉ có 1 ngày cuối tuần (thông thường thì ngày thu cuối tuần tăng cao hơn ngày bình thường 10 - 15%). Còn trước đó trong tháng 7 có đến 5 ngày cuối tuần, nên dự tính doanh thu tháng 7/2016 ước đạt khoảng 61,3 tỷ đồng.

Theo ông Đàn, con số 61,3 tỷ đồng trong tháng 7 có ý nghĩa quan trọng về việc tạo ra ngưỡng kiểm soát doanh thu cho các tháng và trong các năm tiếp theo, theo hướng số tiền thu được chỉ có tăng lên chứ không bao giờ giảm hay “lừng khừng”. “Trừ trường hợp hệ thống quy hoạch mạng lưới giao thông trong khu vực thay đổi”, ông Đàn nói.

Trước đó, theo báo cáo của Công ty BOT về công tác thu phí sau khi tuyến cao tốc đi vào hoạt động đến tháng 1/2016, doanh thu chỉ đạt 41 tỷ đồng/tháng (1,4 tỷ đồng/ngày). Nhưng đến tháng 2/2016 là đợt cao điểm vận tải Tết Bính Thân, doanh thu lại giảm xuống chỉ còn 35,9 tỷ đồng (bình quân 1,2 tỷ đồng/ngày). Rồi trong tháng 4, 5/2016 vừa qua, trạm thu phí lại công bố thu được hơn 50 tỷ đồng/tháng (1,8 tỷ đồng/ngày).

Hình ảnh Cienco 1 cung cấp cho thấy đơn vị này bị cản trở ghi hình đếm xe.
Hình ảnh Cienco 1 cung cấp cho thấy đơn vị này bị cản trở ghi hình đếm xe.

Cổ đông tố bị công ty “chèn ép”

Cienco 1 là đơn vị đã đưa nghi vấn thất thoát phí tại Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Đây cũng là một trong ba cổ đông sáng lập công ty, sở hữu 18% vốn điều lệ (148 tỷ đồng góp vốn).

Giải thích những việc làm trên, ông Đàn cho rằng họ bị Công ty BOT “chèn ép” quá mức. Cách đây hơn nửa năm, sau khi nhận thấy những dấu hiệu bất minh trong doanh thu của Công ty BOT, Cienco 1 đã có những đề nghị nội bộ như: Đề xuất nhân sự Công ty Cienco 1 tham gia quản trị theo tỷ lệ góp vốn nhằm nắm rõ tình hình kinh doanh. Đề nghị trên là chính đáng bởi theo Luật Doanh nghiệp thì cổ đông lớn hay nhỏ (dù chỉ góp vốn 1% vốn) cũng được quyền biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên tắc chung trong kinh doanh là minh bạch, công khai doanh thu để các cổ đông được quyền biết. Thế nhưng yêu cầu này đã không được chấp nhận. 

Trước đó một thành viên Cienco 1 giữ chức kế toán trưởng tại Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nhưng đã bị cho thôi việc. Hiện còn một số nhân sự Cienco 1 tham gia Công ty BOT nhưng không có vai trò trong quản trị.

Đồng thời với đề xuất nhân sự, Cienco 1 cũng đề xuất Công ty BOT báo cáo chi tiết về thu - chi. Trước đó Công ty có nhận được báo cáo nhưng chung chung, không đúng biểu mẫu và quy trình.

Khi những đề xuất trên không được chấp thuận, Cienco 1 tiếp tục đề nghị phối hợp kiểm tra nội bộ cũng không được chấp thuận. Sau đó để đảm bảo số liệu đối chứng, Cienco 1 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Frontier Solution lắp đặt thiết bị hệ thống giám sát lưu lượng trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với giá trị 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư BOT thường cử người cản trở, dùng biển báo hoặc xe tải che chắn camera. “Qua đó, chúng tôi đánh giá Công ty BOT không minh bạch trong việc thu phí. Hiện số camera này phải xếp kho”, ông Đàn nói. “Chúng tôi đủ năng lực kiểm tra nội bộ chứ không nhất thiết phải hợp tác với bên thứ ba, nhưng vì đảm bảo minh bạch, mặc dù tốn kém chúng tôi vẫn làm”, vẫn lời ông Đàn.

Sau khi những đề xuất trên không được Công ty BOT chấp thuận, Cienco 1 đã phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước. TCĐB đã vào cuộc và có báo cáo 10 ngày kiểm tra như đã nêu. 

Sau khi TCĐB công bố kết quả kiểm tra, Cienco 1 có công văn đề nghị Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tổ chức cuộc họp nội bộ nhằm đánh giá lại kết quả thu phí, xác định rõ nguyên nhân và tìm phương án khắc phục. Đề xuất này tiếp tục không được chấp nhận. 

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.