Mượn sổ đỏ để vay tín dụng
Tháng 6/2016, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận làm đơn khởi kiện ông Đoàn Văn Chính (SN 1968, ngụ xã Đức Hành) ra TAND huyện Đức Linh về việc ông Chính cùng vợ có vay QTDND Đức Hạnh số tiền 435 triệu đồng từ năm 2012 đến nay chưa trả. Tính cho đến ngày khởi kiện (17/6/2016) riêng tổng số lãi đã lên đến trên 379 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, trước đây ông Đoàn Văn Chính là chủ 1 doanh nghiệp có tiếng tại địa phương. Doanh nghiệp của ông Chính chuyên về kinh doanh nông sản. Năm 2010, ông Chính có mượn bạn là ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1970, ngụ thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, Bình Thuận) 1 sổ đỏ để làm tài sản đảm bảo vay QTDND Đức Hạnh một số tiền để phục vụ cho việc kinh doanh, thời hạn trong vòng 1 năm.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu chỉ ông Chính thực hiện đúng theo thỏa thuận. Tuy nhiên thời gian sau đó ông Chính lại tiếp tục vay quỹ tín dụng nhiều lần dưới nhiều hình thức vay ngày và vay ngắn hạn. Một số hợp đồng ông Chính dùng tài sản đảm bảo để thực hiện vay vốn vẫn là giấy tờ đất của ông Hòa.
Lần cuối cùng ông Chính vay tiền từ QTDND Đức Hạnh là vào 27/12/2012 với số tiền vay lên tới 435 triệu đồng. Tất nhiên ông vẫn dùng sổ đỏ của ông Hòa để thế chấp. Sau đó, do làm ăn thất bại nên ông Chính không có khả năng thanh toán nợ. Chính vì vậy, QTDND Đức Hạnh đã làm đơn khởi kiện ông Chính ra tòa.
Khi làm tường trình với Tòa án và trao đổi với phóng viên, ông Chính đều cho rằng mình chỉ vay tại QTDND Đức Hạnh 2 lần. Lần đầu là 100 triệu đồng vào năm 2010, lần thứ 2 là 435 triệu đồng năm 2012. Cũng theo ông Chính, do hợp đồng thứ 2 ông bận việc nên không trực tiếp thực hiện hồ sơ mà người làm hồ sơ vay giúp ông là anh Bùi Văn Thường (SN 1983, cán bộ tín dụng xã Đức Hạnh).
Chữ ký khác nhau của ông Hòa có thể phân biệt bằng mắt thường trong 2 tờ giấy ủy quyền. |
Cần làm rõ trách nhiệm các bên trong vụ việc
Việc ông Chính mượn sổ đỏ của ông Hòa để thế chấp vay tiền quỹ tín dụng trong 1 năm nhưng đến năm 2012 (đã quá hạn cho mượn) ông Chính vẫn sử dụng sổ đỏ của ông Hòa để vay 435 triệu và không thể trả dẫn đến việc “kẹt” giấy tờ thế chấp.
Về phía ông Hòa, người cho ông Chính mượn giấy tờ đất thế chấp thì khẳng định ông không có mặt và không ký bất kỳ hợp đồng nào ngoài giấy ủy quyền cho ông Chính mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vòng 12 tháng. Chính vì thế, có nhiều câu hỏi đặt ra và cần làm rõ trong vụ kiện cho vay quỹ tín dụng này.
Đầu tiên là việc ông Chính nói rằng ông Chính chỉ vay 2 lần tiền tại QTDND xã Đức Hạnh. Tuy nhiên theo tìm hiểu, QTDND xã Đức Hạnh đã có tất cả 5 hợp đồng cho ông Chính vay tiền dưới nhiều hình thức vay. Các hợp đồng này có các giá trị từ 50 triệu đồng (vay ngắn hạn), 200 triệu đồng (vay ngắn hạn), 300 triệu đồng (vay ngắn hạn), 100 triệu đồng (vay ngày) và 450 triệu đồng (vay ngắn hạn). Tất cả đều có chữ ký của ông Chính. Vậy việc ông Chính nói chỉ vay 2 lần tại QTDND Đức Hạnh có chính xác?
Trong 1 số hợp đồng tín dụng vay tiền của ông Chính, phần xác định giá trị tài sản đảm bảo đều có chữ ký của ông Hòa. Và trong một tờ giấy ủy quyền cho mượn giấy chứng nhận sử dụng đất (không có thời hạn cho mượn) có xác nhận của chính quyền địa phương cũng có chữ ký của ông Hòa.
Tuy nhiên ông Hòa cho rằng những chữ ký đó không phải của mình và đã đề nghị đi giám định chữ ký để xác định, đồng thời ông muốn lấy lại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất của mình. Vấn đề cần làm rõ ở đây là ai đã ký chữ ký của ông Hòa trong các văn bản kể trên?
Trong hợp đồng tín dụng ngày 10/1/2012 ông Chính vay QTDND Đức Hạnh số tiền 300 triệu đồng, phần chứng thực của Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh về việc các bên tự nguyện thỏa thuận giao kết hợp đồng 3 bên, bên vay là ông Chính, bên cho vay là đại diện QTDND Đức Hạnh và bên có tài sản đảm bảo là ông Hòa có ghi thời gian là (11/1/2012).
Đây là 1 phần thủ tục của hợp đồng, tuy nhiên nếu ông Hòa không đồng ý cho ông Chính mượn sổ đỏ tiếp và không có mặt để chứng thực thì tại sao biên bản này vẫn được UBND xã Đức Hạnh đóng dấu thông qua? Phần chứng thực này sau đó được nhân viên quỹ tín dụng rút ra bổ sung vào hợp đồng cuối cùng mà ông Chính vay 435 triệu.
Để tìm hiểu kỹ hơn, phóng viên tìm gặp anh Bùi Văn Thường, cán bộ tín dụng đã làm hồ sơ vay tiền cho ông Chính. Anh Thường cho biết, ông Chính đã nhiều lần vay tiền ở QTDND Đức Hạnh. Tuy nhiên sau lần vay đầu tiên là 50 triệu, ông Chính muốn vay nhiều hơn nên đã mượn sổ đỏ của ông Hòa để thế chấp. Các lần tiếp theo ông Chính không thể tất toán hết số tiền gốc và lãi mà vay nhiều hơn để trả nợ cũ và dùng số dư ra để sử dụng.
Tất cả các hồ sơ vay vốn anh Thường cho biết đều làm theo quy định và đưa cho ông Chính đi lấy chữ ký của các bên và dấu xác nhận ở UBND xã. Anh Thường cũng cho biết thêm, việc sử dụng phần chứng thực của UBND xã trong hợp đồng 300 triệu để chuyển sang hợp đồng 435 triệu là theo điều 23 của thông tư liên tịch số: 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT.
Khoản 1 ở điều 23 trong thông tư này có ghi: “Trường hợp bổ sung giá trị nghĩa vụ được bảo đảm mà các bên ký kết hợp đồng thế chấp mới, có hiệu lực độc lập với hợp đồng thế chấp đã đăng ký trước đó thì người yêu cầu đăng ký thực hiện đăng ký thế chấp mới và không phải xóa đăng ký thế chấp trước đó”.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Hạnh, Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh cho biết: “Việc chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản bên thứ 3 theo quy định phải có đủ 3 bên xã mới đóng dấu chứng thực”.
Tuy nhiên việc ông Hòa cho rằng mình không ký vào các hợp đồng vay vốn sau này cũng không có mặt ở UBND xã để xác nhận chứng thực vào các biên bản như trong hồ sơ tín dụng mà ông Chính vay thì UBND xã phải xem lại việc chứng thực của mình làm đã đúng quy trình hay chưa?
Thiết nghĩ, để làm rõ vụ kiện cho vay quỹ tín dụng này, cơ quan tố tụng cần làm rõ trách nhiệm của các bên để giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng nhất.
Ý kiến của Luật sư đối với vụ việc:
Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng đây là vụ án tương đối phức tạp về mặt quan hệ pháp luật và chứng cứ. Trong vụ án này có hai quan hệ pháp luật mấu chốt mà Tòa án phải xem xét:
Thứ nhất: Quan hệ tín dụng giữa ông Chính và Qũy tín dụng nhân dân, ông Chính cho biết ông chỉ ký 02 Hợp đồng tín dụng, còn Qũy tín dụng nhân dân trình bày ông Chính đã ký 05 hợp đồng. Vậy sự thực là các bên đã ký kết bao nhiêu hợp đồng? Chữ ký của ông Chính trên những hợp đồng đó là thật hay giả?
Theo quy định của pháp luật, Qũy tín dụng nhân dân được phép cấp tín dụng rất hạn chế đối với đối tượng đi vay, vậy việc cho ông Chính vay có đúng chủ thể không? Thời hiệu khởi kiện đối với các Hợp đồng ký kết từ năm 2012 đến nay còn không?...
Thứ hai: Quan hệ bảo đảm nghĩa vụ dân sự: Tòa án phải xác định tính hợp pháp của việc thế chấp sổ đỏ. Nếu ông Hòa là người trực tiếp ký vào các Hợp đồng tín dụng với tư cách bên thế chấp thì chữ ký đó có đúng là của ông Hòa hay không? Nếu Ông Hòa không ký mà ủy quyền để ông Chính thế chấp sổ đỏ thì phạm vi, thời hạn ủy quyền cho ông Chính đến đâu?....
Về chứng cứ: Để bảo vệ cho mình, bên nào đưa ra yêu cầu hay để bác bỏ yêu cầu của người khác đều phải đưa ra chứng cứ chứng minh. Nếu cho rằng mình không ký trên các Hợp đồng thì Ông Chính, Ông Hòa có thể yêu cầu tòa án tiến hành thủ tục giám định chữ ký để xác định sự thật (thông thường, người yêu cầu phải cung cấp ít nhất 4 hoặc 5 chữ ký tại những thời điểm khác nhau gần nhất với thời điểm ký trên các Hợp đồng để Cơ quan giám định giám định..)
Nếu chữ ký là giả thì tùy từng trường hợp, người có hành vi giả chữ ký sẽ bị xử lý lý hành chính hoặc hình sự…. Tóm lại, dựa trên chứng cứ mà Tòa án sẽ quyết định công nhận hoặc không công nhận yêu cầu của mỗi bên. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự thì Tòa án có thể xem xét để khởi tố và chuyển cho Cơ quan điều tra để làm rõ về hành vi có dấu hiệu tội phạm…
Luật sư Nguyễn Duy Tiền.
VPLS Lê Nguyễn, Chi nhánh Đà Nẵng