Đó là thời điểm nước lụt dâng cao trong lịch sử. Cùng với toàn thành phố Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai cũng ngập tràn trong nước. Khoa Truyền nhiễm lúc đó được bệnh viện bố trí tạm thời tại tầng 1 của khu nhà hành chính cũ.
Nước ngập mấp mé nền nhà, trong phòng ướt át, bước chân xuống sân thì ngập đến đầu gối. Thời đó, kíp trực của khoa chỉ có 1 bác sĩ, chưa có bác sĩ chuyên khoa thực tập. Đêm hôm đó, tôi là bác sĩ trực chính cùng với 2 điều dưỡng phòng cấp cứu là Thoa, Thảo và một sinh viên.
Phòng Cấp cứu được ngăn thành ba phòng nhỏ bằng tấm nhôm kính, ngoài cùng là phòng nhân viên, giữa là phòng bệnh nhân và trong cùng là kho chứa đồ, bình oxy, dụng cụ trang thiết bị y tế và đặc biệt là hộp điện chôn sâu dưới nền nhà.
Trời về đêm vẫn mưa tầm tã, nước vẫn tiếp tục dâng cao, kíp trực vẫn mải miết với công việc. Khoảng 1- 2 giờ sáng, bỗng có tiếng nổ lớn phát ra trong buồng chứa đồ, toàn bộ hệ thống điện tắt. Rồi những tia lửa lóe lên và khói đen xì ra từ buồng chứa đồ khét lẹt, lan rộng dần làm cho phòng bệnh nhân trở lên ngạt thở. Tất cả máy thở, máy truyền dịch, bơm tiêm điện... ngừng hoạt động.
BS Hoa người đứng ngoài cùng bên phải, thăm khám khám bệnh nhân cùng PGS. Trịnh Thị Ngọc (giữa) tại phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm - nơi xảy ra chập cháy nổ khi mưa lụt tháng 10/2008 |
Tiếng la hét hoảng loạn của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vì ngỡ cái chết đang cận kề. Thậm chí có một số người nhà bệnh nhân đã bỏ chạy. Lúc đó, với bản năng của con người, tôi cũng đã vội chạy ra ngoài.
Nhưng được vài bước tôi bỗng đứng khựng lại vì chợt nghĩ tôi đang làm nhiệm vụ trực, tôi lại là bác sĩ có trách nhiệm cao nhất trong kíp trực. Nếu tôi chạy thì các điều dưỡng cũng chạy hoặc họ sẽ rất khó khăn, và có thể các bệnh nhân sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Thế rồi tôi đã quay trở lại và nghĩ nếu có tình huống gì xấu xảy ra tôi cũng phải ở lại chết cùng bệnh nhân. Tôi lấy điện thoại ra soi danh bạ để gọi cho tổ điện nhưng không liên lạc được. Tôi gọi cho khoa Cấp cứu xin hỗ trợ chuẩn bị ngay một số giường cho bệnh nhân nặng thở máy. Có lẽ, nghe giọng nói của tôi hốt hoảng, gấp gáp quá nên không biết ai ở đầu dây bên kia đã động viên tôi bình tĩnh và cứ chuyển bệnh nhân sang ngay.
Hôm đó có bác sĩ Cường, bác sĩ nội trú mới ra trường và làm việc tại khoa, vì có việc riêng nên đã ở lại cùng giúp sức. Trong phòng tối, ngạt hơi khói, tôi và bác sĩ Cương dùng điện thoại soi từng bệnh nhân để phân loại.
Chúng tôi vừa lội nước vừa chuyển bệnh nhân, người bóp bóng, người che mưa cho bệnh nhân. Cũng rất may là điều dưỡng Thảo có số điện thoại cá nhân nên đã gọi cho anh Duy bảo vệ và vài phút sau các anh em phòng bảo vệ đã vào hỗ trợ cùng chúng tôi chuyển bệnh nhân. Các anh rất dũng cảm lao vào phòng chứa đồ, ngắt cầu dao điện, khuân máy móc và bình oxy ra ngoài.
Và một người quan trọng nữa mà tôi gọi điện là PGS Trịnh Thị Ngọc lúc đó là phụ trách khoa của tôi. Tôi còn nhớ tôi nói như khóc "Chị ơi, khoa mình chập điện cháy hết rồi, bệnh nhân uốn ván lên cơn co giật, máy thở thì tê liệt, bình oxy ngay cạnh chỗ điện cháy không biết có nổ không".
Tôi không ngờ khoảng 20 phút sau chị Ngọc đã đến, chồng đã chở chị đi trong đêm mưa ngập lụt. Tôi mừng rơi nước mắt vì có thêm lãnh đạo khoa đến để hỗ trợ. May sao, điều tồi tệ nhất mà tôi nghĩ đến đã không xảy ra.
Bệnh nhân đã được chuyển đi kịp thời, máy móc đã được chuyển ra ngoài tuy có cháy hỏng một số nhưng tính mạng của nhân viên, sinh viên trực cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được bảo toàn.