87% trẻ vị thành niên gặp những điều không mong muốn trên mạng
Tối 15/10, sau khi chơi ở quán internet, gần 9 giờ tối Trần Thị L (16 tuổi) nhờ đối tượng Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1987) là bạn quen trên Zalo đến quán chở về nhà. Trên đường về, Nghĩa rủ L. qua công viên chơi rồi dùng dao khống chế định cưỡng hiếp và cướp tài sản. Tuy nhiên, L đã kịp thời bỏ chạy và tố cáo với công an. Cơ quan công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã bắt Nguyễn Hữu Nghĩa.
Trước đó, tháng 6/2014 em V.T.H (12 tuổi) quen với Nguyễn Văn Tưởng qua facebook. Sau khi nhận được những lời rủ rê qua điện thoại của Tưởng, em H. đã bỏ nhà đi. Trong lúc công an vào cuộc điều tra, ngày 9/6 em H. tự động trở về nhà và được gia đình đưa đến công an để làm rõ. Từ lời khai của em H., Công an quận 9, TP HCM đã bắt giữ Tưởng. Vào thời điểm Tưởng quan hệ với em H., em chưa đủ 13 tuổi nên hành vi của Tưởng đã cấu thành tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Năm 2014, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tiến hành một nghiên cứu trên hơn 400 trẻ chưa thành niên. Kết quả cho thấy có tới 74% trẻ em sử dụng internet hàng ngày, thời gian truy cập ít nhất là 30 phút và dài nhất lên tới 2-3 tiếng/lần. Có tới 87% trong số được khảo sát cho biết đã gặp những điều không mong muốn trên mạng. 14% trẻ vị thành niên ở thành phố và 20% trẻ vị thành niên ở nông thôn cho biết đã từng có người sử dụng internet, điện thoại để bắt nạt, đe dọa, dụ dỗ, thậm chí là gây khó khăn cho các em. Hơn 65% số trẻ vị thành niên được khảo sát nói rằng đã phải tiếp xúc với tài liệu khiêu dâm trên facebook, trang web…
Việc trẻ em bị lạm dụng, bóc lột qua mạng internet thường để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ em, thậm chí dẫn đến tự tử - nghiên cứu chỉ rõ. Tuy nhiên, nói như ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) thì các em hầu như chưa có “hành trang” gì để ứng phó với các cạm bẫy này.
“May áo giáp” pháp luật thế nào?
Hiện nay, theo Bộ Công an, các loại hình tội phạm công nghệ cao ngày càng đa dạng về phương thức và thủ đoạn. Nhiều kẻ đã thực hiện xâm hại trẻ em qua mạng như phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng mạng internet để làm quen và xâm hại trẻ em…
Một số vụ án mà trong đó đối tượng đã lợi dụng mạng internet để thành lập những trang web đen, diễn đàn dành cho trẻ em mà trong đó nội dung khiêu dâm lên đến trên 3000 bức ảnh, 253 phim khiêu dâm trẻ em nước ngoài trong độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi. Diễn đàn lên tới hơn 1.500 thành viên và thành viên chủ yếu là học sinh cấp 1, cấp 2. Trước thực trạng như vậy thì một chiếc “ áo giáp” pháp luật để bảo vệ trẻ em là rất cần thiết.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF, Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em Bộ LĐ,TB&XH đã xây dựng “Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” hướng tới 2 mục tiêu cơ bản là: mọi trẻ em phải được hưởng lợi ích từ sử dụng internet mà không có nguy cơ và trẻ vị thành niên là nạn nhân của các hình thức xâm hại trong môi trường mạng phải được phát hiện và hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia.
Đề án sẽ được triển khai trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại một số địa bàn trọng điểm có trẻ vị thành niên sử dụng internet cao, hoặc những khu vực khó khăn như nông thôn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, để tăng tính hiệu quả của Đề án, cần hoàn thiện khung luật pháp, chính sách; phát triển các dịch vụ phát hiện, phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Đồng thời, các đơn vị thí điểm mô hình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như truyền thông trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Trong Luật Trẻ em vừa được Quốc hội cho ý kiến đã cập nhật những nội dung bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng như: Nhà nước bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; xử lý khi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành các văn bản để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong môi trường mạng – ông Đặng Hoa Nam cho biết.