Đừng thấy người “buông” mình cũng “buông”!
Chị Nguyễn Thị Kim Thi, ngụ quận 10, TP.HCM từ hơn 1 năm nay đã bắt đầu áp dụng dạy con theo kiểu “tự quản”. Bạn bè hay người nhà có thắc mắc, chị đều bảo đó là cách dạy chị học được từ bà chị đang ở nước ngoài, dạy cách ấy nên con rất tự lập, rất ngoan mà cha mẹ lại không phải cực khổ. Con chị học lớp 7 đã được tự cùng bạn bè đi học, cha mẹ không phải chở đi.
Việc đi học kèm bên ngoài, cháu cũng tự tổ chức lớp với bạn bè, tự đóng tiền, cha mẹ không phải liên hệ, xin phép và đóng tiền. Các cuộc dã ngoại, chị cũng để con tự tham gia mà không cần cha mẹ kèm cặp theo. Chị cũng không quản con về bài vở trên lớp, chỉ nhắc nhở con tự giác học hành.
Chị Thi rất tâm đắc với cách dạy con như thế, nó giúp chị bớt gánh nặng theo sát con, mà con có vẻ cũng thoải mái, dễ chịu hơn nhiều. Thế nhưng, đến cuối năm học, chị rất bất ngờ khi thấy điểm số của con mình tụt dốc hơn năm ngoái. Liên hệ cô chủ nhiệm, chị tá hoả khi biết con mình nhiều lần không hoàn thành bài tập về nhà, có những hôm còn trốn học và nhờ anh chị họ đến xin phép giùm.
Không chỉ thế, khi liên hệ với thầy cô các lớp dạy kèm bên ngoài, chị phát hiện con cùng các bạn hay bỏ học kèm, học tuỳ hứng và số tiền con xin để đóng học hàng tháng cao hơn so với tiền thực tế. Nghe đâu, con chị đã có bạn gái dù mới học cấp 2…
Thực tế, ngày nay có không ít bậc cha mẹ như chị Thi, đánh đồng giữa kiểu giáo dục để con tự lập, tự phát triển với việc “khoán trắng” tất cả cho con. Các bậc cha mẹ này thường lấy lối giáo dục tự lập của phương Tây làm hệ soi chiếu, đồng thời tin rằng đó là cách đặt niềm tin nơi con, giúp con phát triển và tự lập.
Thế nhưng, rốt cục kết quả đều không như ý họ, con cái đề phát triển lệch hướng, đem lại tác dụng ngược, có trẻ còn suýt hư hỏng, sa chân vào tệ nạn. Vậy, cái sai của các bậc cha mẹ này nằm ở đâu, phải chăng “buông để con phát triển” là một cách giáo dục không tốt?
“Buông” trong vòng cương toả
Thực ra, điều quan trọng nằm ở vấn đề các bậc cha mẹ “buông” con như thế nào. Nếu học tập hoàn toàn các phụ huynh Âu Mỹ để áp dụng dạy trẻ trong môi trường Việt Nam, thì chuyện phản tác dụng là dễ xảy ra. Đơn giản vì trẻ em các nước Âu Mỹ từ bé đã được dạy dỗ cách sống tự lập, tự suy nghĩ và chịu trách nhiệm với mọi hành động mình làm.
Trẻ em các nước này, đa phần đã hình thành tư duy độc lập từ rất sớm, dưới sự giáo dục của nhà trường, gia đình và quy chuẩn xã hội, sớm nhận biết được các giới hạn, cái gì nên và không nên. Cho nên, việc “buông” con của các bậc cha mẹ Âu Mỹ là có lý do, và đó là tư duy dạy con của cả một xã hội.
Đối với trẻ Việt Nam, hiện chưa có sự đồng nhất trong giáo dục trẻ từ gia đình cho đến nhà trường và xã hội, thì “buông” cho trẻ tự do không khác gì thả trẻ vào một môi trường quá lớn, trẻ không biết bơi thế nào, thì mất phương hướng và dễ sa chân vào cám dỗ là chuyện đương nhiên.
Theo chuyên viên tâm lý Lê Huỳnh Tuấn, thì “buông” con, dạy con tự lập, phát triển bằng nỗ lực tự than là một xu hướng giáo dục đúng đắn, thời đại càng phát triển, càng quốc tế hoá người ta càng nên hướng đến cách giáo dục này.
Tuy nhiên, việc áp dụng một cách rập khuôn rất dễ gây hậu quả không hay cho trẻ. Cách giáo dục nào cũng phải được áp dụng một cách đồng nhất từ khi trẻ còn nhỏ, chứ không thể “đùng một cái”, trẻ đang ở tuổi dậy thì lỡ cỡ, nói buông là buông.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần cân nhắc xem con mình có tính cách thế nào để “buông” hay “nắn” cho phù hợp. Cho dù gì đi nữa, thì nên hiểu rằng, sự “buông” ấy phải luôn luôn nằm trong vòng cương toả kiểm soát của cha mẹ.
Có nhiều bậc cha mẹ rất hay, có vẻ như buông con, cho con tự do, thoải mái, trên thực tế đó là cả một quá trình giáo dục cho con nền tảng vững chãi rồi mới “buông”, và trong khi “buông” thực ra cũng luôn để mắt, cập nhật tình hình con một cách sâu sát thông qua nhiều nguồn “tin riêng” khác nhau để còn kịp thời uốn nắn khi con đi lạc hướng.
Trên hết, mục tiêu của cách giáo dục “buông con”, thực ra không phải chỉ để con được thoải mái, cha mẹ rảnh tay, mà chính là để giáo dục con trẻ thành một người có ý thức tốt, biết tự lập, biết tự giải quyết những vấn đề trong tầm tay và trở thành một người vững chãi, có trách nhiệm trong tương lai.