Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong thời gian tới, HTX sẽ chú trọng thực hiện việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cơ bản khắc phục được được tình trạng yếu kém kéo dài. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các tổ hợp tác có vai trò liên kết các hộ sản xuất hoạt động ổn định.
Một số tổ hợp tác còn liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào, đầu ra giúp thành viên tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, có 998/1.384 tổ đăng ký chứng thực với UBND xã, phường, thị trấn. Dự kiến trong 5 năm tới (2020 - 2025) tỉnh Bến Tre sẽ phát triển mới 75 HTX, quan tâm đa dạng hóa sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất gắn với tạo sự liên kết với các doanh nghiệp.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre mới đây, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên toàn tỉnh đối với công tác phát triển kinh tế tập thể.
Qua đó, ông cũng đề nghị tập trung củng cố xây dựng, phát triển về số lượng mà vẫn đảm bảo về chất lượng của HTX. Tạo điều kiện để HTX tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế khác. Từng bước đưa HTX gắn liền với các chuỗi giá trị, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Hiện nay, Bến Tre đã xây dựng và được cấp nhãn hiệu tập thể như chôm chôm Chợ Lách, hoa kiểng Cái Mơn, nhãn Long Hòa... Trong thời gian tới, các HTX cần tập trung thế mạnh từ cây dừa để phát triển kinh tế, nâng cao giá trị và ổn định đời sống cho người dân.