Mảnh đất “xui rủi”
Theo đơn trình bày của bà Kiều Thị Chong với báo Câu chuyện Pháp luật, năm 2007, bà Chong và vợ chồng người cháu họ là ông Cao Văn Đực (SN 1944) và Trần Thị Khanh (SN 1965) cùng ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú có thỏa thuận mua bán mảnh đất có nhà mà vợ chồng ông Đực đang sinh sống.
Lúc đầu, bà Chong đưa cho vợ chồng ông Đực 20 triệu, chia làm hai lần. Bà Khanh vợ ông Đực hứa, sẽ lấy sổ đỏ (Giấy CNQSDĐ) mảnh đất hơn 200m2 mình đang ở giao cho bà Chong để làm tin. Tuy nhiên, tiền đã đưa mà bà Khanh vẫn không lấy sổ đỏ đã cầm cố trước đó về. Cuối cùng, bà Khanh đề nghị bà Chong đưa tiếp cho mình 30 triệu nữa thì sẽ lấy giấy, đồng thời xuống xã làm giấy sang tên mảnh đất cho bà Chong.
“Lúc đó, tôi thỏa thuận với vợ chồng bà Khanh sẽ mua mảnh đất, nhà với giá 160 triệu đồng. Nhưng đó chỉ là giao ước ban đầu, chưa đi vào hợp đồng cụ thể”, bà Chong nói.
Khi bà Chong giao thêm 30 triệu đồng thì bà Khanh mới giao sổ đỏ mảnh đất. Bà Chong cầm sổ kiểm tra thì thấy đúng là mảnh đất ở xã Vĩnh Hội Đông có diện tích 204m2. Tuy nhiên, hơn nửa phần đất này dính vào hành lang lộ giới. “Thấy đất chỉ còn mấy chục mét vuông, tôi nói rằng mình không mua nữa. Yêu cầu vợ chồng Khanh bán cho ai thì bán rồi trả lại 50 triệu cho tôi”, tiếp lời bà Chong.
Lúc bấy giờ, bà Khanh đang khó khăn và nợ nần nên tiếp tục mượn thêm của bà Chong 21 triệu đồng nữa. Lúc này, giấy tờ mảnh đất này bà Chong đã nắm giữ. Sau đó, có người trả giá 80 triệu đồng nhưng vợ chồng ông Đực không đồng ý và quay lại thống nhất bán phần đất, nhà cho bà Chong với giá 100 triệu đồng.
Cả hai bên thống nhất ký hợp đồng mua bán giá 100 triệu, có chính quyền địa phương làm chứng. Tháng 10/2008, bà Chong và chồng là Nguyễn Văn Nam đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất và tài sản trên đất này.
Bà Chong cho biết, thời gian này, vợ chồng ông Đực bà Khanh có nảy sinh lục đục. Số tiền 21 triệu đồng bà Chong giao cho bà Khanh, ông Đực nói rằng, không hề hay biết. Do vậy, khi làm giấy tờ mua bán, bà Chong và bên bán phải chia số tiền 100 triệu thanh toán làm 3 lần.
Cụ thể, lần 1 đã giao 50 triệu, lần hai 21 triệu (giao cho bà Khanh ngày 25/10/2008). Sau đó, bà Chong đưa thêm cho vợ chồng ông Đực 5 triệu đồng để vợ chồng này trả nợ cho 1 người đang ở nhờ trên phần đất đó. Như vậy, tổng số tiền bà Chong đã giao cho vợ chồng ông Đực là 76 triệu đồng, số còn lại là 24 triệu đồng được thống nhất sẽ giao vào đợt thứ 3.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vợ chồng ông Đực lại nảy sinh mâu thuẫn nên không thống nhất trong việc giao nhận tiền. “Nếu tôi giao cho bà Khanh thì ông Đực sẽ bỏ, mà giao cho ông Đực thì bà Khanh không chịu. Tôi muốn giao cho xong để hoàn tất vụ mua bán mệt mỏi này nhưng có được đâu. Vụ việc kéo dài. Ngôi nhà, đất đai đã đứng tên tôi và chồng nhưng bà Khanh vẫn ở đó”, bà Chong trình bày.
Giấy xác nhận quyền sử dụng đất đã đứng tên của bà Chong, Hồ sơ thửa đất cũng thể hiện người chủ là vợ chồng bà Chong, Hợp đồng mua bán giữa hai bên thể hiện rõ giá của mảnh đất, nhà là 100 triệu đồng. |
Bao giờ “châu về hợp phố”?
Sự việc dùng dằng chưa giải quyết được thì đến tháng 12/2009, dự án nâng cấp láng nhựa đường thi công. Phần đất được mua bán giữa bà Chong và vợ chồng ông Đực nằm trong lộ giới bị giải tỏa và bồi thường.
Bà Chong không dấu được những giọt nước mắt, bức xúc nói: “Thời gian này chồng tôi bệnh tai biến nên yếu lắm, tôi không dành nhiều tâm trí vào việc đất cát mà phải chăm sóc cho chồng. Khi dự án làm đường ngang qua phần đất của tôi, xã không hề gọi hay thông báo cho tôi lúc đó đã là chủ hợp pháp của mảnh đất và ngôi nhà trên đó. Số tiền được bồi thường hơn 19 triệu đồng, ông Đực được xã làm biên nhận nhận tiền.
Sau đó, xã có gọi điện kêu tôi lên xã, họ kêu tôi làm giấy thừa nhận cho ông Đực nhận tiền. Nhưng lúc đó ông Đực đã có biên nhận rồi thì nói làm gì nữa. Tôi uất ức vô cùng, tôi thân là giáo viên lâu năm. Chồng tôi là cán bộ huyện về hưu chứ đâu phải là người không biết gì”.
Vì lúc này số tiền bà Chong vẫn còn thiếu vợ chồng ông Đực là 24 triệu đồng nên bà Chong cũng chấp nhận để cho ông Đực nhận số tiền bồi thường trên. Xem như đó là bà Chong trả nợ. Sau đó, tại UBND xã Vĩnh Hội Đông, nhiều biên bản thỏa thuận đã được lập ra. Nội dung là số tiền đền bù trên thống nhất sẽ giao cho xã giữ, đến khi việc tranh chấp giữa hai bên kết thúc. Phần thắng thuộc về ai thì người đó sẽ được giữ số tiền đền bù.
Ít thời gian sau, việc tháo dỡ ngôi nhà của bà Chong trên phần đất nâng cấp được tiến hành. Tuy nhiên, ngày tháo dỡ, bà Chong không hề được xã cho hay biết, vật tư sau khi tháo gỡ bà cũng không biết đi đâu?
Bức xúc hơn, sau khi giải quyết xong vấn đề số tiền bồi thường, ông Đực quay sang kiện bà Chong. “Ông Đực cho rằng đồng ý bán nhà, đất cho tôi với giá 150 triệu đồng, chứ không phải là 100 triệu đồng. Tôi có mặt ở xã để nghe phân giải.
Tôi yêu cầu ông Đực hay bất cứ ai đưa ra được hợp đồng mua bán mảnh đất đó có giá 150 triệu, thì tôi trả đủ một lần luôn. Còn không có thì giải quyết cho tôi, theo hợp đồng tôi và ông Đực, bà Khanh đã ký trước đó, có phó chủ tịch xã làm chứng. Họ không đưa ra được một mảnh giấy nào để chứng minh được họ đúng. Vậy mà sự việc kéo dài đến nay, đất đứng tên tôi nhưng tôi vẫn không được nhận lấy”, bà Chong tuyệt vọng nói.
Vụ việc được xã Vĩnh Thuận Đông hòa giải nhưng không thành, sau đó hồ sơ vụ việc được chuyển sang huyện. Hai năm sau, bà Chong có đơn phản tố, yêu cầu vợ chồng ông Đực phải thực hiện đúng như hợp đồng mua bán đã ký kết. Đơn phản tố của bà Chong được chấp nhận, vợ chồng ông Đực trở thành bị đơn của vụ tranh chấp.
Tại các biên bản hòa giải của Tòa án nhân dân huyện An Phú vào năm 2014, bà Chong vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Còn vợ chồng ông Đực đã ủy quyền cho một người khác. Phía bị đơn cho rằng, năm 2007, họ đồng ý bán cho bà Chong mảnh đất và nhà giá 160 triệu. Nhưng sau đó bà Chong phát hiện đất phần lớn nằm trong lộ giới nâng cấp đường nên yêu cầu bớt 10 triệu. Vợ chồng ông Đực đồng ý, bà Chong đặt cọc 50 triệu, sau thanh toán 21 triệu, vậy bà Chong còn nợ 79 triệu.
Ở lần hòa giải thứ nhất, phía bị đơn cho rằng bà Chong không có tiền nên mới chuyển quyền sử dụng đất để bà đứng tên đi vay ngân hàng trả. Nhưng bà Chong phản pháo lại rằng, để mua mảnh đất đó bà đã chuẩn bị từ trước. Thậm chí vài trăm triệu bà cũng có thể mua được vì trước đó bà đã bán một mảnh đất khác lớn hơn để mua mảnh đất này.
Trước phản ứng của vợ chồng ông Đực, bà Chong bức xúc nói: “Mảnh đất nằm trong lộ giới gần cả trăm mét vuông đất. Lẽ nào tôi chỉ kêu bớt 10 triệu, liệu có hợp lý không? Hơn nữa, hợp đồng giữa tôi và họ giấy trắng mực đen rõ ràng, có chính quyền địa phương làm chứng. Hợp đồng được sao làm 3 bản, ở xã vẫn còn lưu. Tại sao không căn cứ vào đó mà giải quyết cho tôi. Từ lúc tranh chấp tới nay đã 6,7 năm mà không cơ quan nào trả lại công bằng cho tôi?”.
Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc.