Càng chống càng…tăng
Thống kê của Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy từ đầu năm 2014 tới nay hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn biến hết sức phức tạp. “Nếu như trước đây thuốc lá lậu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Tây thì hiện nay đã xuất hiện thêm và lan tràn ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc trên phạm vi toàn quốc (ở đâu cũng có thể mua được thuốc lá lậu)”, ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam cho biết.
Không chỉ tràn lan ở nhiều tỉnh thành mới, chủng loại thuốc lá lậu cũng có sự gia tăng đáng báo động. Ghi nhận của phóng viên PLVN tại các tỉnh phía Nam và miền Tây Nam Bộ cho thấy hai nhãn thuốc lá lậu JET và HERO (giá 14.000 đồng/bao) không còn thống lĩnh thị trường thuốc lá lậu mà đã xuất hiện thêm nhiều loại thuốc lá lậu mới với giá rẻ bèo như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng -4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000 đồng/bao), Golden Deer (9.000 đồng/bao), Pin, Jun, Oris (9.500 đồng/bao)...
Lực lượng quản lý thị trường xác nhận, qua công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát thuốc lá lậu, lực lượng này đã phát hiện thị trường cả nước xuất hiện trên 100 loại thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.
Tiêu hủy thuốc lá lậu - ảnh Cao Tâm |
Theo phân tích của lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc lá lậu tăng đột biến, mất kiểm soát như hiện nay là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt; buôn lậu thuốc lá đem lại “lợi nhuận” lớn so với các mặt hàng khác; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ; các chế tài xử lý chưa mang tính răn đe; công tác thông tin, tuyên truyền chưa tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân.
Nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận nhân dân đối với thuốc lá điếu nhập lậu (chủ yếu thuốc lá Jet, Hero) còn cao do phù hợp về giá và thị hiếu. Sản xuất thuốc lá trong nước chưa có loại thuốc lá nào thay thế để làm thay đổi thị hiếu người tiêu dùng. Lợi nhuận do buôn lậu thuốc lá mang lại rất lớn. Đối tượng là đầu nậu, người vận chuyển, người buôn bán được tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn rất tinh vi, hình thành các đường dây từ vận chuyển qua biên giới vào trong nội địa; cất giấu, giao hàng cho người bán trong nội địa được điều hành rất bàn bản; dùng lợi ích kinh tế để thu hút và gắn chặt họ vào đường dây buôn bán vận chuyển. Mặt khác, người vận chuyển thuê cũng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập nên tham gia vận chuyển thuê để có thu nhập sinh sống.
“Tuy nhiên theo chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến việc càng chống, càng tăng như hiện nay do chế tài xử lý đối với các đối tượng buôn bán mặt hàng này còn quá nhẹ. Theo thông 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 7/12/2012, các đối tượng vận chuyển từ 1.500 bao thuốc lá trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, các đối tượng thường lách luật bằng cách chia nhỏ để vận chuyển, thậm chí, nhiều đối tượng vận chuyển đến 1.499 bao nhưng cũng không thể truy cứu hình sự khi bắt giữ”, ông Vũ Văn Cường khẳng định.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động chống buôn lậu thuốc lá, thậm chí khiến dư luận có cảm nhận “càng chống thì càng nóng”… |
Hành lang pháp lý có “kẽ hở”, công tác phối hợp giữa các lực lượng chống buôn lậu được quy định tại nhiều văn bản nhưng thực tế quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn hiện tượng chồng chéo hoặc bỏ trống tạo nên tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, việc dễ thì làm, việc khó thì bỏ, coi đó không phải trách nhiệm của mình. Mặt khác, lực lượng chống buôn lậu cũng “khó trăm bề” vì trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiệp vụ vừa thiếu, vừa cũ, đã hư hỏng nhiều, không đáp ứng được yêu cầu công tác; biên chế của các lực lượng chức năng mỏng, địa bàn quản lý rộng. Điều này đã tạo ra nhiều điểm yếu để các đối tượng khai thác.
Việc thanh toán chi phí hỗ trợ lực lượng chống buôn lậu thuốc lá theo chế độ tài chính hiện hành còn rất chậm. Trong khi đó kinh phí chi cho các hoạt động bắt giữ và tiêu huỷ thuốc lá còn thấp, chưa thực sự động viên, khích lệ được các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt với tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả. Bên cạnh đó, chi phí mua tin thấp dẫn đến không khuyến khích được người có thông tin báo tin cho các lực lượng chống buôn lậu.
Kỳ vọng “cú đấm thép” từ chỉ thị của Thủ tướng
Trước tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.... gây thất thu ngân sách, thiệt hại cho sản xuất thuốc lá trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ngày 30/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 30 tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cư dân khu vực biên giới không tiếp tay, vận chuyển, mua bán thuốc lá nhập lậu; có biện pháp quản lý các đối tượng thường xuyên qua lại khu vực biên giới tham gia vận chuyển thuốc lá nhập lậu; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Biển tăng cường tuần tra để phát hiện, bắt giữ các cá nhân, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên biển; đặc biệt là những vùng biển trọng điểm; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, Cơ quan điều tra tăng cường công tác điều tra, trinh sát nắm tình hình, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán thuốc lá nhập lậu để khởi tố, truy tố trước pháp luật; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với chính quyền các cấp có biện pháp tuyên truyền giáo dục, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các đối tượng thường xuyên tham gia buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu.
Vận chuyển thuốc lá lậu công khai trên QL 91 từ Châu Đốc về Long Xuyên - ảnh Cao Tâm |
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá nhập lậu để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp với lực lượng Công an rà soát, kiểm tra các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu. Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 07 tháng 12 năm 2012 theo hướng quy định giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự
“Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ra đời sẽ chỉ đạo đồng bộ và sử dụng sức mạnh tổng hợp của các các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quyết liệt cùng thời điểm, nhằm ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Sau khi Chỉ thị được ban hành với sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của Bộ, ngành, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong công tác chống buôn lậu thuốc lá thì trong thời gian tới sẽ từng bước ngăn chặn và tiến tới giải quyết có hiệu quả tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đỗ Thắng Hải nhận định.
Hy vọng, với chỉ thị 30 và sự “dồn sức” của các lực lượng, ban ngành, công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu sẽ có thêm “quả đấm thép” thực sự hữu hiệu để đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá đang hoành hành.