Nỗi uất ức nguồn sống bị phá hoại
Ông Sơn và anh Bùi Đình Chi (39 tuổi, bị hại trong vụ án trên) là hàng xóm gần 20 năm nay. Tuy nhiên họ thường xuyên to tiếng với nhau, mâu thuẫn cũng chỉ bắt nguồn từ chuyện “nhỏ như con thỏ” như con gà nhà này sổng chuồng sang phá vườn nhà kia.
Đặc biệt từ ngày anh Chi rào chắn đoạn ngõ cụt vào nhà mình làm không gian riêng thì mâu thuẫn càng gay gắt vì ông Sơn phản đối quyết liệt. Ông bảo đường xóm thuộc lối đi chung, ai cũng có quyền đi lại.
Cách đây mấy năm, ông Sơn cho đứa cháu họ miếng đất nằm giữa ngôi nhà đang ở và nhà anh Chi. Người cháu này dựng nhà, mở lối đi khiến mâu thuẫn giữa ông Sơn và anh Chi thêm gay gắt. Phần anh Chi nhiều lần mượn rượu chửi đổng hàng xóm, rồi hai bên đấu “võ mồm”.
Đỉnh điểm xung đột, vào khoảng 14h ngày 26/8/2015, anh Chi cùng con gái quét dọn rác ở ngõ đi chung trước cổng nhà. Trong lúc quét rác, anh này cằn nhằn về việc vứt rác bừa bãi trên lối đi và cây sấu nhà ông Sơn rụng lá xuống đường. Gom đóng lá sấu, anh Chi bật lửa đốt nhưng lá tươi không cháy, anh sai con lấy rơm mồi lửa.
Lúc này đang ngủ trưa, ông Sơn thức giấc ngó ra ngoài thấy anh hàng xóm đang nhóm lửa đốt rác ngay dưới gốc cây sấu nhà mình. Sợ lửa nóng làm cây chết, chủ nhà vội cầm xẻng chạy ra dập lửa. Thế là hai bên cự cãi.
Ông Sơn nói rằng nhà hai ông bà già hàng ngày chỉ biết hái sấu ra chợ bán. Cây sấu già là “cần câu cơm” gia đình. Ông xin hàng xóm đừng đốt nữa có thể làm cây sấu chết. Nhưng anh Chi lớn tiếng thách thức: “Tao cứ đốt đấy, đất nhà tao tao đốt”.
Cãi vã mấy câu, hai hàng xóm một già một trẻ lao vào giằng co. Anh Chi đá mạnh vào chân ông Sơn. Ông Sơn cầm xẻng lên đỡ. Thua thế, anh Chi bỏ chạy lại bờ rào nhổ cây gậy đánh trả. Nhưng gậy tre bị mục, vừa chạm vai ông Sơn đã vỡ vụn. Đang lúc tức giận, ông Sơn lấy hết sức cầm xẻng vụt liên tiếp vào hàng xóm khiến anh Chi thương tích ở tay, đầu rồi gục ngã xuống đường.
Thấy vậy, ông Sơn hoảng sợ cầm xẻng chạy vào nhà cất rồi lánh mặt. Còn nạn nhân được người thân chuyển xuống bệnh viện quân y 105 ở Sơn Tây cấp cứu. Hai ngày sau khi gây án, ông Sơn đến công an đồn Tản Viên (huyện Ba Vì) đầu thú:
“Lúc đó nhà anh Chi kéo đến rất đông, tôi sợ bị đánh hội đồng phải lánh mặt. Hôm sau biết tin anh ấy nhập viện đã ra đầu thú”, ông Sơn khai. Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) sau đó có kết luận anh Chi thương tích 21%, vụ án bị khởi tố hình sự.
Xin pháp luật “giơ cao đánh khẽ”
Ngày 5/4/2016, TAND huyện Ba Vì mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt ông Sơn 24 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Đây là mức án dưới khung hình phạt mà VKS đề nghị. Ngoài ra HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại gần 40 triệu đồng.
Sau đó bị cáo có đơn kháng án xin giảm nhẹ hình phạt. Sáng ngày 23/6/2016, tòa án TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm:
Bị cáo có thừa nhận hành vi phạm tội không?
-Thưa tòa, có.
Bị cáo thấy tòa sơ thẩm xét xử có oan sai không?
-Thưa tòa, không. Nhưng kính mong tòa xem xét chi tiết anh Chi đá chân bị cáo trước dẫn đến vụ xô xát.
Nay bị cáo kháng án xin giảm nhẹ hình phạt vì lí do gì?
-Thưa tòa, bị cáo tuổi đã cao, sức khỏe yếu. Bản thân là người từng tham gia kháng chiến cứu nước, chỉ vì không kiềm chế bực tức mà vướng tù tội.
Trước vụ việc 4 tháng, bị cáo cũng bị xử phạt hành chính về hành vi đánh nhau?
-Thưa tòa đúng vậy, tháng 4/2015 bà hàng xóm nhét con lợn chết vào cống không cho nước chảy về nhà Tôi. Tôi lấy gậy ra thông cống nhưng bà ấy lại nhét con lợn vào. Trong lúc cãi nhau, sẵn cây gậy thông cống, tôi có đánh bà ấy. Lần đó UBND xã xử phạt 2 triệu đồng, ngoài ra tôi còn bồi thường hơn 10 triệu đồng tiền thuốc men.
Sau khi nghe bị cáo trình bày, đại diện VKS, các thành viên HĐXX không ai thẩm vấn gì thêm. Kiểm sát viên giữ quyền công tố đề nghị xử phạt bị cáo Sơn từ 18-20 tháng tù. Còn bị cáo run run nói lời sau cùng: “Xin tòa giơ cao đánh khẽ, cho tôi cơ hội sửa sai. Tôi hứa sẽ cử xử kiềm chế hơn trong cuộc sống sau này”.
Sau giờ nghị án, vị chủ tọa giải thích tất cả những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo đã được tòa sơ thẩm xem xét. Do đó tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Vì lý do sức khỏe nên ông Sơn được tại ngoại.
Phận đời lận đận
Phiên tòa xét xử diễn ra rất nhanh, chưa tới 30 phút. Bị hại vắng mặt, không người thân nào của bị cáo đến dự. Chân cao chân thấp bước ra hành lang sau phiên xét xử, ông Sơn cho biết vừa chăm người ốm ở bệnh viện trở về thì đón xe buýt xuống tòa án luôn. Khi được hỏi vợ con đâu không ai đưa đi, ông trầm tư chia sẻ về gia cảnh éo le.
Ông Sơn là con trai trưởng, có tất cả ba người con, hai trai một gái. Người con trai cả của ông nay đã 40 tuổi sau nhiều năm lập gia đình mới phát hiện mắc bệnh vô sinh, hiện chuyển vào miền Nam sinh sống.
Cám cảnh hơn khi người con trai thứ hai của ông cũng đột ngột phát bệnh tâm thần: “Tôi là trưởng nam nhưng cả hai con trai đều không thể sinh con. Vì quá mong có đứa cháu nối dõi tông đường mà gia đình tan vỡ”, ông nói.
Ông kể tiếp, do con cái ốm đau, kinh tế khó khăn cộng với việc không có cháu nội đích tôn khiến tình cảm vợ chồng sứt mẻ. Ông bàn bạc với vợ cho phép mình được qua lại với người khác kiếm thêm mụn con.
Bà vợ biết không thể ngăn chồng, một phần hiểu hoàn cảnh nhà chồng đã gật đầu kèm lời dặn “ông kiếm ở đâu thì kiếm, tránh xa xa làng xóm ra không lại mang tiếng xấu”. Họ thống nhất chỉ sống ly thân chứ không ly hôn để giữ thể diện gia đình.
Sau đó ông Sơn lên Ba Vì trông rừng thuê kiếm thêm thu nhập. Tại đây ông quen biết người phụ nữ kém mình sáu tuổi không chồng con. Được vợ “bật đèn xanh” từ trước, ông Sơn nói thẳng nguyện vọng muốn có thêm đứa con, được người phụ nữ đơn thân gật đầu.
Họ làm mâm cơm ra mắt người thân rồi dọn về sống chung như vợ chồng. Nhưng số phận trớ trêu, ăn ở với nhau được chừng 5 năm, ông Sơn mới hay “vợ hờ” không thể sinh nở do bệnh tật bẩm sinh.
Chấp nhận số phận, ông quyết từ bỏ “kế hoạch” tìm kiếm đứa cháu nội nối dõi tông đường, sống với người “vợ hờ” đến nay: “Tôi nghe cán bộ trợ giúp pháp lý giải thích rằng nếu tôi chăm sóc vợ ốm đau sẽ được xem xét giảm hình phạt.
Nhưng tôi với người phụ nữ quê ở Ba Vì trên giấy tờ chưa phải vợ chồng nên không được xem xét. Bà ấy ốm đau triền miên, giờ cả hai chỉ biết nương tựa vào nhau sống nốt phần đời còn lại. Mấy ngày nữa bà ấy khỏe lên, tôi sẽ đến thi hành án phạt tù, cố gắng cải tạo để sớm trở về”, ông lão thở dài.
Trước đó, năm 1980 khi là cán bộ vật tư huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ), ông Sơn bị tòa án TP Hà Nội xử phạt 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về hành vi mua bán hóa đơn. Sau đó ông chuyển sang nghề buôn bán xe đạp cũng hai lần bị tòa án TP Hà Nội và tòa án quận Hai Bà Trưng xử phạt lần lượt 7 tháng tù, 12 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi có hành vi làm giấy tờ giả để đăng kí xe đạp không rõ nguồn gốc.