Mặc dù các ngân hàng đã cởi mở hơn với các gói cho vay tiêu dùng nhưng nhiều người vẫn e ngại phần thủ tục nên chọn các dịch vụ tài chính đơn giản, nhanh gọn, cũng vì thế dịch vụ “cho vay nóng”, “cho vay không thế chấp” nở rộ như nấm sau mưa. Tuy nhiên, bên trong các lời quảng cáo này tiềm ẩn nhiều hiểm họa...
Cho vay “nóng” núp bóng dưới các dạng hợp đồng
Theo khảo sát, hầu hết những người làm nghề cho vay nặng lãi đều có những mánh khóe để ứng phó với các cơ quan tố tụng nếu... nhỡ bị đụng đến, đó chính là việc cho vay tiền dưới dạng các hợp đồng khác nhau. Với sinh viên thì dưới hình thức cho thuê laptop, mua bán laptop; với người dân thì ở dạng “mua xe trả góp”... Cá biệt, có người còn bị đưa vào thế “nhận tiền chạy việc” mà vì ở vào tình thế không thể lùi được, đành phải nhắm mắt ký liều.
Anh Lê Hồng Kỷ, chủ một công ty chuyên phân phối nội thất cao cấp chính là người đã bị “gài” cho vay tiền dưới dạng “nhận tiền chạy việc”. Trình bày với phóng viên, anh không giấu được chua xót: “Tôi muốn kể câu chuyện của mình với mong muốn đây sẽ là một bài học để mong mọi người đừng rơi vào vòng xoáy của cho vay nặng lãi bởi vay nhỏ chết nhỏ, vay to chết to”.
Anh cho biết, vào dịp Tết năm ngoái, do lo lắng không có hàng bán sau Tết, lại đúng dịp giảm giá của các thương hiệu lớn nên anh vội vàng gom vốn lấy hàng. Tiền các đại lý nhỏ nợ anh chưa đòi được, hỏi vay người nhà cũng không được, bí quá anh quyết định vay lãi với lãi suất lên đến 20% với hy vọng chỉ mất khoảng một tháng sau Tết là anh có thể gom đủ tiền trả nợ.
Anh vay 1 tỷ đồng và bị cắt luôn 200 triệu đồng tiền lãi nhưng với điều kiện phải ký vào giấy biên nhận, nhận tiền với lý do “chạy việc”. Vì vào dịp Tết, đã gần đến ngày nghỉ nên cực chẳng đã anh đành bấm bụng viết giấy nhận tiền. Đến hạn, anh không gom đủ tiền trả, lại bị ép ký một giấy vay nợ khác với số tiền lớn hơn vì chủ nợ “ngọt nhạt” bảo rằng “tôi phải đi vay của người khác để lo khoản nợ cho ông”. Với hình thức này, số tiền anh vay lãi để lấy hàng hiện nay đã lên đến 3 tỉ đồng, bán một ngôi nhà đi vẫn chưa đủ trả nợ. Cực chẳng đã, anh phải bỏ nhà đi nơi khác làm ăn.
Với đối tượng vay là sinh viên, hầu hết phải viết giấy thuê laptop với giá 35.000-40.000 đ/ngày. Với hình thức này, các sinh viên muốn vay tiền chịu 2 khoản lãi. Trước hết là cắt luôn khoản lãi 10 ngày thuê laptop, trừ vào số tiền được vay. Sau đó là trả lãi và góp theo ngày với mức lãi suất từ 3.000-5.000đ/triệu/ngày.
Với mức lãi suất này, tính theo ngân hàng lên đến 180%/năm, một mức lãi suất quá khủng khiếp mà hầu hết giới sinh viên đều chưa tính đến, bởi họ chỉ nghĩ rằng “có tiền đã, trả tiền tính sau, có mấy nghìn một ngày thôi, ăn thua gì” - như lời khẳng định của một sinh viên Trường Đại học Công nghệ mà chúng tôi gặp trong một cửa hàng cầm đồ, cho vay thế chấp.
Cẩn trọng với bẫy “tín dụng đen”
Theo địa chỉ quảng cáo về cho vay không cần thế chấp, chúng tôi đến một văn phòng hỗ trợ tài chính trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội). Khi chúng tôi vừa đặt vấn đề vay tiền mua ô tô, “ông chủ” tận tình tư vấn: “Em sẽ giới thiệu cho chị một cán bộ ngân hàng để vay mua ô tô, giải ngân mua ô tô nhanh lắm. Có ô tô rồi chị mang đăng ký xe ra đây, bọn em giữ lại đăng ký, còn chị cứ đi ô tô bình thường, đến kỳ thì trả cả lãi lẫn gốc thôi”.
Tưởng ngon ăn, chúng tôi dò hỏi tiếp thì mới biết, ngay sau khi mang đăng ký ô tô ra đặt tại đây, “ông chủ” sẽ nghiễm nhiên cắt lãi trước một tháng. Dân trong nghề gọi đây là “lãi đứng”. Bởi gần như ngay lập tức sau khi mua ô tô, người đi vay lại mất thêm một khoản nữa và với mức lãi suất “chỉ 3.000đ/triệu/ngày” như các tờ rơi cam kết.
Chưa kể, theo kinh nghiệm của những người từng là “con nợ” của các dịch vụ cho vay lãi suất thấp thì sau khi vay, nếu không trả nợ gốc và lãi đúng hẹn, người vay sẽ lập tức bị “siết nợ”. Với mức lãi suất như trên, nếu không thận trọng và tỉnh táo, người vay tiền có nguy cơ mất chiếc ô tô ngay trước mũi lúc nào không biết.