Lực lượng 127 toàn quốc đã xử lý 40 vụ hình sự với 48 đối tượng, triệt phá một số đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, thuốc lá giả với quy mô lớn. Song thực tế cho thấy việc xử lý hình sự hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu dù chế tài mạnh song chưa được áp dụng mạnh mẽ, hiệu quả trong thực tế và còn có nhiều bất cập cần sớm được sửa đổi...
Đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu bị bắt tại An Giang |
Vi phạm nhiều- xử lý chẳng bao nhiêu
Thống kê mới đây của ban chỉ đạo 127 TW cho thấy buôn lậu thuốc lá điếu trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi và đa dạng hơn.
Hoạt động buôn lậu thuốc lá ngoại tập trung ở các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia như Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, tập trung mạnh ở khu vực Phước Lưu, Phước Chỉ, Bình Thạnh (Tràng Bảng – Tây Ninh), Rạch Tràm giáp ranh giữa Tây Ninh – Long An với huyện Đức Hoà, Đức Huệ (Long An).
Trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Trị, mặc dù lượng thuốc lá nhập lậu từ Lào qua biên giới đường sông Sêpôn tính chất và quy mô không lớn như những năm trước đây nhưng phương thức hoạt động, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chống buôn lậu.
Trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa bàn vùng biển Trà Cổ tỉnh Quảng Ninh sử dụng xuồng cao tốc vận chuyển thuốc lá ngoại đã tạm nhập tái xuất qua Việt Nam vào Trung Quốc rồi quay ngược đưa về khu vực Trà Cổ, xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, tập kết tại bãi biển, trong nhà dân, sau đó xé lẻ, sử dụng các loại phương tiện để vận chuyển sâu vào nội địa.
Trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu thuốc lá ngoại cũng diễn ra nóng bỏng ở vùng biển Đông Bắc từ Trung Quốc qua Quảng Ninh, Hải Phòng về Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng; vùng biển TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang.
Trong thị trường nội địa, thuốc lá ngoại nhập lậu tuy không còn được bày bán công khai như trước đây nhưng vẫn được các đối tượng kinh doanh nhà hàng, khách sạn... bán lén lút với số lượng không ít. Thủ đoạn chủ yếu là cất giấu thuốc lá ngoại nhập lậu tại nơi ở hoặc gửi ở nhà bên cạnh để bán cho khách, khi bị kiểm tra thì ném thuốc lá ra khỏi nơi kinh doanh và không thừa nhận là chủ hàng.
Buôn lậu thuốc lá nóng bỏng “trên từng cây số” song thực tế việc bắt giữ, xử lý lại không được bao nhiêu. Thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 2 năm 2009-2010, các lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ, xử lý 25.637 vụ vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu, thuốc lá giả, thu giữ trên 18,2 triệu bao thuốc lá lậu trong đó đã tiêu huỷ trên 15,4 triệu bao.
Số đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự đếm được trên đầu ngón tay ( đơn cử : trong năm 2009, các lực lượng chức năng trong cả nước chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự được 8 vụ).
Việc xử lý hình sự hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu theo Nghị định 76/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2010 được kỳ vọng sẽ “làm thay đổi tình hình” trên song sau 1 năm thực hiện Nghị định này các lực lượng chức năng mới chỉ xử lý được 40 vụ hình sự với 48 đối tượng.
Để không “ném đá ao bèo”
Hiệp hội thuốc lá Việt Nam dự báo: do nhu cầu của thị trường không giảm và có chênh lệch giá giữa thuốc lá nhập lậu và thuốc lá trong nước, lợi nhuận mang lại lớn do đó hoạt động buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất, buôn bán thuốc lá giả tiếp tục có xu hướng gia tăng với những thủ đoạn tinh vi và diễn biến phức tạp.
Thuốc lá lậu được cất giấu tinh vi nhằm che mắt lực lượng chức năng |
Để công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả đạt hiệu quả cao Ban Chỉ đạo 127 và Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã có báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn trong công tác này. Đặc biệt là việc xử lý hình sự hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu và việc hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và sản xuất, buôn bán thuốc lá giả theo thông tư 75/TT-BTC.
Ông Nguyễn Thái Sinh- Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã hỗ trợ 14,210 tỷ đồng cho các lực lượng chức năng tại 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tương ứng với số lượng tiêu huỷ là trên 15,4 triệu bao; năm 2009, hỗ trợ gần 7,9 tỷ đồng; năm 2010, hỗ trợ gần 6,4 tỷ đồng.
Song thực tế việc thanh toán kinh phí vụ việc theo chế độ tài chính hiện hành còn rất chậm. Kinh phí chi cho các hoạt động bắt giữ và tiêu huỷ thuốc lá còn thấp, chưa thực sự động viên, khích lệ được các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt với tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả. Chi phí mua tin cũng thấp dẫn đến người cung cấp thông tin không nhiệt tình báo tin cho các lực lượng chống buôn lậu.
Bên cạnh đó,một số địa phương có tình trạng cơ quan Tài chính coi nguồn kinh phí hỗ trợ của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam là nguồn kinh phí chính cho công tác kiểm tra, bắt giữ thuốc lá lậu (trong khi nguồn kinh phí này là nguồn hỗ trợ thêm) vì vậy không hoặc chưa sử dụng nguồn kinh phí theo quy định dẫn tới tình trạng công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá vốn đã khó khăn do nguy hiểm và thiếu thốn kinh phí lại càng khó khăn hơn vì mức hỗ trợ không thể bù, thay thế các chi phí theo quy định chế độ tài chính của Nhà nước.
Ban chỉ đạo 127 TW cũng cho biết thêm, Nghị định 76//2010/NĐ-CP có hiệu lực với hình thức xử phạt nặng đã khiến cho các đối tượng không dám vận chuyển, tàng trữ, buôn bán với số lượng lớn như trước đây nhưng mức độ chống đối ngày càng quyết liệt và manh động hơn.
Sau 01 năm thực hiện, Nghị định 76 cũng bộc lộ nhiều bất cập khi áp dụng. Có hiện tượng cùng một vi phạm, ở hai tỉnh, mức độ xử lý khác nhau: nơi xử lý hình sự, nơi chỉ xử phạt hành chính.
Thực tế này đòi hòi cần phải sớm sửa đổi Nghị định này cho phù hợp với thực tiễn và tạo ra những “xung lực” mới ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu thuốc lá trên toàn quốc.
Thanh Lương