Được biết đã có 4 hồ sơ đăng ký nhờ mang thai hộ tại BV, bác sĩ có thể cho biết cụ thể về các trường hợp này?
- Trong 4 hồ sơ trên, đa phần đều đến từ các tỉnh thành, có 1 hồ sơ bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, không có tử cung; 1 trường hợp bị ung thư cổ tử cung; 2 trường hợp còn lại nội mạc tử cung bị mỏng, không thể mang thai được. Họ đều đã kết hôn lâu năm, từ 5-6 năm trở lên, và rất mong mỏi có con. Họ cũng gần như tuyệt vọng với ước mơ có tiếng cười trẻ thơ và chấp nhận số phận buồn của mình.
Thế nên ngay khi Luật ra đời, họ vô cùng mừng rỡ và lập tức đến BV tầm soát khả năng, nộp hồ sơ xin mang thai hộ. Tin vui cho họ là tất cả đều đủ tiêu chuẩn về sức khoẻ để thực hiện được kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng tin chưa vui là họ chưa thể làm ngay trong hiện tại vì những lý do thuộc về thủ tục.
Xin bác sĩ cho biết đâu là nguyên nhân khiến BV không thể thực hiện việc mang thai hộ cho các trường hợp nói trên, dù đã đủ tiêu chuẩn?
-Trên nguyên tắc, pháp luật quy định thế nào thì BV sẽ thực hiện đúng như vậy. Xét ở góc độ một BV chuyên khoa đầu ngành như BV Từ Dũ thì phương diện kĩ thuật là quan trọng nhất và chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện để thực hiện tốt việc thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ. Thực ra, đây chỉ là một kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chứ không có gì mới mẻ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm BV vẫn làm. Mỗi năm BV Từ Dũ thực hiện khoảng trên 2.000 ca, tỉ lệ thành công đến 42%, có thể sánh ngang với nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, để thực hiện được kĩ thuật nói trên phải có những thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu. Trong vai trò là những người thực hiện kĩ thuật, BV còn có trách nhiệm phải hướng dẫn cho bệnh nhân biết cách thực hiện các thủ tục ấy như thế nào. Tuy nhiên, dưới luật chưa có nghị định nào hướng dẫn về những thủ tục hành chính nên phía BV cũng chưa nắm được các trình tự để hướng dẫn cho bệnh nhân.
Một ví dụ cụ thể, luật quy định người được nhờ mang thai hộ phải là họ hàng cùng hàng với người nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, quan hệ cùng hàng đó cụ thể là như thế nào, là người có huyết thống với nhau hay kể cả người kết nghĩa, nhận nuôi? Định nghĩa họ hàng cùng hàng chưa có và ai sẽ là cơ quan xác nhận điều này, cơ quan công an hay cơ quan tư pháp? Nếu cơ quan công an thì là nơi người nhờ mang thai hộ cư trú hay cơ quan công an nơi người được nhờ cư trú? Vì thế, tất cả đều phải chờ đến khi có thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết thì mới có thể thực hiện, thế nên hiện nay các gia đình đành phải tiếp tục chờ đợi thôi.
BS Diễm Tuyết |
Trước khi luật cho phép, có các trường hợp yêu cầu thực hiện mang thai hộ hoặc cố ý làm “chui” tại BV không, thưa bác sĩ?
- Tại BV Từ Dũ, công tác kiểm soát việc mang thai hộ rất chặt chẽ. Có những trường hợp đến đề cập trực tiếp thì BV lập tức từ chối và giải thích rõ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải là không có những hành vi cố ý tìm cách “lách” rất tinh vi để thực hiện việc mang thai hộ. BV từng phát hiện một trường hợp lấy hình chứng minh nhân dân của người nhờ mang thai hộ rồi dán hình của người được mang thai hộ vào. Nhưng BV cũng thông cảm vì mong muốn có con quá lớn của bệnh nhân nên không làm căng mà chỉ thông báo cho họ và đưa ra lời từ chối.
Về mặt cá nhân, bác sĩ có suy nghĩ thế nào về việc luật cho phép mang thai hộ?
- Nói thật, từ trước khi luật chưa cho phép tôi đã là một trong những người rất ủng hộ chủ trương cho mang thai hộ. Bởi, trong quá trình làm công tác chuyên môn tại BV, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tôi thấy quá nhiều trường hợp khao khát có con mà không thể có. Có trường hợp người phụ nữ bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, bản thân họ đã có mặc cảm khiếm khuyết cộng với khát khao cháy bỏng có đứa con khiến tôi rất cảm thương và mong muốn giúp họ.
Theo tôi, quyết định cho phép mang thai hộ là rất dũng cảm, đầy nhân bản và hợp lòng người. Thực ra, mang thai hộ xét cho cùng chỉ là kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cơ bản mà rất nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam đã có thể thực hiện được. Nhưng từ trước đến giờ chúng ta vướng vì luật không cho phép, khiến rất nhiều người ấp ủ mong muốn có con đành ngậm ngùi không dám hy vọng. Nay có thể ứng dụng khoa học kĩ thuật vào giúp được cho những người không may được làm cha, làm mẹ, với họ giống như được tái sinh vậy.
Xin cảm ơn bác sĩ!