“Mỏ vàng” từ tiềm năng du lịch.
Trong những năm gần đây, khi nói về vấn đề phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, huyện Bố Trạch được coi là điểm đến của nhiều du khách trong nước, quốc tế, với những khu du lịch hấp dẫn, nhiều loại hình du lịch phong phú như: tham quan thắng cảnh tự nhiên, Động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, Hang Én thuộc Quần thể Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng; du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn; thăm các di tích lịch sử tại đường 20 Quyết Thắng, các lễ hội của các bản làng dân tộc, du lịch cộng đồng...
Đặc biệt, các sản phẩm du lịch ở huyện Bố Trạch luôn đảm bảo tính mới lạ, độc đáo không “rập khuôn” sao chép các nơi khác mà sản phẩm đó “Chỉ duy nhất có ở Phong Nha - Kẻ Bàng”.
Ngoài ra Bố Trạch có đường bờ biển dài 24 km, hình thành các khu du lịch, điểm dịch vụ, có bãi tắm Đá Nhảy… Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, còn có các điểm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng, trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể được nhân dân gìn giữ, tôn trọng.
Biển Bố Trạch |
Có thể nói, Du lịch Quảng Bình là “mỏ vàng” đầy tiềm năng, cần có một hướng đi đúng đắn cùng sự nhiệt huyết, tận tâm của những người làm du lịch để Quảng Bình trở thành thiên đường du lịch mà ai ai cũng muốn đến để tận hưởng và khám phá.
Tiến đến ngành kinh tế mũi nhọn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Tại Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXII đã xác định phát triển du lịch là hướng đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và vượt bậc trong thời gian tới.
Du khách tham quan động Phong Nha |
Là một ngành có khả năng tạo ra nhiều việc làm và mang lại nguồn thu nhất định cho ngân sách địa phương. Đồng thời, du lịch còn là cầu nối quan trọng thúc đẩy mạnh các mối quan hệ giao lưu văn hóa, hữu nghị, phát triển khoa học kỹ thuật, hợp tác, ngoại giao giữa các vùng, miền, các quốc gia, khu vực trên toàn thế giới; góp phần đổi mới, phát triển các ngành kinh tế khác...
Xác định rõ vấn đề này, huyện Bố Trạch xây dựng Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, lên kế hoạch kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy các ngành dịch vụ. Từ đó đề ra các nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện gồm: quy hoạch, đầu tư, vốn, cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, huy động cộng đồng tham gia làm du lịch, tuyên truyền quảng bá và bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Lễ hội đập trống người Ma coong |
Từ các nguồn lực của Trung ương, Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch,… Huyện Bố Trạch có nhiều giải pháp mang tầm chiến lược như: Kiến nghị, đề xuất Chính phủ nâng cấp cửa khẩu Cà Roòng- Noọng Ma thành cửa khẩu chính để thu hút các du khách từ Lào, Thái Lan, tìm kiếm các đối tác có năng lực, điều kiện, kinh nghiệm để tổ chức liên doanh, liên kết và hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực như phát triển các sản phẩm du lịch mới, các tour du lịch dài ngày, các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn thiên nhiên và các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường du lịch. Hình thành Khu nghỉ dưỡng tại Đá Nhảy và 2 Khu trung tâm mua sắm, bán hàng lưu niệm và các dịch vụ vui chơi giải trí ở Hoàn Lão và Sơn Trạch.
Ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phục vụ du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Đá Nhảy, Hoàn Lão... Phấn đấu đến năm 2020 có 82 cơ sở lưu trú với 800 buồng, trong đó 3- 5 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt từ 3 sao trở lên.
Lễ hội đua thuyền truyền thống |
Bên cạnh các giải pháp mang tầm chiến lược, huyện Bố Trạch cũng tổ chức không gian quy hoạch lại vị trí, địa điểm để cho thuê, đấu thầu các dịch vụ bổ trợ khác, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đồng thời đảm bảo cảnh quan, thẩm mỹ và các quy định của Trung tâm Du lịch. Cải tiến chất lượng đội thuyền du lịch Phong Nha để phục vụ du khách. Nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống biển báo, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường phục vụ du lịch... Khi những đề án, quy hoạch này được triển khai thực hiện sẻ mở ra cho Bố Trạch nhiều cơ hội “cất cánh”.
Ông Trần Quang Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: Để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện sẽ vận dụng có hiệu quả các nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch, Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Cụ thể là việc tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực du lịch gắn với an toàn tại các khu du lịch.
Trong điều kiện chung của tỉnh, của huyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tiềm năng cho phát triển du lịch ở huyện Bố Trạch rất lớn. Việc đặt vấn đề phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn lúc này vừa phù hợp và tận dụng được cơ hội, xu hướng phát triển du lịch nói chung vừa phù hợp với thực tiễn theo đúng với tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra./.