Bê bối tài chính của 2 đời Thị trưởng Tokyo

Cựu thị trưởng thành phố Tokyo Naoki Inose
Cựu thị trưởng thành phố Tokyo Naoki Inose
(PLO) -Quyết định từ chức của Thị trưởng Tokyo -Yoichi Masuzoe hôm 14/6 do sử dụng các quỹ chính trị cho những mục đích không thích hợp khiến người dân đất nước mặt trời mọc liên tưởng tới người tiền nhiệm của ông- cựu Thị trưởng Naoki Inose cũng phải ra đi (tuyên bố từ chức ngày 19/12/2013) vì có liên quan tới cáo buộc nhận 50 triệu yen từ một tập đoàn điều hành bệnh viện của Nhật Bản.

Rời nhiệm sở sau 372 ngày nhậm chức

Ngày 24/12/2013, Hội đồng thành phố Tokyo chấp thuận đơn từ chức của Thị trưởng Naoki Inose.

Trước đó, ông Naoki Inose đã đệ đơn từ chức lên Chủ tịch hội đồng thành phố Tokyo Toshiaki Yoshino, rời nhiệm sở chỉ sau 372 ngày nhậm chức, trở thành Thị trưởng Tokyo có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử thủ đô. 

Theo giới truyền thông, ông Naoki Inose bị cho là đã nhận 50 triệu yen (khoảng 480.000 USD) tiền mặt từ lãnh đạo của tập đoàn Tokushukai, liên quan tới hỗ trợ tài chính trái phép cho Takeshi Tokuda, con trai của nhà sáng lập tập đoàn này, trong cuộc vận động tranh cử vào Hạ viện trước đó.

Ông Naoki Inose thì khẳng định, chỉ vay số tiền kể trên với danh nghĩa cá nhân từ Takeshi Tokuda hôm 20/11/2012, một ngày trước khi công bố tranh cử chức Thị trưởng Tokyo, và đã hoàn trả số tiền kể trên hồi tháng 9/2013.

Theo hãng thông tấn Kyodo, ông Naoki Inose đã phải trải qua các cuộc chất vấn (tổng cộng khoảng 20 giờ trong 4 ngày) do một ủy ban thuộc Hội đồng thành phố tiến hành.

Trước khi trở thành Thị trưởng Tokyo, ông Naoki Inose là Phó Thị trưởng Tokyo (từ năm 2007) và được người tiền nhiệm Ishihara đề cử, sau đó giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thị trưởng hồi tháng 12/2012 với số phiếu áp đảo và được cho là chưa từng có trong các cuộc bầu cử địa phương tại Nhật Bản.

Giới truyền thông cho rằng, ông Naoki Inose bị “lộ sáng” sau khi “lại quả” 5 triệu yen cho ông Mitsuhiro Kimura, lãnh đạo nhóm chính trị cánh hữu Issuikai - đối tượng trung gian chịu trách nhiệm sắp xếp cuộc gặp giữa với lãnh đạo tập đoàn Tokushukai Torao Tokuda (ngay sau khi bầu cử thị trưởng hồi tháng 12/2012). 

“Nối gót” người tiền nhiệm

Ông Yoichi Masuzoe nhậm chức hồi tháng 2/2014, thay thế người tiền nhiệm Naoki Inose và phải từ chức vì bê bối tài chính cá nhân sau khi dẫn đầu chiến dịch giúp Tokyo giành quyền tổ chức Olympic 2020.

Ngày 15/6, Hội đồng Thành phố Tokyo đã thông qua kiến nghị bất tín nhiệm đối với ông Yoichi Masuzoe. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản từng ủng hộ ông Yoichi Masuzoe trong cuộc bầu cử thị trưởng hồi tháng 2/2014 cũng kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Nhiều thành viên Hội đồng Thành phố Tokyo đã gia tăng sức ép buộc ông Yoichi Masuzoe phải từ chức, bởi họ không hài lòng về các giải trình của Thị trưởng Tokyo tại phiên chất vấn hồi đầu tuần trước.

Thị trưởng Tokyo Yoichi Masuzoe
Thị trưởng Tokyo Yoichi Masuzoe

Ông Yoichi Masuzoe bị chỉ trích về những chuyến công du tốn kém, cũng như sử dụng các quỹ chính trị cho những mục đích “không thích hợp”. Và phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ từ dư luận sau khi bị tiết lộ về thói chi tiêu xa xỉ và tốn kém.

Năm ngoái, 2 chuyến đi London và Paris của ông Yoichi Masuzoe cùng khoảng 20 quan chức thành phố đã tiêu hết 455.000 USD. Riêng Thị trưởng Tokyo ở khoang hạng nhất và lưu trú tại những khách sạn cao cấp.

Ngoài ra, ông Yoichi Masuzoe còn bị cáo buộc thường xuyên sử dụng xe công vụ về quê, và sử dụng nguồn quỹ từ những người ủng hộ tài trợ và tiền ngân sách để mua từ quần áo người lớn đến đồ ngủ trẻ em. 

Theo hãng NHK, ông Yoichi Masuzoe sẽ từ chức vào ngày 21/6 và Ủy ban phụ trách bầu cử của Hội đồng Thành phố Tokyo sẽ thu xếp tổ chức bầu người kế nhiệm vào ngày 31/7 hoặc 7/8.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.