Hơn 90% kiều bào về nước
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ổn định, hòa nhập vào xã hội nước sở tại và có tiềm lực kinh tế đáng kể về kinh tế, tri thức. Vai trò quan trọng của kiều bào trong ngoại giao văn hóa ngày càng được khẳng định, càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ thành đạt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đa số kiều bào mang trong mình tinh thần tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn, hoan nghênh chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, ủng hộ sự đổi mới, ngày càng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo hướng về quê hương. Hiện TP Cần Thơ có khoảng 10.000 người đang sinh sống, lao động, học tập và tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới. Thời gian gần đây, số lao động xuất khẩu theo hợp đồng có thời hạn, du học sinh và cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài ngày càng tăng. Vai trò quan trọng của Kiều bào trong ngoại giao văn hoá ngày càng khẳng định.
Có thể nói, trong số hơn 90% kiều bào về nước thăm gia đình, có một số là chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp về làm việc, tìm cơ hội đầu tư kinh doanh. Hiện có 32 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào, với tổng số đăng ký khoảng 500 tỷ đồng và khoảng 200.000 USD, kiều hối gửi về nước, tăng trung bình 10 đến 15%/năm. Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Cần Thơ cho biết, công tác đối ngoại nhân dân và hoạt động ngoại giao văn hóa gắn kết với công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua được TP đặc biệt quan tâm bằng nhiều hoạt động thực tiễn. Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ công chức và đoàn viên, hội viên các tổ chức hữu nghị ở các nước về vai trò của ngoại giao văn hóa, tầm quan trọng của kiều bào trong hoạt động đối ngoại của thành phố, để giúp cho kiều bào có cái nhìn trực quan về sự thay đổi của đất nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng; luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương.
Kiều bào rất cần thông tin để đầu tư
Một trong những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, tiến sĩ Võ Hoàng Hải, Giám đốc Điều hành Phòng thương mại Việt Nam tại Singapore (VietCham Singapore) cho biết, một bộ phận không nhỏ cộng đồng người Việt Nam là chuyên gia, trí thức, quản lý... đang làm việc tại các Tập đoàn Viện nghiên cứu của Singapore. VietCham Singapore đã phối hợp cùng các Hội Công nghiệp, ngành nghề của Singapore, cùng các phòng công nghiệp nước bạn như: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Mỹ Latinh, Liên minh Châu Âu... kết nối nhân tài người Việt đang có nhu cầu nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao. Trong việc thu hút đầu tư, hiện Việt Nam đang là điểm hứa hẹn bậc nhất trong khu vực đối với các nhà đầu tư Singapore và quốc tế. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Singapore khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ tập trung vào các khu vực TP HCM, Hà Nội nữa mà bắt đầu mở rộng đầu tư ra nhiều tỉnh, thành khác đặc biệt là TP Cần Thơ.
“Theo tôi, Cần Thơ hoàn toàn có thể kết nối và tận dụng nguồn lực từ kiều bào để thực hiện những mục tiêu của mình. Từ góc độ là một Hiệp hội, trong đó có nhiều Hội viên là các doanh nhân, chuyên gia, trí thức người Việt ở Singapore, tôi tin là cộng đồng người Việt đang công tác ở Singapore nói riêng và khắp nơi trên thế giới nói chung rất sẵn sàng tham gia vào các dự án trong nước để cùng đóng góp phát triển quê hương đất nước. Điều mà các anh, chị, em rất cần là những thông tin về dự án kế hoạch cụ thể để họ có thể tham gia vào” - ông Hải đánh giá. Bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật.