Người nữ sinh Đồng Khánh kéo cờ độc lập
Trong bài tham luận của mình, PGS Trần Viết Nghĩa (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã nhắc đến người nữ sinh Đồng Khánh đã trực tiếp bước lên lễ đài, kéo cờ Độc lập trong ngày 2/9/1945. Theo câu chuyện kể lại, đó là bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, SN 1927, quê xã Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên) có thân phụ là giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, sử học Dương Quảng Hàm. Bà Thi tham gia hoạt động cách mạng ngay từ khi còn là nữ sinh Trường Đồng Khánh (Hà Nội), tiền thân của Trường Trưng Vương - Hà Nội, gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc từ năm 17 tuổi.
Ngày 2/9/1945, trong Đoàn Phụ nữ Cứu quốc, bà Lê Thi hoà mình giữa hàng vạn người dân đổ về Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) dự lễ mít tinh - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một đồng chí cán bộ từ trên lễ đài đi về phía vị trí của Đoàn nữ Cứu quốc Hà Nội, nói: “Các đồng chí cử một người lên kéo cờ!”. Ngay lập tức, mọi người ở hàng đầu, hướng về phía bà Lê Thi: “Lê Thi, Lê Thi lên kéo cờ!”.
Quá bất ngờ vì niềm vinh dự lớn lao này, bà Lê Thi đã bật khóc, xong rồi nín lặng, bình tĩnh, đĩnh đạc tiến về phía cột cờ. Cùng lúc ấy còn có một phụ nữ dân tộc Tày đã lên trước chờ sẵn, đó là bà Đàm Thị Loan (bà Loan sau này là vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái). Bà Loan nâng cờ, bà Thi cầm dây từ từ kéo cờ lên trong tiếng nhạc Tiến quân ca hào hùng. Lá cờ được kéo tới đỉnh cột, tiếng nhạc Tiến quân ca vừa chấm dứt thì Bác Hồ bước ra lễ đài đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong hồi ức của mình, bà Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện Triết học) không chỉ có kỷ niệm của lần kéo cờ trong ngày 2/9/1945 mà còn có rất nhiều kỷ niệm khác về những người phụ nữ Hà Nội đã góp phần cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan trong ngày gặp lại vào ngày 22/12/1989, 44 năm sau lễ kéo cờ tại Quảng trường Ba Đình. |
Trò chuyện với báo chí, bà đã từng kể: “Trước ngày tổng khởi nghĩa khoảng một tháng, chị Tuyết Minh (một bạn học cùng lớp với bà Lê Thi và cũng chính là người đã vận động bà theo Việt Minh) bảo tôi “chuẩn bị ra chiến khu nhé”. Thế là tôi giấu gia đình, thu xếp quần áo, chuẩn bị lên đường. Như thế là chuyện lớn lắm đấy vì xưa nay có bao giờ tôi dám ra khỏi nhà buổi tối, nay tôi lại dám trốn nhà ra đi như thế. Tưởng là lên chiến khu nhưng hóa ra chỉ tập trung ở nhà Tuyết Minh nhận lệnh “chuẩn bị tổng khởi nghĩa”. Chúng tôi ngày ngày tập hát, các bài Tiến quân ca (lúc đó đã biết Tiến quân ca sẽ là Quốc ca của nước Việt Nam độc lập rồi), Diệt phát xít, Du kích ca…”.
Đội quân quần trắng, áo dài
Theo diễn biến lịch sử, vào những ngày giữa tháng 8/1945, Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh, Chính phủ Trần Trọng Kim có ý định cướp chính quyền từ tay Nhật trước Việt Minh. Ngày 17/8, tại Nhà hát Lớn diễn ra một cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức để đề cao vai trò của chính quyền thân Nhật. Việt Minh chủ trương hôm đó sẽ lật đổ cuộc mít tinh, biến đây thành một dịp để Việt Minh ra mắt đồng bào.
Sáng hôm đó, khi người của chính quyền Trần Trọng Kim vừa chuẩn bị khai mạc thì ông Trần Lâm (nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam) đã lên được gác hai tung cờ đỏ sao vàng. Cùng lúc đó, Việt Minh cũng giành micro từ tay người của phía chính quyền, chuyển cho hai phụ nữ đại diện của Mặt trận Việt Minh lên nói chuyện.
Đó là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đảng viên Đảng Dân chủ, và người kia là bà Từ Anh Trang, thành viên Hội Phụ nữ Cứu quốc, Tự vệ Chiến đấu. Hai bà giới thiệu về Mặt trận Việt Minh, là tổ chức sẽ giành chính quyền, lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dứt lời, hai bà hô to: “Ủng hộ Việt Minh!”. Tiếng hô khẩu hiệu dậy đất. Quần chúng vỗ tay rào rào, hoan nghênh nhiệt liệt. Cuộc mít tinh đã trở thành cuộc tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ Việt Minh.
Theo trí nhớ của bà Lê Thi, hôm 17/8 phụ nữ Hà Nội có mặt rất đông. “Trước đó, ở Hà Nội chưa bao giờ phụ nữ đi bộ ngoài phố đông như thế, lại còn vừa đi vừa vẫy cờ, vung tay hô khẩu hiệu vang trời” – bà Lê Thi kể.
Sau đó 2 ngày, ngày 19/8 diễn ra mít tinh lớn ở Quảng trường Nhà hát Lớn. Sau khi ông Trần Quang Huy (nguyên Chủ tịch UBND Cách mạng Hà Nội) đứng lên tuyên bố thành lập chính quyền dân chủ nhân dân ở Hà Nội do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, mọi người đã chia nhau đi chiếm trụ sở các cơ quan chính quyền: Tòa Thị chính, Sở Liêm phóng, Nhà khách Chính phủ, nhà máy điện, nhà máy nước, Ngân hàng Đông Dương… Trại bảo an binh là nơi duy nhất tình hình căng thẳng giữa ta và lính Nhật, đoàn người trong đó có rất nhiều phụ nữ Hà Nội bám cửa, hô khẩu hiệu, đòi quân Nhật mở cổng, quân địch đem xe tăng tới bao vây, địch và ta giằng co suốt hai giờ đồng hồ.
Sau này trong hồi ký của ông Đinh Ngọc Liên, nhạc trưởng của dàn nhạc trong trại bảo an binh có câu: “Cứ tưởng Việt Minh phải sừng sỏ thế nào, hóa ra toàn thiếu nữ quần trắng, áo dài”. Ông Đinh Ngọc Liên đã vui vẻ đón chào “đội quân quần trắng, áo dài” của cách mạng, huy động dàn kèn dạy mọi người hát những bài ca cách mạng…