Người phát ngôn Nhà Trắng hôm 26/5 cho hay Tổng thống Mỹ Barack Obama coi tình hình an ninh ở Biển Đông là vấn đề "tối quan trọng" đối với an ninh quốc gia Mỹ và kinh tế toàn cầu.
Ông Earnest cho biết dòng chảy tự do thương mại ở Biển Đông cần được gìn giữ và Mỹ cam kết phối hợp với các nước khác trong khu vực để bảo vệ nó. "Bởi đây là một ưu tiên, quý vị có thể mong đợi tổng thống đã được nghe báo cáo về diễn biến mới nhất và sẽ liên tục được cập nhật", ông Earnest trả lời một câu hỏi.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết việc Trung Quốc cố cải tạo đất ở Biển Đông "góp phần gây ra căng thẳng" và rằng Mỹ đang giám sát "cẩn thận" hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Một nhân viên hải quân Mỹ trên máy bay P8-A nhìn màn hình máy tính, trong đó cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi tiếp tục hối thúc Trung Quốc thể hiện sự minh bạch hơn khi nói về năng lực và ý đồ của họ", ông Rathke nói. "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc sử dụng năng lực quân sự theo cách có lợi nhằm duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Lầu Năm Góc hôm qua cũng lên tiếng bảo vệ việc các phi cơ bay qua Biển Đông. "Tất cả các chuyến bay và tất cả hoạt động của tàu chúng tôi đều nằm ở không phận, hải phận quốc tế", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steve Warren nói. "Đây là một phần chiến dịch của chúng tôi trong việc bảo vệ tự do đi lại".
Trung Quốc đang ngang nhiên xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Trong những tháng gần đây, Mỹ tăng cường các chuyến bay trinh sát ở gần những dự án xây dựng Trung Quốc đang tiến hành. Hải quân Trung Quốc tuần trước phát cảnh báo, xua máy bay trinh sát Mỹ bay gần các đá nước này bồi đắp. Bắc Kinh cáo buộc Washington can thiệp vào các vấn đề khu vực và cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông.
Giới quan sát tin rằng chính sách tái cân bằng nguồn lực quân sự của chính quyền Obama sang châu Á - Thái Bình Dương và sự hiện diện trong khu vực của nước này là nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố ‘phòng thủ ngoài khơi”
Cũng trong hôm 26/5, quân đội Trung Quốc ngang nhiên so sánh việc bồi đắp và xây dựng trên các đá ở Biển Đông với những công trình xây dựng bình thường như xây đường ở những nơi khác tại nước này.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng công bố một báo cáo tái khẳng định cách tiếp cận cứng rắn hơn trong vấn đề quốc phòng khiến các nước láng giềng phải cảnh giác.
Báo cáo chiến lược này nói rằng sẽ bổ sung việc "bảo vệ các vùng biển lớn" vào nhiệm vụ "phòng thủ ngoài khơi" truyền thống của hải quân, tăng cường khả năng phản công và tiến hành các hoạt động chung trên biển.
Trong khi đó, lực lượng hải quân sẽ "nỗ lực chuyển trọng tâm từ bảo vệ không phận sang cả phòng thủ lẫn tấn công".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Danh liên tục lên tiếng chỉ trích Mỹ có "lời nói cũng như việc làm vô trách nhiệm" về tình hình Biển Đông. |
Trong một bài phỏng vấn, ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, tổng cục trưởng Cục Các vấn đề Biên giới và Đại dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, công khai thừa nhận nhiều cơ sở hạ tầng, trong đó có đường băng, bến cảng, hệ thống viễn thông, mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dù nói rằng chúng "chủ yếu được dùng vào mục đích dân sự", ông này vẫn ngang nhiên cho hay Trung Quốc có quyền triển khai các cơ sở cần thiết ở các đảo và rạn san hô nhằm mục đích phòng vệ quân sự".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm. Từ tháng 3/2014, Bắc Kinh ồ ạt cải tạo đất tại 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm.