Dịch vụ... làm bạn
Cô Nguyễn Thị Đ. (46 tuổi, ở xã Phùng Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) làm nghề này đã 10 năm, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu góc khuất trong nghề cô chứng kiến đủ. Nhưng điều khiến cô lo lắng, sợ hãi nhất chính là những bệnh nhân có mục đích tuyển người chăm sóc để “tìm bạn”, trêu trọc, tán tỉnh người chăm sóc.
Cô Đ. kể, có nhiều trường hợp người nhà dẫn “osin” đến nhưng bị bệnh nhân chê vì già quá hoặc xấu quá. Cũng có trường hợp người nhà bệnh nhân “chơi bài ngửa” ngay từ đầu, kiểu “bố em thiếu thốn tình cảm lâu rồi, ông cần người chăm sóc thì ít, cần người bầu bạn thì nhiều”.
Cô Đ. bảo, trước những lời đề nghị như thế thì cũng có người nhận, có người không đồng ý nhưng nghề nào cũng có người nọ, người kia. Do đó hiện nay, tình trạng người chăm sóc bệnh nhân luôn sẵn sàng làm thêm vài… dịch vụ “làm bạn” với bệnh nhân đang ngày càng hiện hữu trong nghề này như một dịch vụ... đi kèm tất yếu.
Cô Đ. cho biết mình cũng đã từng bị… hỏi han, trả giá, mời chào khi cô đang ngồi trên ghế đá bệnh viện chờ việc. Cô bảo, bệnh nhân ở đây nặng, nhẹ có đủ. Cứ buổi chiều bệnh nhân nhẹ đều xuống sân đi dạo, thường đi ngang các ghế đá, thấy cô nào, bà nào xinh xắn, dễ nhìn là sà vào, trả giá, mời đi.
Cô Đ. chép miệng nói: “Biết làm thế nào được, mỗi người mỗi tính, nhiều khi chị em làm nghề này cũng bị ảnh hưởng, bị người đời có cái nhìn soi mói, sai lệch cũng vì có những người sẵn sàng… “làm thêm” chuyện kia”.
Chưa hết, cô còn kể, có trường hợp kinh khủng đến mức, có cô gái mới ngoài 30 tuổi, nhận lời chăm sóc cho một người đàn ông góa U70. Ban đầu họ xưng hô “ông ông, con con”, vui vẻ thân tình nhưng vẫn có khoảng cách và đúng mực. Vậy nhưng khi bệnh nhân khỏe mạnh, xuất viện về nhà, cô này quyến luyến thế nào cũng về theo. Con cái ông già kia thì mỗi người mỗi phận nên cũng mặc kệ.
Thêm vài bận ông cụ vào viện, về nhà, đến khi quay trở lại bệnh viện thì thấy cái bụng cô “osin” lùm lùm, thái độ với bệnh nhân khác hẳn, cưng nựng nhau không một chút ngượng ngùng trước mặt cả phòng bệnh. “Nghề này nhiều trái khoáy lắm cô ơi” – cô Đ. than thở.
Bỏ nghề vì gặp… “dê xồm”
Ngồi ngay ghế đá bên cạnh, đang trong lúc rỗi việc, cô Trần Thị Huyền (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cũng “góp vui” với chúng tôi bằng những câu chuyện cay đắng không thua kém. Cô Huyền kể, cô gặp nhiều lắm những cảnh éo le đến với những người đã từng theo đuổi nghề này.
Thậm chí cháu gái của cô, tên Vũ Thị T. (26 tuổi) mới xuống Hà Nội làm được vài năm nhưng có lẽ do cô gái này trẻ đẹp, ngây thơ nên toàn gặp phải “dê xồm”. Cuối cùng T. đành bỏ công việc thu nhập khá để chấp nhận về quê làm ruộng.
Theo cô Huyền kể, lần đầu tiên T. bị “thả dê” không phải từ bệnh nhân mà là chồng của bệnh nhân. Như thường lệ, T. chăm sóc bà vợ tại bệnh viện. Đến khi tình trạng của bà đỡ hơn, bà được ra viện, T. theo về để chăm sóc cho bà hồi phục hẳn.
Ngày đầu tiên, chồng bà đã lởn vởn bên T., cứ đòi giúp T. việc nọ, việc kia. T. đã… tạo một khoảng cách bằng cách gọi chú, xưng con rất to, rõ ràng nhưng ông chồng không nghe, cố tình xưng hô trống không mỗi khi nói chuyện.
Lần thì ông đến thì thầm “cho thơm một cái”, T. sợ quá, hỏi rõ to: “Ông vừa nói gì cơ, cháu nghe không rõ hoặc cháu sợ mình nghe nhầm, để cháu vào đưa cả bà ra cho ông nói nhé”. Ông chồng nghe vậy thì lảng đi ngay.
Mỗi khi rỗi rãi, những người làm nghề lại chuyện trò, tâm sự và chia sẻ với nhau về mọi góc khuất trong nghề. |
Nhưng lần khác, lợi dụng lúc T. đang quét nhà, ông sà vào sờ mó, đụng chạm. T. lấy chổi quật lại, đồng thời gọi to tên bà vợ như đang muốn hỏi bà chuyện gì để ông tránh xa T. ra.
Lần thứ ba, khi đang chuẩn bị cơm nước trong nhà bếp, ông chồng sà vào, táo tợn hơn, đã… sàm sỡ cô gái. T. sợ quá, la lớn lên và, chạy một mạch đến viện, gọi cô Huyền xuống và khóc nức nở vì tức giận.
Từ ngày đó T. không bao giờ dám theo bệnh nhân về nhà, dứt khoát chỉ chăm bệnh nhân tại bệnh viện. Nhưng cái số đeo đuổi sao đó, T. lại bị bệnh nhân gạ gẫm, quấy rối. Nhẹ thì trêu trọc, bông đùa vài câu, lợi dụng cơ hội để túm tay, túm áo. Nặng thì mỗi khi T. chăm sóc, nâng đỡ, cứ giả vờ yếu ớt, ôm chặt cô gái trẻ, ghì vào người khiến T. nóng mặt, buông ra thì không được nên T phải cố hết sức vừa đỡ bệnh nhân vừa không ngần ngại tách bạch khoảng cách. Nhiều trường hợp T. phải lớn tiếng cho cả phòng cùng nghe để tự giải thoát cho mình.
Vài lần “dính” như thế, T. bỏ cuộc, lên tàu về quê không một lần quay lại dù có những gia đình bệnh nhân năn nỉ cô giúp đỡ.
Khi gặp phải những bà vợ có… máu ghen
Lại có trường hợp “osin” bị vợ của bệnh nhân ghen, dứt khoát không cho đụng chạm vào những điểm nhạy cảm trên cơ thể người chồng khiến người chăm bệnh khó hoàn thành tốt công việc. Cô Huyền kể, có lần cô nhận chăm sóc một người đàn ông bị tai nạn lao động bị thương ở khu vực nhạy cảm, ông này có bà vợ ghen tuông thái quá khiến cô phát hoảng.
Khi thuê người chăm sóc chồng, bà vợ đã phân định rõ ràng: “Cô chỉ được chăm sóc phần trên của chồng tôi, còn phần dưới để tôi chăm sóc”. Tuy nhiên, bà vợ làm được vài ngày thì ông chồng phát cáu vì bà vợ thay băng không đúng quy cách khiến ông ta bị đau, đóng tã giấy cũng không chuẩn khiến ông… tè dầm, phải thay ga, đệm. Vì những lý do trên, ông dứt khoát không cho bà vợ sờ vào mình.
“Tưởng như thế là gỡ xong ca khó, không ngờ bà ấy luôn kè kè theo dõi, xét nét như sợ tôi có ý định “sờ soạng” chồng bà ấy”, cô Huyền cười ngặt nghẽo “Khiếp thật, bà ấy trông chồng như trông… báu vật. Ông đau yếu, mình nghĩ đã nhận chăm sóc rồi nên muốn làm cho cẩn thận nhưng bà cứ ở bên, động chạm tí bà lại ré lên, ra vẻ xót chồng nhưng kỳ thực là lo mình cố tình đụng chạm đến chồng bà ấy”, cô Huyền kể tiếp.
Không ít chị em phụ nữ làm nghề này bị quấy rối, làm phiền và bị ghen. Do đó, người trong nghề mỗi lần ngồi lại với nhau lại kể cho nhau nghe những cách đối phó với từng trường hợp như thế nào để vừa giữ được nghề, vừa không khiến những bệnh nhân bị mất mặt.
Cô Huyền tâm sự: “Làm quá lên thì coi như tự làm mình “chạy mất dép” khỏi nghề này, bởi tai tiếng trong nghề này lan nhanh lắm. Mình làm tốt thì đông bệnh nhân, mình ghê gớm thì khỏi ai cậy nhờ. Vì ai chả muốn thuê người tử tế, thật thà, đứng đắn đúng không cô”?.