“Bỗng dưng” bị mất tài sản?
Theo phản ánh của ông Trần Văn Thành (trú tại thôn Thượng Quất, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức) gửi Báo PLVN: Năm 2008, Trường Tiểu học Hợp Tiến A (xã Hợp Tiến) kí hợp đồng trồng cây tại khu vườn trường cho 4 thành viên là: ông Lê Thành Đô, Phạm Hoài Nam, Cao Đình Công (là giáo viên nhà trường) và ông Lê Hải Hà (nhân viên nhà trường) với nội dung: Canh tác trồng cây lấy gỗ tạo cảnh quan sư phạm.
Tuy nhiên, do chuyển công tác, ngày 25/1/2009, ông Cao Đình Công - một trong những thành viên được nhận giao khoán trồng cây đã nhượng lại cho vợ ông Thành là bà Lê Thị Thanh Hiền - giáo viên Trường THCS Hợp Tiến. Từ đó, gia đình ông Thành cùng với ba thành viên còn lại cùng đầu tư cây giống, vật tư, thuê người lao động để chăm sóc cây.
“Thời gian hợp đồng là 10 năm, từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2018, như vậy còn khoảng 2 năm nữa mới hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên, ngày 25/7/2016, tôi đến trường thì thấy toàn bộ số cây trồng trong khu vườn trường đã bị chặt hạ và được vận chuyển “sạch sẽ” đi đâu không rõ”, ông Thành bức xúc.
Thừa nhận sai sót
Tìm hiểu phản ánh của ông Thành, phóng viên Báo PLVN có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Chất - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến. Trước câu hỏi của phóng viên, ông Chất cho biết: Thực hiện quyết định của UBND huyện Mỹ Đức về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Hợp Tiến A, Ban lãnh đạo xã đã phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường thống nhất phương án giải phóng mặt bằng. Lúc này, UBND xã mới phát hiện nhà trường có hai hợp đồng không đúng thẩm quyền, đó là hợp đồng ao cá (2006-2021), hợp đồng trồng cây (2008-2018).
“Chúng tôi thừa nhận vào thời điểm năm 2008, UBND xã chưa quản lý chặt chẽ trong việc thực hiện hợp đồng trồng cây. Để thực hiện việc giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, chúng tôi đã giao cho nhà trường tự thỏa thuận để thống nhất việc thanh lý hợp đồng. Và đã có biên bản thỏa thuận, biên bản thanh lý hợp đồng. Các bên liên quan đều thống nhất được với nhau. UBND xã đã lập biên bản kiểm đếm để giải phóng mặt bằng gồm tổng số 241 cây”, ông Chất cho biết.
Tuy nhiên, khi xem biên bản thỏa thuận, phóng viên thấy chỉ có 3 người kí tên (ông Đô, Nam, Hà) mà không thấy tên ông Thành? Ông Chất cho rằng: “Biên bản thỏa thuận này ông Công (tức ông Thành-người nhận lại hợp đồng-PV) không kí, chúng tôi vẫn tiến hành giải phóng mặt bằng và sẽ bồi thường cho anh Công theo quy định. Số cây kiểm đếm, 3 người trong hợp đồng đã bán cho ông Đỗ Văn Khương (người cùng xã)”.
Tìm hiểu của phóng viên, có đến 3 hợp đồng trồng cây với 3 hình thức kí khác nhau. Lý giải về điều này, ông Đặng Bá Thềm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Tiến A cho biết: “Bản hợp đồng mà ông Thành cung cấp cho báo chí là không đúng, nội dung chuyển nhượng đã được viết thêm. Muốn chứng minh được hợp đồng gốc cần phải giám định chữ kí từng hợp đồng. Hiện nay, bản hợp đồng viết tay tôi vẫn giữ”.
“Việc chuyển nhượng hợp đồng trồng cây giữa ông Công và ông Thành tôi không nhận được bất kì tài liệu nào, vì thế tôi không có trách nhiệm thông báo cho ông Thành. Đối với ông Công, người có nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng thì ông Đô đã gọi điện thông báo, nhưng với lý do cá nhân nên ông Công không đến, vì thế chúng tôi tiến hành chặt phá cây để cho kịp tiến độ giải phóng mặt bằng”, ông Thềm cho biết.
Theo ông Thành, khi tiến hành trồng cây, các thành viên đã họp bàn với nhau. Sau đó, ông Thành cùng ông Đô, ông Hà đi mua cây giống tại Trường Đại học Lâm Nghiệp và ở Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức. “Lúc đó, chúng tôi còn thống nhất thuê người làm cỏ và tôi là người đi thuê. Ông Thềm cho rằng không biết tôi là người được chuyển nhượng hợp đồng là cố tình bỏ quên quyền lợi của tôi”, ông Thành nói.
Nhằm tránh khiếu kiện không đáng có, đề nghị UBND xã Hợp Tiến và Trường Tiểu học Hợp Tiến A giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho ông Thành theo quy định của pháp luật.