Ông Phan Trọng Quả sinh ra và lớn lên ở Bình Lục- Hà Nam. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1953 chàng thanh niên Phan Trọng Quả xung phong nhập ngũ, bảo vệ mảnh đất quê hương và bị rơi vào gọng kìm của giặc khi tuổi đời mới đôi mươi.
Bình Lục cũng chính là nơi đầu tiên ông Quả bị tù đày và cũng là nơi bắt đầu những cuộc tra tấn tù binh man rợ. Ông nhớ lại: “Chúng dùng gậy, dùng giày đinh dậm mạnh vào bụng, đổ nước vào miệng để tra tấn, rồi dùng quay điện kẹp vào tai làm chúng tôi ngất đi, chúng lại dội nước cho tỉnh lại. Nhưng chúng tôi vẫn quyết không hé nửa lời bởi chúng tôi biết rằng khi sa vào tay giặc thì thế nào cũng sẽ chết”.
Khi tra tấn không được chúng quyết định chuyển ông về Nhà Tiền (Hà Nội), rồi Nhà máy chai Hải Phòng, cuối cùng là nhà tù Phú Quốc. Những lần chuyển lao chúng đều đánh đập tù nhân nhưng những chiến sỹ bị tù đày ấy vẫn cất vang câu hát “Khi bị đưa ra đảo Phú Quốc, chúng tôi bị xếp thành hàng dài ở hai bên là đoàn "Tây đen" cứ đi đến đâu chúng cầm gậy đánh đến đó đánh cho đến tận xuống tàu. Lúc đó anh em mình đấu tranh mạnh lắm, cứ hát bài Tiến quân ca, ca ngợi Bác Hồ nên chúng đánh càng mạnh”, ông kể.
Khi bị đày ra đảo Phú Quốc, người cựu tù Phan Trọng Quả cùng với những đồng đội của mình vẫn không chịu khuất phục trước những lời ngon ngọt dụ dỗ của kẻ thù. Theo lời ông, nơi giam giữ những người tù chính trị là một loại chuồng cọp tối om, lạnh lẽo, không thể đứng được, chiều dài 2m, chiều rộng 1,5m. Cứ một chuồng cọp như thế chúng giam 4-5 chiến sỹ cách mạng.
Những ngày bị giam cầm chứng kiến những đồng đội của mình lần lượt ra đi vì bị tê phù, bệnh tật, ông cùng đồng đội đã nung nấu quyết định vượt ngục quay trở lại hoạt động nhưng không thành. Chúng "giải quyết" anh em bị chết hoặc bệnh tật bằng cách cho lên xe cáng chở ra bãi đổ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ với Hiệp định Giơnevơ, ông được trao trả về Đại đội 125, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 55 thuộc Bộ Tư lệnh tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Năm 1955 ông phục viên trở về với nơi đã cất tiếng chào đời. Nhưng duyên phận đã đẩy đưa người cựu tù ấy lên với Na Mao (Thái Nguyên) - vùng đất địa linh từng chứng kiến lễ cắt máu ăn thề, tế cờ khởi nghĩa trong khí thế sục sôi của quân, dân ta.
Thế nhưng Na Mao lại là vùng đất đầy thiếu thốn, đường sá đi lại lầy lội, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Để thoát nghèo, người cựu tù ấy đã quăng mình vào với công việc, tham gia các công tác đoàn thể của xã. Sự chăm chỉ, cần cù đã đưa ông lên giữ chức Phó Chủ tịch xã Na Mao. Những năm đương chức, ông đã cùng với Chủ tịch xã (lúc đó là ông Nguyễn Bảo Loan) đề ra nhiều giải pháp cải thiện đời sống cho nhân dân, tổ chức học văn hóa, xây dựng trường học, trạm y tế, mở mang giao thông…
Cuộc sống khốn khó, ông già đi theo tháng năm và bệnh tật. Không chỉ bản thân bị bệnh tiểu đường lâu năm, ngày ngày phải thuốc thang, gia cảnh của ông cũng rất éo le. Con trai bị thiểu năng, con dâu thì mắc bệnh ung thư, bệnh bướu cổ, tiền thuốc hàng tháng tốn cả triệu đồng, trong khi đó cháu gái lại đang học đại học năm thứ nhất ở Thái Nguyên.
Chi tiêu cả nhà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng cộng với đồng lương hưu cán bộ xã ba cọc ba đồng. Đến cơm cũng phải chạy vạy từng bữa. Vậy mà cho tới tận thời điểm trò chuyện với chúng tôi, ông vẫn chỉ nhận được 500.000 đồng từ chính sách cho người bị tù đày.
Khi được hỏi sao không viết đơn đề nghị thì ông trả lời: “Nhà nước mình cũng khó khăn lắm chứ. Bây giờ được sống trong tự do, không phải tù đày là sung sướng lắm rồi, tôi cũng chẳng mong muốn gì hơn cho riêng mình. Giờ chỉ mong sửa lại mái nhà vì dột nát hết cả rồi, mùa mưa khổ lắm. Mong sao bệnh tình của các con được thuyên giảm để có sức nuôi các cháu học đại học thôi”.
Về trường hợp của ông Quả, ông Nguyễn Văn Hồng, cán bộ thương binh xã hội địa phương cho biết: “Gia đình ông Phan Trọng Quả là cán bộ bị tù đày có hoàn cảnh đặc biệt éo le. Bản thân ông Quả không còn sức lao động. Chúng tôi vẫn quan tâm thường xuyên nhưng chủ yếu là về tinh thần do ngân sách của xã còn gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông Quả là hộ nghèo nhưng do thuộc dân tộc Kinh, xã lại chưa được nằm trong diện 135 cho nên con em đi học đại học, cao đẳng sẽ không nhận được chính sách hỗ trợ giống như con em dân tộc miền núi. Theo thông báo chúng tôi mới nhận được, có thể sắp tới ông Quả sẽ nhận được tiền hỗ trợ dành cho cán bộ tù đày là 660 nghìn đồng/tháng”.
Chia tay người cựu tù Phú Quốc quả cảm năm nào, chúng tôi vẫn trăn trở hình ảnh đôi mắt nhìn vào xa xăm của ông cùng khuôn mặt tái nhợt, mái tóc bù xù của người con dâu bên đống chè xanh vừa hái được mong kiếm thêm vài nghìn đồng gửi cho con ăn học.