Phạm vi "mềm" của hoạt động Hải quan
Theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Luật Biển Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì ngoài vùng nội thủy, vùng lãnh hải, Nhà nước ta thực hiện quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, quản lý, bảo tồn tài nguyên và các hoạt động khác vì mục đích kinh tế tại vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế.
Do đó, nếu trong các vùng biển này xuất hiện yêu cầu về kiểm tra hải quan thì cần phải giao cho cơ quan hải quan thực hiện. Đây là thực tiễn đang diễn ra tại một số địa điểm trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, như địa điểm khai thác dầu khí, xuất khẩu dầu thô...
Quy định này cũng là kế thừa quy định của Luật hải quan hiện hành. Như vậy, dự thảo Luật Hải Quan (sửa đổi) quy định việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan, bao gồm cả các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam (khoản 2 Điều 7) là bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật biển Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quy định như vậy cũng phù hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn quản lý về hải quan.
Đặc biệt, ngoài việc quy định những phạm vi hoạt động cụ thể, Dự thảo còn ghi rõ: Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.
Quy định này đã nhận được sự tán thành cao của các ĐBQH. Thực tế cho thấy phạm vi địa bàn hoạt động hải quan là rất đa dạng, không chỉ ở phạm vi bến cảng, sân bay quốc tế, cửa khẩu biên giới đường bộ mà còn nhiều lối mở khác để phục vụ cho nhân dân qua lại biên giới.
Ở những địa bàn biên giới, phạm vi địa bàn hoạt động hải quan được xác định theo tọa độ cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Hơn nữa, việc xác định địa bàn hoạt động hải quan cụ thể còn phụ thuộc vào tình hình quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội của từng địa bàn và trong từng thời điểm.
ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) nói: “Tôi thống nhất địa bàn hoạt động Hải quan cần phải đa dạng, đặc biệt là phải quy định mở như thế để phù hợp với những diễn biến của tình hình thế giới”.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng khẳng định: “Tôi rất tán thành. Quy định về phạm vi hoạt động của Hải quan trong Dự luật này rất cần thiết và rất hợp với pháp luật quốc tế”.
“Luật rất chặt chẽ, vừa đóng, vừa mở, vừa cứng, vừa mềm. Hiện nay chúng ta đang có 400 cửa khẩu. Hơn nữa, khi mình phát triển kinh tế biển, sẽ mở rộng hơn, do đó quy định như Dự luật vậy sẽ rất hợp lý. Phù hợp tình hình.” ĐB Võ Trọng Việt (Kon Tum) bày tỏ quan điểm.
Có nên trang bị vũ khí?
Một trong những nội dung thu hút sự tham gia của các ĐBQH liên quan đến thẩm quyền của Hải quan. Theo tinh thần của dự luật, lực lượng Hải quan còn có nhiệm vụ trong công tác phòng chống tội phạm, phòng chống buôn lậu qua biên giới. Do vậy, theo ý kiến của nhiều đại biểu, ngoài việc quy định công tác phối hợp với các cơ quan khác như lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường… luật nên tăng cường “công cụ” cho lực lượng Hải Quan.
Đại biểu tỉnh Kon Tum - ông Võ Trọng Việt - có ý kiến nếu không trao quyền quy đổi thì sẽ bỏ lọt tội phạm. Thậm chí, theo ý kiến của ông, cần phải trang bị vũ khí cho lực lượng Hải quan để phòng chống tội phạm ngay tại cửa khẩu. “Nếu không trang bị cho hải quan công cụ tương ứng thì không ổn. Không sợ anh em sử dụng quá quyền hạn. Luật sẽ quy định họ được sử dụng trong trường hợp nào. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý” – ông nói.
“Cần cho lực lượng Hải quan thực hiện một số hoạt động tố tụng hình sự như khám xét, bắt giữ… để hỗ trợ việc phòng chống tội phạm có hiệu quả. Tôi nghĩ tăng thẩm quyền cho họ, chỉ có lợi cho đất nước.” ĐB Võ Trọng Việt (Kon Tum) nói. Theo tinh thần này, theo ĐB, không chỉ trong Dự Luật Hải quan, mà sắp tới đây, khi sửa đổi luật Tố tụng hình sự, cần phải nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này.
ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cũng rất tán thành quy định cán bộ Hải quan được bắt giữ người có hành vi phạm tội trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Theo ông, cũng cần phải có quy định để đẩy mạnh nghiệp vụ trinh sát của hải quan. “Nghiệp vụ thu thuế hải quan sẽ giảm dần, do đó, nhiệm vụ chính sẽ là chống buôn lậu, vẩn chuyển hang hóa trái phép. Do vậy, nghiệp vụ trinh sát cần phải quan tâm hơn.” ĐB lý giải.