LTS: Từ Hà Nội xuôi về phía Nam 20km dọc quốc lộ 1A, ít người để ý một tấm biển nhỏ khiêm tốn ven đường với dòng chữ “Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù và đày” của những người cựu tù binh Phú Quốc ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nhưng với những cựu binh, bảo tàng này được biết đến như một chứng tích chiến tranh đặc biệt, một địa chỉ quen thuộc mà hàng năm cứ đến những ngày lịch sử của dân tộc, họ lại tập trung về đây để cùng nhau ôn lại kỉ niệm chiến đấu của một thời hoa lửa, về đây để thắp nén hương thơm tri ân những đồng đội năm xưa đã ngã xuống.
Ông Bảng đã dành toàn bộ ngôi nhà hai tầng và mảnh đất hương hỏa gần 2.000m2 của gia tộc họ Lâm để làm bảo tàng. Ban đầu, vợ ông Bảng không đồng ý với việc làm của chồng, bà bảo làm thế là “rước ma về thờ”.
Ông nắm lấy tay bà, nghẹn ngào nói: “Đó không phải ma mà là linh hồn anh em đồng chí, họ hi sinh để tôi - chồng bà cùng những đồng chí khác có ngày trở về”. Bà nghe ra, từ đó lặng lẽ chăm sóc, vun vén gia đình để ông yên tâm với công việc đi tìm và lưu giữ những chứng tích của nhà tù Phú Quốc.
Ông Lâm Văn Bảng giới thiệu các hiện vật tại bảo tàng cho khách tham quan. |
Lập bảo tàng vì đồng đội
Ông Lâm Văn Bảng - Phó ban Liên lạc cựu tù Phú Quốc, Giám đốc bảo tàng cho biết, năm 1968, sau khi quân ta mở chiến dịch đánh đợt 1 thành công, tiếp tục mở chiến dịch đánh đợt 2, không may trong lần tiến công này ông Bảng bị thương nặng ở chân, tay và bị địch bắt giam vào khám Chí Hòa rồi đưa tới nhà giam Phú Quốc.
Trong tù, nhiều anh em đồng đội thấy ông Bảng bị tra tấn quá dã man, tưởng chừng không chịu nổi đã đứng lên chịu đòn roi thay ông, thậm chí sẵn sàng hy sinh vì ông, vì đồng đội. Ông Bảng coi đó như một món nợ tình cảm - một món nợ mà đời ông sẽ không bao giờ trả hết!
Ông Kiều Văn Uỵch từng bị giặc nhốt trong “chuồng cọp” vì chống làm cỏ hàng rào, đêm đến chúng giội nước lạnh vào người gọi là “tắm cho cọp”. |
Bất giác đưa tay sờ vào vết thương còn in hằn ở chân, ông Bảng kể: “Đến tận giờ phút này, những hình ảnh đau thương ấy vẫn như còn hiện hữu ngay trước mắt, những tiếng kêu rên thảm thiết của anh em vì vết thương hành hạ vẫn vang vọng trong tâm trí tôi.
Nhiều người bị địch đánh đến liệt toàn thân, chỉ còn biết nằm một chỗ, chuột kéo đến gặm nhấm, ăn thịt thân thể, hôm nay ăn mất cái tay, ngày mai ăn mất cái chân, đến bao giờ không còn nghe thấy tiếng kêu rên cũng có nghĩa là thân xác đã bị cắn nát.
Rồi hàng ngày đi điểm danh, mỗi lần tới lượt ai đó những tên giám thị, cai ngục dùng gậy “biệt ly”, vồ “sầu đời” gõ chan chát vào đầu, vết sưng rỉ máu chưa kịp lành, hôm sau lại nhận thêm một nhát chí mạng từ những chiếc gậy vô tình”.
Năm 1973, qua đợt trao trả tù binh theo Hiệp định Pari, ông trở về từ nhà tù Phú Quốc với thương tật 1/4. Là một trong số ít anh em còn sống sót trở về, ông tự nhủ phải làm một điều gì đó để đền đáp công ơn đồng đội, làm một điều gì đó để nhắc thế hệ sau này nhớ về họ. “Đồng đội tôi, người mất xác, người phải bỏ lại chiến trường một phần thân thể của mình.
Tất cả đều vì bom đạn chiến tranh. Cần phải lưu lại tất cả những kỉ vật, những hình ảnh của chiến tranh để thế hệ sau hiểu hơn về những gì cha ông đã trải qua, để thêm quý trọng giá trị của nền độc lập tự do đang được hưởng” - ý nghĩ dẫn tới ý tưởng thành lập một bảo tàng lưu giữ các kỉ niệm chiến tranh.
Bàn bạc với các đồng đội, ông được hưởng ứng nhiệt liệt. Thống nhất ý tưởng, các cựu tù Phú Quốc người góp tiền, người góp sức đi tìm, lưu giữ các hiện vật và xây bảo tàng.
Tái hiện “địa ngục trần gian”
Ký ức về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, anh dũng của các chiến sĩ được lưu giữ trong những hiện vật nhỏ bé mà chứa đựng những câu chuyện sống động, bi ai, hùng tráng. Khu nhà chính, gồm 9 gian phòng là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử tái hiện cuộc đấu tranh hào hùng trong cảnh tù đày của các anh hùng liệt sĩ suốt 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp.
Hàng trăm kỷ vật truyền tay của các chiến sỹ cách mạng tại nhà tù Phú Quốc và hơn 200 hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ từ năm 1911 - 1969 cũng được lưu giữ tại đây.
Có cả băng cat-sét ghi âm lại lời Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình được bật lên mỗi khi có khách tham quan. Đặc biệt, nơi đây có những hiện vật còn ẩn hiện đâu đó linh hồn của các liệt sỹ như tảng đá đập vào đầu, đinh đóng vào người, đầu đạn ghim trong hài cốt và những chiếc răng còn sót lại...
Chiếc roi dùng để tra tấn người tù là một trong những dụng cụ tra tấn khủng khiếp được trưng bày tại đây. Các cựu tù vẫn truyền tai nhau là đuôi cá đuối chứa chất độc làm thối da, thối thịt. Những chiếc roi làm bằng đuôi cá đuối có khi dài tới hai mét, gai lởm chởm như gai mây. Khi roi vung lên, nó cuốn vào thân thể như con rắn độc với những chiếc răng sắc nhọn ghim sâu vào thân thể. Lúc rời ra, nó lôi theo cả da thịt tù nhân.
Cựu tù Kiều Văn Uỵch - Phó Giám đốc Bảo tàng - cũng là nhân chứng sống của “địa ngục trần gian” Phú Quốc từ năm 1969 - 1973. Lặng đi trước mô hình chuồng cọp, ông kể về quãng thời gian kinh hoàng bị giam cầm trong đó. 16 ngày đêm với một tư thế ngồi cúi gằm đầu, hai chân bị xiềng chặt, bữa ăn là một ca nước lã và một bát cơm nhạt nấu từ gạo đã mủn mốc.
Chỉ với một cái “chuồng cọp” rộng chưa đến 1m2, cao gần 50cm ấy mà nhiều khi địch nhốt tới 7, 8 chiến sĩ ta dưới ngày nắng bỏng rát và đêm lạnh thấu xương...
Trong số những kỷ vật thiêng liêng ấy là lá cờ Đảng và tấm chân dung Hồ Chủ tịch được nhuộm bằng máu của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Phú Quốc. Hình búa liềm ở giữa lá cờ được tạo nên từ những viên thuốc ít ỏi mà các chiến sĩ cách mạng có được đem mài ra, pha thành màu để vẽ. Ở chốn lao tù, một viên thuốc còn quý hơn máu.
Tuy vậy, nhiều người tù sức khỏe yếu song dứt khoát không uống thuốc, để dành làm màu vẽ cờ Đảng. Trong ngục, để giữ được lá cờ đó, các chiến sĩ đã cuốn nhỏ lá cờ vào túi nilong, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả trôi vào họng mỗi lần địch lục soát. Những lúc “an toàn”, lá cờ lại được lấy ra treo ngay ngắn trên tường để củng cố quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong ngục.
Ở một góc bảo tàng, cành ổi khẳng khiu được ươm chăm chút. “Cành này chiết từ cây ổi mọc trên phần đất trước kia là hố chôn tập thể giữa đảo Phú Quốc. Nó vươn lên từ mảnh đất thấm máu xương của đồng đội chúng tôi. Trong thân, cành, lá, quả của nó là linh hồn của biết bao liệt sĩ” - ông Bảng xúc động cho biết.
“Đây là bảo tàng cách mạng tư nhân duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Tuy là một bảo tàng tư nhân nhưng nó là bảo tàng của tất cả anh em đồng chí, đồng đội. Bữa cơm đạm bạc hàng ngày, những người cựu binh nơi bảo tàng vẫn dành riêng hai chiếc bát đựng đồ ăn, hai đôi đũa, hai chén rượu để tưởng nhớ đến những người bạn đã nằm xuống nơi chiến trường” - Giám đốc Lê Văn Bảng tâm sự. |
(còn tiếp)
Thu Hồng