Sự mất mát thiêng liêng
15h ngày 18/9 tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), UBND phường 12 phối hợp với Trung đoàn Radar 251 thuộc Vùng 2 Hải quân đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Đại úy Dương Văn Bắc, nguyên nhân viên trắc thủ radar Nhà giàn DK1/11, Tiểu đoàn DK1 (Vùng 2 Hải quân).
Buổi lễ diễn ra trong niềm xúc động, trang nghiêm. Ngoài gia đình, chính quyền địa phương, đơn vị quân đội còn có cả những người lính trẻ - những người chỉ nghe Nhà giàn DK1 và sự hi sinh của Đại úy Bắc qua chuyện kể và báo chí. Họ đến để tri ân người đồng đội dù chưa một lần biết mặt. Nén chặt nỗi đau, chị Vương Thị Trâm không dám lên nhận Bằng Tổ quốc ghi công của chồng. Chị sợ sẽ không đứng vững khi ôm tấm bằng vinh quang nhưng đầy đau thương ấy.
Ông Nguyễn Doãn Hải, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Vũng Tàu đã trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Dương Văn Bắc. Chị Dương Thị Hoa, chị cả của liệt sĩ Bắc bế con thứ hai của liệt sĩ chưa đầy 3 tuổi không kìm được xúc động, khóc nấc. Đại tá Đỗ Văn Toàn, Chính ủy Trung đoàn Radar 251 một lần nữa khái quát về quá trình công tác của liệt sĩ Dương Văn Bắc. Giọng anh lạc đi xúc động: “Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 251 vô cùng thương tiếc và tự hào có người đồng chí đã bất chấp hiểm nguy, không ngại gian khổ, kiên cường hoàn thành nhiệm vụ đến hơi thở cuối cùng. Hành động đó đã làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng tôi xin ghi nhớ công lao, chia sẻ mất mát đau thương cùng gia đình đồng chí. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 251 nguyện không ngừng rèn luyện, học tập, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc”.
Hai anh em Dương Văn Nguyên Khôi ôm Bằng Tổ quốc ghi công của bố. Phía sau là chị gái của liệt sĩ Bắc. |
Nỗi đau của người vợ trẻ
Đã gần một năm kể từ ngày anh Bắc hi sinh nhưng nỗi đau thương chưa thể nguôi ngoai trong lòng người vợ trẻ. Hàng đêm, chị Vương Thị Trâm vẫn mơ thấy chồng về nằm cạnh, thoáng hiện rồi ra đi. Có đêm chị bừng tỉnh giấc, hai tay ôm chặt hai con vào lòng.
Cuối tuần nào chị cũng đèo 2 con trên xe máy lên Nghĩa trang Long Hương, TP.Bà Rịa thắp hương cho chồng. Nỗi đau quá đột ngột khiến chị không sao khỏa lấp được nỗi cô đơn, đau đớn. “Đã gần một năm rồi, em vẫn chẳng thể nào nguôi ngoai được. Anh Bắc hi sinh, em mất đi nửa cuộc đời. Nhiều đêm nằm bên hai con, khuôn mặt anh cứ hiện về. Vòng tay em ôm con mà lòng cô quạnh. Cháu lớn biết bố hi sinh, còn cháu bé thì chưa biết gì. Nhiều bữa cháu hỏi “mẹ ơi, sao ba đi mãi chẳng về?”. Em bảo cháu ba đi nhà giàn DK1 mà không ngăn được nước mắt. Em biết mình không thể giấu con mãi được, rồi sẽ đến ngày em phải nói cho con hiểu cha nó đã hi sinh”. Nói đến đây, chị Trâm ôm mặt khóc.
Từ ngày liệt sĩ Bắc hi sinh, gia đình chị Trâm luôn có các anh, chị của anh Bắc đến đỡ đần, động viên. Hiện chị Trâm đang làm văn thư cho Trường Tiểu học Phước Thắng (phường 11, TP.Vũng Tàu). Với tiền lương của chị là 1.190.000 đồng/tháng cộng với 1.150.000 đồng (tiền bảo hiểm xã hội cho hai con liệt sĩ, bằng 50% lương cơ bản), cuộc sống của ba mẹ con chị luôn thiếu trước, hụt sau. Ước mơ của chị là xin vào làm công nhân viên tại Tiểu đoàn DK1- nơi liệt sĩ Bắc trước đây công tác: “Em chỉ có một ước nguyện được làm việc ở đơn vị chồng em trước đây công tác, phần có thời gian hơn để nuôi hai con trưởng thành, phần cũng hướng cho hai cháu lớn lên đi bộ đội như bố”, chị Trâm chia sẻ.
Trong buổi lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Dương Văn Bắc, bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội TP.Vũng Tàu đã công bố chế độ trợ cấp cho gia đình liệt sĩ Bắc. Theo đó, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội TP.Vũng Tàu hỗ trợ toàn bộ tiền phí mai táng cho liệt sĩ Bắc là hơn 27 triệu đồng. Đối với mẹ, vợ và hai con liệt sĩ Bắc, mỗi tháng được hưởng chế độ 1.318.000 đồng, tính từ tháng kế tiếp khi liệt sĩ Bắc hi sinh. “Dù số tiền hỗ trợ bao nhiêu đi nữa cũng không thể nào bù đắp được nỗi đau mất mát của gia đình liệt sĩ. Chúng tôi chỉ coi đây như một sự tri ân, một nghĩa cử đẹp đối với những người đã ngã xuống vì bình yên biển, đảo của Tổ quốc. Liệt sĩ Bắc không còn, nhưng tên anh vẫn in trong lòng chúng tôi”, bà Mai xúc động cho biết.
Chị Trâm bê cái rương sắt dưới bàn thờ chồng mở cho chúng tôi xem. Trong đó có rất nhiều di vật của anh Bắc đem về từ Nhà giàn DK1/11. Một chiếc mũ cối, đôi găng tay dùng để kéo gạo mỗi lần chở hàng từ đất liền ra, chiếc bi đông nước, đôi giày cao cổ, cái thắt lưng, chiếc đai cột người rời nhà giàn xuống tàu tránh bão, 2 bịch gạo rang anh đem theo để khi say sóng đổ nước sôi vào uống cầm hơi lấy sức. Trong nhiều di vật ấy, có một thứ thiêng liêng mà lần đi biển nào anh Bắc cũng đem theo. Đó là tấm thiệp đám cưới màu hồng.
Chị Trâm kể lại, sau 2 năm yêu nhau, anh chị mới làm đám cưới. Lúc đi chọn thiệp cưới ở nhà hàng, anh Bắc thích màu xanh nước biển, còn chị thích màu hồng. Anh Bắc bảo chọn thiệp màu xanh nước biển thể hiện sóng nước hải quân, nhưng chị lại thích màu hồng vì cho rằng đó là màu của tình yêu nồng thắm. Chiều ý vợ, cuối cùng anh Bắc đồng ý in thiệp cưới màu hồng. Trước khi đi Nhà giàn, anh Bắc cầm tấm thiệp theo bỏ vào ba lô, bảo đem theo cho đỡ nhớ vợ. Anh bảo ở biển cô đơn lắm, mỗi lần nhớ vợ lấy thiệp cưới ra ngắm là đỡ nhớ.
Chị Trâm ép tấm thiệp cưới vào ngực như tìm lại những ngày hạnh phúc. Tấm thiệp cưới còn đây nhưng chú rể ngày ấy không còn nữa. Giờ nó trở thành kỷ vật thiêng liêng của chị Trâm. “Ai ngờ tấm thiệp màu hồng đã hóa thành sóng biển xanh rồi anh”.- người vợ trẻ khóc nghẹn.
Di ảnh liệt sĩ Dương Văn Bắc. |
Biển xanh vọng mãi tên anh
Liệt sĩ Dương Văn Bắc quê ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Vào hồi 14h ngày 7/10/2014, Bắc được Ban chỉ huy Nhà giàn Dk1/11, giao kiểm tra hệ thống vật cản dưới sàn cập tàu để chuẩn bị cho sẵn sàng chiến đấu chống biệt kích, người nhái ban đêm. Khi công việc gần hoàn tất thì bất ngờ một cơn sóng lừng dữ dội đánh trùm qua sàn cập tàu, tràn lên mép chiếu nghỉ. Mặc dù Bắc đã bám chặt vào lan can gồng mình chống đỡ nhưng sức mạnh của con sóng đã đánh bật lan can, kéo anh xuống biển sâu. Nhà giàn báo động tìm kiếm và được các bác sĩ của Viện quân y 175, bác sĩ Vùng 2 Hải quân cứu chữa nhưng không còn kịp nữa. Bắc đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội.
Liệt sĩ Dương Văn Bắc hy sinh, cuốn sổ truyền thống Tiểu đoàn DK1 thêm một dòng mực đỏ. Dù chẳng ai muốn cuốn sổ ấy thêm dòng mực mới nhưng giữa biển xa sóng gió, giông bão bất thường, thiên tai đột ngột, làm sao lường trước được. Dẫu biết gian khổ hi sinh nhưng các thế hệ cán bộ chiến sĩ DK1 vẫn hăng hái vượt sóng ra tuyến đầu sóng gió ấy. Đó là sứ mệnh của người lính “áo vằn cánh sóng” mà bản chất của họ là thầm lặng hi sinh cho biển đảo yên bình. Máu đào của 10 liệt sĩ nhà giàn DK1 đổ xuống, hòa lẫn biển xanh hôm qua đã biến thành sức mạnh nội lực và tinh thần thép của thế hệ hôm nay. Để những người lính Nhà giàn DK1 luôn sẵn sàng chiến đấu, vững chắc tay súng canh biển trời cho Tổ quốc bình yên.
Biển vẫn một màu xanh tím thẫm. Và mãi vang vọng tên những liệt sĩ Nhà giàn…/.