Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được thì Luật Hải quan cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập và hiện đang được đặt lên bàn “nghị sự” để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập hải quan quốc tế.
Tiến tới “phổ cập” hải quan điện tử
Đánh giá về quá trình thi hành Luật Hải quan vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Luật đã tạo khung pháp lý cơ bản, đồng bộ với các chuẩn mực hải quan quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập giai đoạn 2001 - 2005; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về hải quan và hiện đại hóa hoạt động quản lý hải quan, chuyển một bước từ phương thức quản lý thủ công sang phương thức quản lý hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và thủ tục hải quan điện tử.
Tuy nhiên, ông Dũng chia sẻ, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 tạo tiền đề áp dụng hải quan điện tử song Luật Hải quan hiện hành vẫn quy định thực hiện theo phương thức thủ công truyền thống từ việc quy định hồ sơ hải quan, khai hải quan đến thông quan.
Trong bối cảnh phát triển nhanh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, dự kiến đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 400 tỷ USD, số lượng tờ khai hải quan đạt trên 10 triệu tờ khai thì việc thông quan hàng hóa của ngành Hải quan đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản để đáp ứng.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hải quan sẽ tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cụ thể, Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) quy định: “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử…”; việc khai trong tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định.
Việc kiểm tra hồ sơ hải quan được cơ bản thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc đối với một số trường hợp cụ thể được thực hiện trực tiếp bởi công chức hải quan.
Giao thẩm quyền tương xứng với nhiệm vụ
Luật Hải quan 2001 cũng đã tạo điều kiện để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Số vụ vi phạm phát hiện, bắt giữ và xử lý của ngành Hải quan tăng qua các năm: năm 2010: 11.150 vụ, thu nộp ngân sách 68.100 triệu đồng; năm 2011: 18.666 vụ, thu nộp ngân sách 158.338 triệu đồng; năm 2012: 23.268 vụ, thu nộp ngân sách 240.087 triệu đồng. Từ năm 2010 - 2012, ngành Hải quan đã khởi tố 30 vụ, chuyển cơ quan Công an khởi tố 198 vụ vi phạm.
Nhưng các quy định về phạm vi, biện pháp, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong Luật Hải quan hiện hành chưa đầy đủ so với thực tế tổ chức triển khai thực hiện, một số quy định hiện đang được thực hiện tại các văn bản dưới Luật.
Thực tế đó dẫn đến những hạn chế trong hiệu quả hoạt động của công tác này. Do đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hoạt động của cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Thẩm tra Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đồng tình với quy định giao các thẩm quyền trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại cho lực lượng Hải quan là cần thiết, tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Nhưng ông Lý chỉ ra, một số quy định trong Dự thảo Luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Hải quan còn chưa thống nhất về cách thức thể hiện, dễ dẫn đến cách hiểu là có sự chồng chéo, mâu thuẫn.
Chẳng hạn như Khoản 1 Điều 93 Dự thảo Luật về các chức danh có thẩm quyền tạm giữ người, áp giải người vi phạm với Điểm e Khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cũng quy định về người có thẩm quyền trong trường hợp này.