“Nóng” tuyến vùng biên
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt là tuyến buôn lậu “nóng” nhất. 13 địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu diễn biến rất phức tạp gồm: Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, An Giang.
Hàng hóa vi phạm được thống kê chủ yếu là ma túy, pháo nổ, đồ chơi bạo lực, rượu ngoại, bia, thuốc lá ngoại, đường kính, nước giải khát, đồ điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, xe đạp điện, lâm sản, động vật hoang dã...
Thủ đoạn buôn lậu thì “thiên biến, vạn hóa“. Tại tuyến biên giới phía Bắc, các đối tượng buôn lậu chia nhỏ hàng hóa, thuê cửu vạn đeo vác qua đường mòn, lối mở, dùng thuyền đò vận chuyển qua sông biên giới hay cất giấu, trà trộn hàng lậu trong người, hành lý cá nhân khi xuất nhập cảnh, cải tạo thêm hầm hàng, vách ngăn xe ô tô, hoán cải xe máy để chuyên chở hàng lậu. Thậm chí, sử dụng hóa đơn, chứng từ thu gom hàng cư dân biên giới, vận chuyển nội địa để đối phó với lực lượng chức năng kiểm tra trên đường vận chuyển.
Tuyến biên giới Tây Nam, hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra rất nghiêm trọng khi hình thành hẳn các tụ điểm, đường dây chuyên vận chuyển tiêu thụ thuốc lá lậu với số lượng rất lớn. Trong những ngày áp Tết Nguyên đán, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng ra quân và đã bắt giữ được nhiều vụ “khủng”.
Ngày 3/1/2015, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt 62 nghìn bao thuốc lá tại Củ Chi; ngày 8/1/2015, C46, Bộ Công an và tổ công tác Ban Chỉ đạo 389 quốc gia bắt giữ 52 ngàn bao thuốc lá tại Long An. Đáng nói, cả 2 vụ đều bắt giữ được đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây buôn lậu với thời gian dài.
Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, những tháng áp Tết Nguyên đán, đối phó với sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lâu liên tục thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, tổ chức vận chuyển hàng lậu qua các vùng xa xôi, hẻo lánh trước đây không phải là địa bàn trọng điểm; tập trung lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới.
Chống buôn lậu qua vùng biên |
Thống kê cho thấy, năm 2014, các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ xử lý trên 206 nghìn vụ việc vi phạm (tăng 12,11% so với năm 2013); thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt trên 13 nghìn tỷ đồng (tăng 27,1% so với năm 2013); khởi tố 2.081 vụ án hình sự với 2.275 đối tượng.
Tuy vậy, con số được cơ quan chức năng thống kê cho thấy các vụ đã khởi tố chủ yếu chỉ liên quan đến ma túy, hàng cấm. Trong khi đó, các vụ liên quan tới buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế... rất ít vụ bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sở dĩ số vụ xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số vụ việc vi phạm các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nói trên là do việc thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm rất khó khăn.
Ngoài ra, công tác phối hợp xác minh, điều tra sâu giữa các cơ quan chức năng còn thiếu đồng bộ, chưa có sự kết nối tốt dẫn đến nguy cơ có thể bỏ lọt tội phạm. Điển hình như vụ 08 tấn bao bì giả bắt giữ tại Hà Nội, vụ bắt giữ 4 xe chở 100 tấn hàng tại Lạng Sơn.
Cơ chế chính sách bất cập cũng là nguyên nhân làm cho bộ máy chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa phát huy hết hiệu suất, thậm chí còn kích thích hoạt động buôn lậu. Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, quản lý thuế, chính sách ưu đãi về đầu tư, chính sách cư dân biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, tạm nhập tái xuất khẩu... còn nhiều sơ hở, bất cập dễ bị các đối tượng lợi dụng vi phạm; nhiều văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp về: thẩm quyền xử lý, chế tài xử phạt, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ.