Vậy làm thế nào để hạn chế được tình trạng người “có vấn đề” về thần kinh gây án và bảo đảm an toàn cho xã hội? PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn – Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu tội phạm và Điều tra tội phạm.
Hiện tượng cũ, chỉ khác mức độ tăng, giảm
Thưa TS, thời gian vừa qua xảy ra hàng loạt những vụ thảm án người tâm thần lên cơn cuồng sát gây xôn xao dư luận. Ý kiến của ông như thế nào về việc này?
- Tình trạng người bị bệnh tâm thần gây ra các vụ án đau lòng vốn là một hiện tượng không mới. Vấn đề là, trong từng thời điểm mức độ tăng, giảm của các vụ việc này cũng như hậu quả của nó gây ra cho nạn nhân và xã hội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng hay không mà thôi.
Điều khiến chúng ta quan tâm là làm thế nào không để hoặc hạn chế những người bị bệnh tâm thần gây ra những chuyện đau lòng, những hậu quả nặng nề, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Những vụ việc giết người, gây thương tích, hủy hoại tài sản… do người bị bệnh tâm thần gây ra trong thời gian qua cho thấy việc phát hiện, khám, chữa bệnh, quản lý người bị bệnh tâm thần chưa được thân nhân người bệnh, chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức.
Nếu chúng ta để mặc người có bệnh tâm thần tự do sinh hoạt trong cộng đồng, ắt sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Các vụ thảm án do người bị bệnh tâm thần gây ra trong thời gian gần đây rõ ràng là một hồi chuông cảnh báo để chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc về hiện tượng này.
Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu và điều tra tội phạm, ông có nhận xét gì về hành động dã man này?
- Những vụ việc do người tâm thần gây ra vừa qua, chúng ta có thể thấy họ đã không ý thức được hành động của mình; không thấy, không biết được việc làm của mình là nguy hiểm cho xã hội, là dã man; không hiểu được hành động đâm chết người khác là điều bị pháp luật nghiêm cấm, với những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự sẽ phải bị trừng phạt theo luật hình sự.
Tóm lại, với những người bị bệnh tâm thần khi gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội, dù là nghiêm trọng nhất, pháp luật nhà nước ta không coi họ là tội phạm. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc không điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng này phải được tiến hành bằng các biện pháp hành chính và y học.
Pháp luật không quy định cách ly người tâm thần
Ông có thể lý giải vì sao tình trạng người tâm thần giết người hiện nay lại phổ biến trong xã hội? Có cách nào để hạn chế tình trạng này?
- Nếu nói tình trạng người tâm thần giết người hiện nay là phổ biến, tôi cho là chưa thỏa đáng, chưa chính xác. Có thể, hiện nay số người bị bệnh tâm thần nhưng chưa được phát hiện, chữa trị, quản lý chặt chẽ, còn sinh hoạt trong cộng đồng cũng như gây ra các hậu quả nghiêm trọng… nhiều hơn thời gian trước đây.
Điều này cũng có thể lý giải một phần là do những áp lực của cuộc sống hiện nay lớn hơn, những lo lắng, bức xúc trong công việc, trong quan hệ, sinh hoạt; những tranh chấp gay gắt hơn hay đòi hỏi về nhu cầu của các cá nhân trong xã hội ngày càng cao hơn; môi trường xã hội, các “căn bệnh thị trường” cũng như nguy cơ bệnh tật… đang tạo ra những áp lực không nhỏ lên mỗi người. Có thể đó là một phần gây nên tình trạng có nhiều người bị bệnh tâm thần ở các mức độ khác nhau. Khi gặp những môi trường sống bất lợi, sẽ gây ra những yếu tố kịch phát khiến người bệnh thực hiện hành vi hết sức nguy hiểm và gây ra những hậu quả khôn lường.
Theo quy định của Bộ luật hình sự thì người bị bệnh tâm thần gây án không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 13 BLHS). Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự không điều chỉnh những người chưa gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, người bị bệnh tâm thần không thể dùng luật hình sự để quy định cách ly họ với môi trường xung quanh.
Để hạn chế điều này, như trên chúng tôi đã đề cập, đó là phải sớm phát hiện khi họ mắc bệnh, đưa đi điều trị, có biện pháp quản lý chặt chẽ không để họ gây ra những hậu quả xấu. Mỗi gia đình, người thân, chính quyền, các đoàn thể xã hội và người dân ở địa bàn cần nêu cao tính trách nhiệm trong việc quản lý, chữa bệnh và có các biện pháp phòng ngừa cụ thể để những người mắc chứng bệnh này không gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Chết người, không ai bồi thường?
Theo quy định pháp luật, nếu người tâm thần không có người giám hộ thì cơ quan chức năng sẽ giao cho chính quyền địa phương hoặc các đoàn thể xã hội quản lý giám sát, nhưng việc giám sát quản lý rất lỏng lẻo. Vậy khi người tâm thần gây án, các tổ chức đoàn thể hay người giám hộ này có phải chịu trách nhiệm hay bồi thường dân sự hay không?
Về điều này, Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn phát biểu: Theo Bộ luật Dân sự, trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự (người bị bệnh tâm thần…) mà không có người thân thích (cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên, ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác, chú, cậu, cô, dì) thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người đó có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.
Cũng theo qui định của luật dân sự thì người giám hộ có nghĩa vụ chăm sóc, điều trị bệnh cho người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự; quản lý tài sản của người được giám hộ (Điều 67 BLDS). Người giám hộ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ; được thanh toán các chi phí cần thiết cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ (Điều 68 BLDS).
Như vậy, pháp luật dân sự không quy định người giám hộ phải bồi thường thiệt hại do người được giám hộ gây ra.
Thực tế hiện nay, hầu hết những người mắc bệnh tâm thần đều có những người giám hộ đương nhiên nên ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị tâm thần cư trú hầu như không cử người hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ theo quy định của pháp luật.