Nhiều thách thức
Có thể nói trong năm 2016 Hà Nội hiện đã tạo được nhiều bước chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử, qua đó giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đã có thể thực hiện trên nền tảng mạng. Bởi, theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội có được hệ thống như vậy là nhờ thành phố đã mạnh dạn bỏ toàn bộ hệ thống phần mềm, sever cũ để xây dựng hệ thống mới theo hướng thuê dịch vụ của các tập đoàn viễn thông, thuê viết phần mềm phù hợp; chú ý làm tốt công tác bảo mật ngay từ đầu, tạo hệ thống dữ liệu dân cư (DLDC) hoàn chỉnh, kết nối thông từ thành phố đến phường xã…
Tuy nhiên, để đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước nghĩa là phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp cũng như tăng cường an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng. Còn hiện nay việc ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số đơn vị, cán bộ công chức về việc triển khai ứng dụng CNTT chưa cao, nhân lực CNTT của các sở, ngành, quận, huyện còn thiếu và yếu.
Về kỹ thuật việc tích hợp, trao đổi thông tin giữa hệ thống dịch vụ công (DVC) trực tuyến của TP với các Bộ, ngành (như Bộ Tư pháp) vẫn đang trong quá trình thực hiện, do vậy đòi hỏi người dùng cùng lúc phải sử dụng song song hai phần mềm.. Bên cạnh đó, việc triển khai một số DVC trực tuyến mức độ 3 gặp nhiều khó khăn do lượng hồ sơ công dân phải nộp lớn và nhiều tài liệu quá khổ, quá tải. Tiến độ xây dựng một số ứng dụng dùng chung như một cửa điện tử liên thông 3 cấp, quản lí điều hành tác nghiệp kết nối văn phòng điện tử còn chậm; việc sử dụng máy tính bảng phục vụ công tác điều hành tác nghiệp của một số cán bộ lãnh đạo chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng sử dụng văn bản giấy tại các cuộc họp. Một thách thức nữa đó là mật độ dân cư cao và tỷ lệ đô thị hóa ở Hà Nội đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và phân bố dân cư không đồng đều giữa nội/ngoại thành.
Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho việc cải cách hành chính, nhìn nhận: “Hiện nhiều TTHC, quy trình thực hiện còn rườm rà, phức tạp. Một số bộ, ngành khi triển khai các ứng dụng CNTT cho địa phương không có kế hoạch và thông báo trước nên nhiều nội dung trùng lặp với kế hoạch triển khai của thành phố. Việc tích hợp các ứng dụng của Bộ ngành với các hệ thống sẵn có của thành phố chưa tương thích, dẫn kết việc kết nối trao đổi thông tin liên thông gặp khó khăn”.
Ở tầm bao quát, ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra thêm: “Một số văn bản quy phạm pháp luật cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước còn thiếu hoặc chưa cập nhật phù hợp với thực tiễn, tiêu biểu như quy định về quy trình, thủ tục trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, lưu trữ hồ sơ điện tử, sử dụng chữ ký số trong văn bản điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu, cơ chế quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước...”
Cần nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ
Song song với việc xây dựng chính quyền điện tử là việc cải cách các thủ tục hành chính với mục tiêu: lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ. Trong đó, phải bảo đảm sự hài lòng của người dân, thủ tục hành chính nhanh chóng, giá dịch vụ thấp nhất và thái độ phục vụ tốt. Hiện nay, theo ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nội đang đi đúng hướng và phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. Và ông cũng khẳng định, đây là việc làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần được cải thiện như: môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn…
Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn và thách thức đã nói trên thì thành phố cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện cần phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát lại các TTHC đang thực hiện ở đơn vị mình, thống kê các thủ tục có thể chuyển sang được mức 3, 4 chuyển cho đối tác để đưa lên môi trường mạng. Việc giải quyết các DVC liên quan đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp cần phải đưa lên mạng càng nhiều càng tốt thể hiện quyết tâm đáp ứng nhu cầu của người dân. Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức thí điểm dịch vụ tra cứu thông tin của người dân có thu phí liên quan đến các lĩnh vực: công chứng, ngân hàng…
Đối với Sở KH&ĐT cần số hóa các dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn; Sở Thông tin và Truyền thông thí điểm việc lắp đặt thiết bị thanh toán cho các nhà hàng.., đồng thời phối hợp với đối tác và các quận, huyện tổ chức tiến hành thí điểm cho người dân đặt trước giờ đến làm thủ tục hành chính qua mạng, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng toàn TP. Ngoài ra, một trong những giải pháp khá quan trọng, là các cấp chính quyền cần nhận được sự ủng hộ của người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi tại không ít bộ phận một cửa của cấp phường, xã, rất nhiều người đến làm các TTHC là người lớn tuổi, ngại sử dụng CNTT, thích sử dụng cách truyền thống là viết tay. Bởi vậy, phải tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen cũ, tạo ra những “công dân điện tử”.