Cải tạo chợ dân sinh tại Hà Nội: Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội về định hướng đầu tư công và một số nội dung về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu, trong giai đoạn tới, cụ thể đến 2021, phải giải quyết được việc cải tạo, đầu tư 50% các chợ trên địa bàn.

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn TP hiện có 455 chợ đang hoạt động, với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm khoảng 60% lưu lượng hàng hóa trên địa bàn, góp phần tích cực phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, hệ thống chợ của Hà Nội do nhiều yếu tố tác động, dẫn đến xuống cấp, thậm chí nhiều chợ lụp xụp, cảnh quan nhếch nhác, quá tải, rất khó bảo đảm được các yêu cầu về an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại.

Khảo sát tại một số chợ như: Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Thành Công (quận Ba Đình),… hay các chợ dân sinh trên phố Trại Găng, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng)… cho thấy, hầu hết cơ sở vật chất đều bị xuống cấp, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… Hàng hóa bày la liệt ra vỉa hè, thậm chí cả xuống lòng đường, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ách tắc giao thông… Bên cạnh đó còn có tình trạng chợ tạm, chợ “cóc” tồn tại, ảnh hưởng đến diện mạo và trật tự đô thị.

Ở một số chợ chưa có điều kiện cải tạo, các quầy kinh doanh thịt bày bán trên bàn gỗ không bảo đảm vệ sinh thực phẩm; nền chợ tại khu kinh doanh gia cầm, thủy hải sản tươi sống ẩm thấp, thường xuyên đọng nước…

Điển hình tại chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), mặc dù quầy hàng bán thịt tươi sống được ốp bằng vật liệu inox, nhưng dưới nền chợ nước đọng thành vũng do thiếu hệ thống thoát nước, dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể thấy thời gian qua, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chợ trên địa bàn, chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng tại nhiều quận, huyện chưa kịp thời làm nảy sinh nhiều bất cập.

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra. Nhưng, do nhiều khó khăn, nhất là về vốn, DN không mặn mà đầu tư, tiểu thương không chấp nhận giá thuê mặt bằng cao... là lý do khiến chợ dân sinh vẫn chưa được cải tạo.

Trả lời báo chí, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, do ngân sách địa phương có hạn, DN thờ ơ vì quy mô dự án nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, đặc biệt, trong quá trình triển khai thường gặp phản ứng không đồng thuận của tiểu thương.

Đối với các chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, trong quá trình kinh doanh, khai thác chợ với mục tiêu bảo đảm dân sinh, các đơn vị gặp khó khăn trong việc tăng giá sử dụng diện tích bán hàng để bảo đảm các chi phí, đặc biệt là mức giá thuê đất cao, dẫn đến phải bù lỗ và nợ tiền thuê đất…

Từ mô hình cải tạo chợ Long Biên, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên (quận Ba Đình) Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Trước mắt có thể cải tạo từng phần để bảo đảm phòng, chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, UBND TP đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã ban hành.

Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các ý tưởng đầu tư chợ có thể được hiện thực hóa. Đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý trực thuộc TP lập các kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, kêu gọi đầu tư mới về phát triển chợ, giải tỏa các chợ không phù hợp với quy hoạch… phát triển hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại hơn.

Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ cũng như nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn từng địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã… sẽ lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ cho từng giai đoạn 5 năm và hằng năm đối với tất cả các hạng chợ để trình cấp có thẩm quyền Hà Nội quyết định hoặc quyết định theo chức năng, thẩm quyền được phân cấp. 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.