Hôm qua (15/8), dự án Luật Hải quan sửa đổi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn Internet |
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế đối ngoại trước mắt cũng như lâu dài đặt ra, Luật Hải quan hiện hành phải được sửa đổi để nội luật hóa các điều ước quốc tế về hải quan mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Hải quan sẽ tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Luật Hải quan hiện hành, mặc dù đã được sửa đổi bổ sung năm 2005 tạo tiền đề áp dụng hải quan điện tử song chưa đảm bảo được cơ sở pháp lý cho việc chuyển hẳn sang áp dụng rộng rãi phổ biến. Việc ban hành Luật Hải quan sửa đổi hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến hải quan điện tử phục vụ có hiệu quả sự phát triển của hoạt động kinh tế đối ngoại trong chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn mới.
Theo dự thảo, Dự án Luật Hải quan sửa đổi gồm 106 Điều, được bố cục thành 8 Chương, quy định về nhiệm vụ, tổ chức của hải quan; Thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan; Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; Thông tin hải quan và thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Quản lý nhà nước về hải quan….
Ban Soạn thảo dự án Luật này cho biết, Luật Hải quan hiện hành cơ bản được xây dựng trên cơ sở thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức truyền thống (thủ công) từ khâu tiếp nhận tờ khai, kiểm tra giám sát đến thông quan hàng hóa. Luật Hải quan có sửa đổi bổ sung năm 2005 đã tạo tiền đề để áp dụng hải quan điện tử, song khi triển khai rộng rãi phát sinh một số bất cập về pháp lý.
Để khắc phục bất cập nêu trên, tại Điều 29 dự thảo Luật Hải quan về khai hải quan có quy định “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử,…”; việc khai trong tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định; và tại Điều 32 dự thảo Luật Hải quan về kiểm tra hồ sơ hải quan quy định: “...Việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan”.
Các quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan (Điều 22), hồ sơ hải quan (Điều 24), thời hạn nộp hồ sơ hải quan (Điều 25), đăng ký tờ khai hải quan (Điều 30) cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thủ tục hải quan điện tử.
Đồng bộ với các quy định trên về thủ tục hải quan điện tử dự thảo Luật Hải quan còn bổ sung, sửa đổi các Điều từ Điều 46 đến Điều 74 liên quan đến thủ tục hải quan cho các loại hình đối với hàng gia công, nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; chế xuất; một số loại hình tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu.... nhằm bảo đảm tính minh bạch và triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá chế độ quản lý hải quan và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan….
Góp ý cho các quy định tại dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu dự Luật minh bạch tối đa các thủ tục hải quan nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước và xây dựng hình ảnh hải quan thân thiện với doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Phó Chủ tịch cũng bày tỏ kỳ vọng dự án Luật này sẽ nếu được thông qua sẽ giảm tối đa các chi phí thủ tục hải quan.
Q.Minh