Theo quan sát, rất có thể các nhà đầu tư được mời họp sẽ ủng hộ cho dự án, bởi BIDV là ngân hàng đã tài trợ vốn. Nhưng còn một loạt nhà đầu tư khác, vốn không bị ràng buộc về mặt lợi ích với BIDV, họ sẽ bỏ phiếu gì cho Dự án thu phí không dừng?
Các ngân hàng có chịu bắt tay?
Trước ngày triển khai các Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 1A (đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ) và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), BIDV đã ký một loạt hợp đồng cung cấp tín dụng cho các Dự án BOT tại hai tuyến quốc lộ trọng điểm nói trên.
Theo đó, một loạt doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng như Cienco 4, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty CP TASCO, Tập đoàn Đức Long Gia Lai… đều được ngân hàng này “bơm” vốn.
Sau khi các dự án BOT của những nhà đầu tư này hoàn thành, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quyết định cho tiến hành thí điểm công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thuộc các dự án mà trước đó chính BIDV đã bỏ vốn tài trợ, như: Trạm Hoàng Mai (Dự án BOT QL1A đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát), Trạm phía Bắc Quảng Bình.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, trên hai tuyến quốc lộ này đang còn khá nhiều Dự án BOT của một số nhà đầu tư đang sử dụng nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại khác như Vietinbank, SHB, ACB… Vì thế, Dự án thu phí không dừng chỉ có thể vận hành được trơn tru khi có cái bắt tay giữa các ngân hàng. Bởi với tư cách là nhà tài trợ nên trong chừng mực nào đó, các ngân hàng này vẫn có tiếng nói tác động đến “lá phiếu” của các nhà đầu tư khi được thăm dò ý kiến về công nghệ thu phí không dừng.
Phải ngồi với các nhà đầu tư
Sau khi PLVN có loạt bài nói về Dự án thu phí không dừng do Liên danh Công ty CP TASCO - Ngân hàng BIDV đăng ký thực hiện, Bộ GTVT mới đây đã khẳng định, sắp tới sẽ có một số cuộc họp nhằm tranh thủ sự đồng thuận từ các nhà đầu tư đối với dự án mà Bộ này đã đề xuất phương án chỉ định thầu.
Nguồn tin từ Ban Quản lý Đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, lãnh đạo Bộ này cũng đã chính thức chỉ đạo các đơn vị tham mưu khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến các trạm thu phí không dừng kết hợp với kiểm soát tải trọng xe mẫu để triển khai trên toàn quốc vào cuối năm 2015.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tổ chức một cuộc họp nhằm giới thiệu rộng rãi công nghệ thu phí không dừng giữa Bộ với các nhà đầu tư BOT cũng như cơ chế thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thu phí.
“Qua truyền thông, chúng tôi hiểu được sự quan ngại của một số nhà đầu tư đối với dự án. Chính vì thế, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng kế hoạch để tới đây có thể ngồi lại với tất cả các nhà đầu tư BOT trên hai tuyến này nhằm nói cho họ hiểu rõ sự cần thiết phải triển khai dự án, qua đó tranh thủ sự đồng thuận của các nhà đầu tư, nhà tài trợ vốn đối với Dự án thu phí không dừng đầy tiện ích mà Bộ đang xây dựng lộ trình và chắc chắn phải hướng đến.” - một cán bộ có thẩm quyền của Bộ GTVT cho hay.
Liên quan đến dự án này, trong cuộc họp bàn diễn ra hôm 5/6, lãnh đạo Bộ GTVT đã “thúc” các vụ, cục chức năng thuộc Bộ nhanh chóng nghiên cứu và cho rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư đối với Liên danh TASCO - BIDV. Tuy nhiên, trao đổi với PLVN, một chuyên gia có kinh nghiệm nhận định: “Điểm mấu chốt của dự án chính là sự đồng thuận. Không có sự đồng thuận, dự án khó mà kết nối các trạm, khó mà thành công”(?).
Nếu đúng như gợi ý này, Bộ GTVT mà đặc biệt là “ứng viên” tham gia dự án - Liên danh Công ty CP TASCO - BIDV phải tranh thủ sự ủng hộ và có được càng nhiều “phiếu thuận” từ các nhà đầu tư càng tốt. Bởi “cửa” vào thầu Dự án thu phí không dừng của Liên danh này đang rất rộng do Bộ GTVT đã chủ trương thực hiện dự án theo hình thức chỉ định thầu. Hơn nữa, nguồn tin của PLVN còn cho biết thêm, đến thời điểm này chỉ có duy nhất Liên danh Công ty CP TASCO - BIDV đăng ký tham gia dự án.
Ngân hàng nào “đổ” nhiều vốn vào QL1A, QL14?
“Theo thỏa thuận ký giữa BIDV và Bộ GTVT năm 2013, Ngân hàng này cam kết tài trợ các Dự án QL1A và QL14 khoảng 30 nghìn tỷ đồng, với 19 Dự án BOT. Vietinbank cũng cam kết tài trợ cho Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hơn 5.900 tỷ đồng; Dự án hầm đường bộ Đèo Cả hơn 5.400 tỷ đồng, Dự án QL1A đoạn qua Ninh Thuận 1.700 tỷ đồng...
Ngoài ra, các ngân hàng khác như SHB, ACB cũng “đổ” hàng ngàn tỷ đồng vào hai tuyến QL này, và đang mong đến ngày được thu phí để hoàn vốn… Trong bối cảnh như vậy, liệu các ngân hàng nói trên có chịu bắt tay với Liên danh BIDV - TASCO để cùng ứng dụng công nghệ thu phí không dừng tại các dự án mà các ngân hàng này đã tài trợ vốn?”.